Dạy trẻ đi trên mảnh chai thật ra là một hình thức huấn luyện kỹ năng tồn tại đã có từ lâu trên thế giới. Đầu tiên, người ta sử dụng hình thức đi trên lửa. Đi trên lửa đã được Tolly Burkan (diễn giả người Mỹ), một diễn giả truyền cảm hứng và tin vào sức mạnh tự lực nhờ tinh thần, du nhập vào Mỹ trong những năm 1980.
Sau này, Anthony Robbins (diễn giả người Mỹ) sử dụng rộng rãi hơn trong các chương trình huấn luyện. Tác dụng lớn nhất của biện pháp này là mang tính ẩn dụ, thông qua phần giải thích của diễn giả giúp người học tiếp thu tốt hơn.
Tuy nhiên, khi về Việt Nam, hình thức này bắt đầu có nhiều cải tiến, thay vì dùng lửa, hoặc than, một số diễn giả, công ty đào tạo sử dụng mảnh chai vỡ, gai hoa hồng, thậm chí dùng cả... kim tiêm.
Cách đây vài năm, tôi có một khóa học tại TP HCM. Trong khóa, có một nội dung tôi sợ nhất là yêu cầu tất cả học viên phải đi qua gai hoa hồng.
Ban tổ chức (BTC) mua sẵn mấy bao bó hoa hồng còn nguyên hoa, cành và... gai. Tôi quan sát rất kỹ các cành và hoa đó, gai nào gai nấy vừa dài vừa to. BTC đổ thành một hàng dài hơn 3 mét toàn gai là gai.
Tôi nhìn thấy ghê quá nên xin miễn tham gia. Diễn giả đồng ý nhưng cũng giải thích rằng đi qua gai hồng không sao. Quan trọng là tâm lý, các bạn huấn luyện cũng động viên nên tôi quyết định... liều một phen.
Các học viên xếp thành một hàng dài rồi lần lượt đi qua. Một người, hai người, ba người... Tôi đợi mọi người đi qua trước cho gai gãy xuống bớt để an toàn hơn.
Cuối cùng còn mình tôi. Mọi người bắt đầu tập trung chú ý bởi tôi là con trai, mặt mày thanh tú mà nhát chết. Tôi sợ, nhưng thấy mấy cô gái còn dám đi qua, không lẽ tôi chịu thua. Vậy là tôi hít một hơi thật sâu lấy tư thế sẵn sàng. Khi tôi chưa kịp đi qua, BTC thay một đống hoa hồng mới. Tôi nghĩ "mình tính già hóa non".
Trong khi tôi đang ngập ngừng lại bị huấn luyện viên la. Tôi nghĩ, lần này chết vinh còn hơn sống nhục, bấm bụng bước qua đống gai hoa hồng, nhẹ như lướt đi trên mây. Cả hội trường vỗ tay.
Tôi vừa bước qua xong lật hai bàn chân lên xem, toàn máu là máu. Vài cái gai còn nằm nguyên trong lòng bàn chân, cắm sâu hoắm. Nhiều người cũng bị tương tự, nhưng cố gắng chịu đựng, chẳng dám nói gì.
Sau này, khi tôi tham gia sâu vào lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu nhiều sách vở, tôi quyết định không bao giờ sử dụng phương pháp này vì một số lý do:
- Thứ nhất, con người sinh ra vốn có một số nỗi sợ nhất định. Có người sợ nói chuyện trước công chúng, người sợ đám đông, có người sợ gián. Như tôi rất sợ dao kéo, tiêm chích và sợ... sâu.
Hồi nhỏ, tôi nghe bác sĩ sửa soạn dao kéo, chưa kịp "hành sự" là tôi đã "chết ngất" trên băng ca. Đến khi đi học, tôi bị bạn lớp trưởng cầm nguyên con sâu dí theo nhát khiến tôi chạy vòng khắp sân trường, vừa chạy vừa khóc nức nở.
Khi lớn hơn tôi nhận ra, những nỗi sợ này là bình thường và chính nó giúp con người từ khi còn là một đứa trẻ có thể phân biệt được đâu là hiểm họa để tránh.
|
Diễn giả Huỳnh Minh Thuận trong buổi gặp gỡ người hâm mộ khi ra mắt sách mới. |
Như một đứa trẻ đưa tay vào ngọn lửa, nó sẽ thấy nóng, từ đó nó rất sợ lửa. Nhờ vậy, nó sẽ học cách tránh xa và bảo vệ an toàn cho bản thân trước lửa. Nhưng nếu ta cắt dây thần kinh cảm giác, khiến chúng không còn sợ lửa, khi đưa tay vào lửa chúng cũng không còn thấy nóng hay đau đớn thì sao? Rồi một ngày, nó sẽ làm cháy cả bàn tay mình mà không biết gì.
- Thứ hai, người ta thường cho rằng, sử dụng cách đi qua mảnh chai, lửa, hay gai hồng là để rèn luyện kỹ năng vượt qua các nỗi sợ hãi trong cuộc sống. Điều này là không đúng. Một người có thể không sợ đi qua mảnh chai nhưng vẫn sợ nói trước công chúng. Một người không sợ nói trước công chúng nhưng vẫn sợ đi qua mảnh chai. Vậy sự thật là sao?
Các bạn thân mến, chúng ta không bao giờ có thể dùng cách vượt qua nỗi sợ này, để áp dụng cho nỗi sợ kia. Chúng ta không thể nói mình không còn sợ đi trên gai hoa hồng để nói mình cũng không sợ rắn, sâu, kim chích. Vì vậy, sử dụng biện pháp đi trên mảnh chai để rèn luyện kỹ năng vượt qua nỗi sợ hãi là không hiệu quả. Nó chỉ mang tính chất khích lệ trong một số trường hợp nhất định.
- Thứ ba, các mô hình đào tạo như trên đều được thực hiện với sự hỗ trợ một cách nghiêm ngặt của đội ngũ diễn giả và huấn luyện viên. Đặc biệt, mảnh chai, hay gai hoa hồng khi sử dụng này đều đã được xử lý.
Gai hoa hồng đã được bẻ bớt hay mảnh chai đã được loại bỏ những mảnh sắc nhọn. Dù vậy, hầu hết các buổi huấn luyện theo cách này có tỷ lệ 5-10% học viên bị tai nạn ở mức độ khác nhau. Cho nên, nếu không được xử lý, khả năng xảy ra thương tích cũng như việc lây truyền các bệnh truyền nhiễm qua đường máu sẽ là một hiểm họa lớn cho các học viên.
Cuối cùng, tôi khuyên các phụ huynh không nên cho con em tham gia vào các khóa học có sử dụng hình thức trên. Nó chỉ nên dùng một cách hạn chế trong các hoạt động tập thể, đối tượng tham gia là những người đã trưởng thành và ý thức được mức độ nguy hiểm của nó. Chúng ta cũng tuyệt đối không nên thử tại nhà.
Chắc nhiều bạn sẽ hỏi: "Thế có cách nào khác để rèn luyện lòng dũng cảm, hay vượt qua nỗi sợ hãi?". Tôi nghĩ dễ lắm, trước hết, phải xác định rõ nỗi sợ đó là có ích hay vô ích, và có cần vượt qua nó không? Nếu bạn sợ chết cháy, sợ bị đạp mảnh chai, sợ bị người yêu "đá"... thì kệ, bởi đó là những thứ nên sợ và đáng sợ.
Nếu bạn sợ nói chuyện trước công chúng, sợ bán hàng, sợ nói chuyện với người lạ, sợ phỏng vấn xin việc, sợ nói lời xin lỗi, sợ rủi ro trong kinh doanh hay khởi nghiệp... thì sao? Bí quyết là, nhảy thẳng vào nó.
- Sợ nói chuyện trước công chúng, bạn cứ đi học các lớp về kỹ năng nói chuyện trước công chúng.
- Sợ khởi nghiệp, bạn cứ học các lớp về khởi nghiệp.
- Sợ sợ phỏng vấn xin việc, bạn học về phỏng vấn xin việc. Sau khi bạn học xong sẽ thực hành dần, bắt đầu từng bước một, từ đó, nỗi sợ sẽ biến mất. Bạn đừng học cách đi trên mảnh chai để vượt qua nỗi sợ bán hàng.
Tóm lại, bạn phải phân biệt được nỗi sợ nào nên và không nên, cái gì cần cải thiện mới cải thiện, và cải thiện ngay cái đó. Còn tôi, ngày nhỏ sợ con gái, bây giờ cũng vậy.
Theo Zing News