Điện thoại không cần hạn chế, tại sao đề xuất chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

Google News

(Kiến Thức) - Điện thoại là mặt hàng phổ biến, là phương tiện liên lạc chủ yếu của mọi người trong xã hội, không phải là mặt hàng cần phải hạn chế tiêu dùng như thuốc lá, rượu bia…Tại sao TP HCM lại đề xuất thành đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

UBND TP HCM vừa gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước". Trong đó, về thuế tiêu thụ đặc biệt, UBND TP HCM đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
Lý giải đề xuất trên, UBND TP HCM cho rằng, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
Cùng với đó, dù thừa nhận điện thoại di động không phải hàng hóa, dịch vụ cao cấp nhưng UBND TP HCM cho rằng, đây cũng không thuộc diện "rất thiết yếu". Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo địa phương này, nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý. Bên cạnh đó, điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Tuy nhiên, đề xuất trên đang gặp sự phản ứng của người dân ngay khi thông tin được đăng tải trên mặt báo.
Dien thoai khong can han che, tai sao de xuat chiu thue tieu thu dac biet?
 Ảnh minh họa.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh khi trao đổi với PV Kiến Thức về đề xuất trên của UBND TP HCM cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ tại. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.
Tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi bởi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 và hướng dẫn tại Nghị định 108/2015/NĐ-CP), những hàng hóa và dịch vụ sau phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt:Thuốc lá điếu, xì gà, các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, rượu bia, xe ô tô dưới 24 chổ, tàu bay, du thuyền... và một số dịch vụ cao cấp khác như kinh doanh vũ trường kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng.
Luật sư Bình lý giải, sở dĩ đánh vào các mặt hàng này để là công cụ rất quan trọng để nhà nước thực hiện chức năng hướng dẫn, điều chỉnh việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, chưa thật cần thiết cho nhu cầu xã hội thể hiện sự tăng cường quản lý, kiểm soát của nhà nước một cách tập trung, chặt chẽ đối với các loại hàng hóa, dịch vụ này.
Công cụ để nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách nhà nước một cách công bằng hợp lý: ai tiêu dùng nhiều các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì nộp thuế nhiều hơn người tiêu dùng ít hoặc không phải nộp thuế nếu không tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ đó. Khắc phục tình trạng bất đối xứng thông tin trong việc tiêu dùng hàng hóa gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá, rượu….
“Còn đối với điện thoại, hiện nay là mặt hàng phổ biến, là phương tiện liên lạc chủ yếu của mọi người trong xã hội, nó không phải là mặt hàng cần phải hạn chế tiêu dùng như thuốc lá, rượu bia mà ngược lại nó cần được khuyến khích. Chúng ta có thể thấy các cửa hàng, trung tâm luôn khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm với lãi suất 0%.
Từ phương thức bán hàng trả góp với lãi suất 0% mà nó giúp cho một đại bộ phận người dân, nông dân, công nhân có thu nhập thấp có phương tiện để liên lạc với gia đình. Sau những giờ lao động mệt nhọc họ có thể gặp vợ, gặp con, gặp cha, gặp mẹ dù cách nhau cả chiều dài dãi đất Việt Nam hay nữa vòng trái đất nhờ công nghệ của loại thiết bị này. Tuy nhiên, mặc dù được mua trả góp nhưng không phải ai cũng có tiền để hàng tháng trả nên chúng ta bắt gặp không ít các trường hợp các công ty tài chính thu nợ một cách rất khó khăn. Với những phân tích trên chúng ta có thể thấy điện thoại không phải là mặt hàng đáp ứng các tiêu chí của sắc thuế này”, Luật sư Bình cho biết.
Luật sư Bình cho rằng, không khó để làm một cuộc khảo sát về vấn đề này trước khi các nhà sáng kiến đưa ra sáng kiến của mình.
“Sáng kiến phải hợp với lòng dân, phù hợp với thực tế và đời sống của người dân đặc biệt là những người lao động. Ngoài việc kiếm các giải pháp để tăng thu cho ngân sách thì hãy kiếm tìm các giải pháp tiết kiệm ngân sách. Đó mới là sáng kiến hay nhất”, Luật sư Diệp Năng Bình nêu ý kiến.
Hải Ninh