Cuối năm 2022, TP Sông Công (Thái Nguyên) tiến hành dự án Quy hoạch mở rộng quảng trường và xây dựng hội trường Thành ủy Sông Công. Theo đó, một số hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ dự án được bố trí tái định cư. Dự án này được bố trí ngay phía sau hội trường Thành ủy.
Dự án san lấp mặt bằng khu tái định cư này được thực hiện bởi Công ty CP Đầu tư xây dựng Thương mại Hội An, theo Hợp đồng xây dựng số 113/2022/HĐXD. Giá trị hợp đồng xấp xỉ 3 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sông Công (thuộc UBND TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên).
|
Một trong những khu vực buộc di dời tái định cư phục vụ dự án |
Vật liệu san lấp có vấn đề?
Theo phản ánh của những hộ dân thuộc diện tái định cư, dự án này, trong quá trình triển khai công tác san lấp, người dân phát hiện vật liệu san lấp có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng.
|
Hình ảnh người dân ghi lại cho thấy từng đống vật liệu san lấp có nghi lẫn chất thải rắn xây dựng. (Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp) |
Cụ thể, thời gian đầu năm 2023, theo người dân địa phương ở đây cho biết, có nhiều xe chở đất san lấp đổ xuống khu vực dự án tái định cư, vốn trước là ruộng lúa.
Qua quan sát bằng mắt thường, họ thấy lẫn trong vật liệu san lấp là đá, gạch vỡ, vụn... nghi là chất thải rắn xây dựng.
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sông Công, vật liệu san lấp dự án khu tái định cư dành cho người dân bị ảnh hưởng, di dời bởi dự án Quy hoạch mở rộng quảng trường và xây dựng hội trường Thành ủy Sông Công được lấy ở mỏ đất Viện A thuộc phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên. Theo Giấy phép khai thác khoảng sản số 2938/GP-UBND ngày 23/11/2022 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến ký. Giấy phép này cấp cho Công ty CP Xây dựng số II Thái Nguyên là đơn vị khai thác mỏ đất để cung cấp cho dự án san lấp mặt bằng.
|
Một số vị trí người dân nghi ngờ vật liệu mang đến san lấp không phải từ mỏ đất được cấp phép. (Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp) |
Từ những phát hiện, ghi nhận tại hiện trường, người dân nghi ngờ một số vật liệu san lấp không được lấy từ mỏ đất Viện A. Họ lo lắng, liệu vật liệu san lấp có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của dự án đã được phê duyệt? Việc vật liệu san lấp có lẫn chất thải rắn xây dựng như phát hiện có ảnh hưởng đến chất lượng công trình, an toàn xây dựng...?
Nghi vấn sai quy trình san lấp mặt bằng?
Qua tìm hiểu PV được biết, theo quy định của pháp luật. Quá trình thi công và giám sát các công trình san lấp mặt bằng sẽ được căn cứ theo nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16-12-2004 về việc quản lý chất lượng công trình xây dựng; Tiêu chuẩn số TCVN 4447:87 về công tác đất và quy phạm trong thi công, nghiệm thu; Tiêu chuẩn số TCVN 4453:1995 về quy phạm trong thi công và nghiệm thu kết cấu bê tông cốt thép. Trong đó hướng dẫn các bước cụ thể trong quy trình san lấp mặt bằng hiện nay gồm:
Bước 1: Dọn dẹp sơ bộ mặt bằng. Đây là công việc đầu tiên và quan trọng nhất trong khâu chuẩn bị thực hiện san lấp mặt bằng.
Bước 2: Loại bỏ các lớp đất ở bên trên. Trong quy trình san lấp mặt bằng thì việc loại bỏ các lớp đất phía trên là điều rất cần thiết. Vì ở đó có chứa các loại sỏi đá, rác, cây cỏ… ảnh hưởng đến chất lượng san lấp, hạn chế đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật... và tiếp đó đến các bước khác.
Thế nhưng theo phản ánh người dân, dự án san lấp mặt bằng khu tái định cư này lại không thực hiện việc dọn mặt bằng, loại bỏ các lớp đất bên trên.
|
Hình ảnh ghi nhận ngày 17/3 cho thấy, lẫn trong vật liệu san lấp có những hòn đá khá lớn. |
Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, ngày 17/3/2023, PV trực tiếp đến hiện trường ghi nhận sự việc, xác minh nội dung, hình ảnh người dân phản ánh.
Tại hiện trường, PV ghi nhận lẫn trong vật liệu san lấp có những cục đá khá lớn, một số vị trí có lẫn gạch và các vật liệu giống chất thải rắn xây dựng. Điều này cho thấy phản ánh của người dân về nghi vấn vật liệu san lấp không được lấy hoàn toàn từ mỏ đất được cấp phép là có căn cứ và cần phải làm rõ.
|
Ngoài đá thì một số vị trí có thể thấy lẫn gạch, vật liệu giống chất thải rắn xây dựng. |
Người dân cho biết thêm, đơn vị thi công không thực hiện bóc lớp đất bề mặt đi trước khi đổ vật liệu san lấp và thực hiện các biện pháp thi công kỹ thuật theo thiết kế đã được phê duyệt.
|
Đơn vị thi công không bóc đất bề mặt mà cứ đổ thẳng đất san lấp xuống |
Ban quản lý dự án lên tiếng
Sau rất nhiều lần liên hệ, PV báo Tri thức & Cuộc sống mới có được cuộc làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sông Công. BQL dự án cử một cán bộ tên Nguyễn Trương ra trao đổi, làm việc trực tiếp với PV tại hiện trường dự án.
Ông Trương khẳng định: “Đất san lấp ở đây đã được đổ từ lâu rồi, có những chỗ có đất đá to như trong ảnh, bọn tôi còn móc đổ đi rồi mới san nền. Tôi khẳng định ở dự án này, tất cả đều được làm bài bản và đúng yêu cầu kỹ thuật, không có rác thải ở dưới."
Ông Trương cho rằng, những hình ảnh PV Báo Tri thức và Cuộc sống ghi nhận ngày 17/3/2023, vì ông Trương không có mặt tại hiện trường khi đó nên không thể xác nhận được.
|
Mặc dù thừa nhận đơn vị thi công không bóc, dọn dẹp lớp đất bề mặt nhưng ông Nguyễn Trương khẳng định tất cả đều làm đúng theo thiết kế kỹ thuật. |
Về phản ánh đơn vị thi công không tiến hành bóc đi lớp đất bề mặt, dọn dẹp phía trên mà cứ thế đổ thẳng đất xuống ruộng. Ông Trương thừa nhận có sự việc đó.
Khi PV đề nghị BQL dự án cung cấp các tài liệu, văn bản, công văn liên quan đến vụ việc thì ông Trương từ chối cung cấp, với lý do các sếp yêu cầu bí mật.
Theo khoản C Điều 25 Luật Báo chí 2016 nêu rõ quyền và nghĩa vụ của nhà báo: “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước…” Thế nhưng không hiểu sao BQL dự án vẫn không tích cực phối hợp, cung cấp văn bản, tư liệu?
PV tiếp tục đề nghị được tiếp cận tài liệu về việc quy định nguồn gốc đất san lấp cho dự án tái định cư phục phục vụ dự án Quy hoạch mở rộng quảng trường và xây dựng hội trường Thành ủy Sông Công, vị đại diện này hứa sẽ tìm kiếm, scan lại và gửi sau.
|
Giấy phép của mỏ đất Viện A TP Thái Nguyên. Đại diện Ban quản lý khẳng định bằng miệng đất san lấp lấy tại mỏ này, nhưng không cung cấp tài liệu quy định về nguồn gốc đất |
Nhưng sau đó, dù đã rất nhiều lần liên hệ, nhưng phía Ban quản lý dự án vẫn tiếp tục rơi vào im lặng. Sự việc này không khỏi khiến dư luận đặt nghi vấn rằng: Liệu có đúng đơn vị thi công (Công ty CP Đầu tư xây dựng Thương mại Hội An) lấy đất san lấp tại mỏ đất Viện A? Nếu vật liệu san lấp mặt bằng không đảm bảo đúng theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, có ảnh hưởng đến chất lượng công trình?
Quý Báo đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo TP Sông Công sớm chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trong tỉnh phối hợp kiểm tra, xác mình làm rõ.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin!
Hải Minh