Đưa thịt lợn gạo, thực phẩm không an toàn vào trường học là một tội ác

Google News

(Kiến Thức) -Đưa thực phẩm bẩn, thịt lợn gạo vào bữa ăn bán trú của các em học sinh mầm non đã là một tội ác và nếu hàng loạt trẻ em mắc bệnh do ăn phải những loại thực phẩm bẩn này thì tội ác đó càng nhân gấp bội, cần phải trừng trị một cách nghiêm khắc.

Thời gian gần đây không chỉ các phụ huynh tại trường mầm non xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bức xúc trước việc thực phẩm không an toàn, thịt lợn gạo, thịt gà “bở nát như cám” vào bữa ăn bán trú của hàng trăm học sinh mà dư luận cả nước cũng vô cùng phẫn nộ. Bởi nếu dùng một câu từ để chỉ hành vi bất nhân ấy chỉ có thể là tội ác.
Là một phụ huynh, nếu phải chứng kiến cảnh những miếng thịt lợn nổi đầy hạch trắng của bệnh sán hạt gạo – thứ thức ăn không dành cho người này lẽ ra phải đem đi tiêu hủy chình ình trong bếp ăn của trường mầm non chắc hẳn sẽ không thể giữ được bình tĩnh.
Và càng không thể giữ được bình tĩnh khi hàng trăm cháu được cho là đã ăn những thực phẩm trên khi đưa đến bệnh viện khám đã có hơn 60 cháu dương tính với sán lợn. Con số này chắc chắn sẽ không dừng lại khi các bệnh viện tiếp tục công bố kết quả khám chữa bệnh của các em học sinh.
Dua thit lon gao, thuc pham khong an toan vao truong hoc la mot toi ac
 Trường mầm non Thanh Khương.
Hiện nguyên nhân việc các trẻ em bị nhiễm sán lợn hàng loạt có liên quan đến việc ăn thịt lợn gạo hay không phải đợi kết quả kiểm tra từ các cơ quan chức năng. Nhưng việc nhiều người hoài nghi nguồn thức ăn bẩn tuồn vào nhà trường là nguyên nhân chính dẫn đến việc các em mắc sán lợn là có cơ sở. Bởi hiếm nơi đâu, trong một khoảng thời gian ngắn, hàng chục em được phát hiện mắc sán lợn như vậy. Hơn nữa, từ những hình ảnh miếng thịt lợn gạo trong bếp ăn nhà trường cũng là minh chứng rõ ràng nhất. Bởi thịt lợn gạo có chứa các nang sán là nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm sán lợn.
Việc buôn bán kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn đã là việc làm vô đạo đức, đáng bị lên án nhưng việc đưa các thực phẩm ấy vào bữa ăn bán trú của hàng trăm em học sinh thì là hành vi táng tận lương tâm, một tội ác không thể dung thứ.
Không thể không gọi là tội ác khi chỉ vì những món lợi nhỏ người ta sẵn sàng làm những việc bất nhân, dùng thực phẩm bẩn làm thức ăn cho các cháu mầm non là hành vi đầu độc các cháu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của hàng trăm học sinh.
Nhiễm sán lợn có thể gây nguy hiểm đến trẻ nếu không được phát hiện sớm, nang sán nằm trong não khiến người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Nếu các phụ huynh không phát hiện miếng thịt lợn gạo chình ình trong bếp ăn trường mầm non thì chắc hẳn tội ác này vẫn tiếp diễn và hậu quả mà các học sinh sẽ phải chịu thật không thể tưởng tượng được.
Liên quan đến những hành vi được ví như một tội ác trên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – Nguyễn Tử Quỳnh đã yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các trường học.
Tất nhiên để xảy ra vụ việc trên, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm cao nhất và thực tế hiệu trưởng nhà trường đã bị tạm đình chỉ công tác để xác minh làm rõ những thông tin mà phụ huynh phản ánh.

Dua thit lon gao, thuc pham khong an toan vao truong hoc la mot toi ac-Hinh-2
 Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy đã có 64 học sinh mắc sán lợn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho trường mầm non Thanh Khương là Công ty TNHH và Đầu tư tài chính Hương Thành cũng phải chịu trách nhiệm, đáng chú ý công ty này cũng là đơn vị cung ứng thực phẩm (thịt lợn, thịt gà) cho 19 trường mầm non, 2 trường tiểu học trong toàn huyện Thuận Thành.
Điều đáng nói, việc xử lý các công ty tuồn thực phẩm bẩn vào nhà trường hiện nay được xem là quá nhẹ. Thời gian qua không ít vụ việc tuồn thực phẩm bẩn vào bữa ăn học đường được phát hiện nhưng đều có điểm chung là không có ai đứng ra nhận trách nhiệm hay bị xử lý một cách nghiêm khắc.
Để bảo vệ an toàn cho sức khỏe của trẻ em, ngăn chặn những hành vi tàn ác, các cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở việc đình chỉ hiệu trưởng, phạt hành chính các đơn vị cung cấp thực phẩm không an toàn mà đã đến lúc phải xử lý mạnh tay hơn như việc xem xét đến trách nhiệm hình sự chẳng hạn.
Nếu có đủ bằng chứng thực phẩm bẩn vào bếp ăn khiến nhiều học sinh mắc sán lợn thì cần phải khởi tố hình sự để làm gương. Tại Điều 317 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định thì hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm đó không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Qua vụ việc trên, các cơ quan chức năng cần xem xét đến việc phải có camera để kiểm soát khu vực ăn uống của các trường học. Đồng thời, cần có biện pháp yêu cầu các trường phải công khai thực đơn ăn hằng ngày của trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần được có quyền giám sát bữa ăn của con em mình ở trường. Nhưng việc tiên quyết cần làm là đặt nặng trách nhiệm lên vai người đứng đầu nhà trường, nếu cố tình vi phạm cần phải xử lý nghiêm khắc để răn đe những trường hợp khác. Có xử lý mạnh tay mới có thể hi vọng bữa ăn bán trú ở trường luôn là những bữa ăn an toàn.
Thiên Nga