Đừng xin lỗi kiểu “cả vú lấp miệng em”!

Google News

(Kiến Thức) - Cô giáo xin lỗi trước mặt toàn trường vì nghi oan cho học sinh trộm tiền là điều rất nên làm, nhưng có nên long trọng, ầm ĩ và nặng về vật chất như vậy?

Mấy ngày gần đây, theo dõi qua báo chí, tôi có biết đến câu chuyện em Lại Thị Thẳm, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Trung Lập Thượng xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP. HCM) , nhà nghèo, bị đưa đến thẩm vấn gần một ngày ở đồn công an do cô giáo nghi trộm tiền. Sau đó, cô giáo này đã tìm thấy số tiền tưởng mất ở một ngăn khác trong túi xách của mình, em Thẳm được minh oan, thả về.

Câu chuyện nghe thì tưởng chỉ có thế, kể chưa đầy 5 phút đã xong, viết cũng chẳng đầy 100 chữ. Nhưng, là một người mẹ cũng có con trong độ tuổi đi học, tôi trăn trở rất nhiều sau khi được đọc nó. Tôi thấy thương cảm, xót xa cho em học sinh kia trước cách hành xử vừa lạnh lùng, khô cứng và phản giáo dục của những người lớn xung quanh em. 

Bởi thế, tôi ấm lòng khi đọc thấy tít bài “Cay xè mắt tại lễ xin lỗi em học sinh lớp 2 bị nghi oan” được đăng tải trên báo Kiến Thức. Nhưng đọc hết bài, lại là cảm giác thất vọng khi đến việc xin lỗi, người ta dường như cũng không biết cách. Buổi lễ xin lỗi, đáng lẽ nên tổ chức giản dị và chân thành, thiên về khía cạnh tinh thần thì lại bị “long trọng hóa”, ồn ào, ẫm ĩ và nặng về vật chất như tặng xe đạp, quyên góp và tặng tiền...

 Cô giáo xin lỗi và tặng xe đạp cho học sinh bị nghi trộm tiền.

Tôi nghĩ, nhà trường nên xin lỗi một cách giản dị, đủ để minh oan cho học sinh và thể hiện được sự hối hận chân thành của giáo viên. Nhưng đặt mình vào vị trí của em học sinh lớp 2, tôi không cảm nhận được điều đó. Thay vào đó là cảm giác “cả vú lấp miệng em”, nhấn vào sự nghèo khó của học sinh, lấy vật chất ra để bao biện, che lấp đi lỗi lầm của người lớn...

Đành rằng, em là một học sinh nghèo, việc cô giáo mua xe đạp tặng em hay phát động phong trào quyên góp là điều đáng làm. Thế nhưng, thiếu gì dịp để tặng quà mà phải gắn luôn vào sự kiện xin lỗi vì đã nghi ngờ em ăn trộm, xoáy sâu vào định kiến “túng quá làm liều” vốn làm đau lòng những học sinh nghèo.

 Cô Hiệu trưởng trao số tiền nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình em Thẳm

Người ta vu cho em ăn cắp có thể vì nghĩ em nghèo, và rồi biết em bị oan, người ta nói một lời xin lỗi, bù đắp cho em thêm chút vật chất, để em chẳng có lý do gì trách móc hay oán thán vì sự nghi oan, đối xử tàn nhẫn trước đó.

Chưa kể, hành động quyên góp tiền cuối buổi lễ giống như một sự sắp đặt. Các em đều mới là những học sinh cấp 1, các em lấy đâu ra sẵn tiền trong túi mà ủng hộ bạn khó? Hoạt động ủng hộ này phải có kế hoạch, có lịch trình, được thông qua phụ huynh chứ sao có thể ngẫu hứng như vậy. 

 Các em học sinh Trường tiểu học Trung Lập Thượng quyên góp ủng hộ em Thẳm.

Nhìn cảnh các em quyên góp, tôi không thể không đặt câu hỏi: Mục đích thực sự của buổi lễ xin lỗi này là gì? Là để xin lỗi, mang lại cho em sự tự tin, thoải mái vốn có khi đến trường hay là để xoa dịu dư luận, đánh bóng tên tuổi nhà trường, khi vụ việc phơi bày trên báo chí khiến người ta phẫn nộ?

Cho dù nhà trường thật tâm hối hận, cô giáo tặng xe đạp xưa nay vẫn quan tâm, giúp đỡ em như bài báo nói thì cũng nên biết cách xin lỗi, tặng quà sao cho thấu tình, đạt lý. Đừng cậy thế người lớn, hành xử lợi mình mà thêm lần nữa, tổn thương đến cảm xúc trẻ thơ.


Phạm Vân Hà (Hiệp Hòa, Bắc Giang)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyễn Thăng -

Chuyện bé lớp 2 bị nghi oan
Thôi thì mọi chuyện đã được giải quyết tốt rồi, tôi thấy vậy cũng hợp tình hợp lý. Ai mà không có sơ suất tốt nhất là nên thông cảm và tha thứ. OK????

Nguyen -

Đừng xin lỗi kiểu "cả vú lập miệng..."
Bài báo nói đúng, tại sao xin lỗi mà phải làm ầm ĩ lên vậy? Mà mất nấy tiền hay nhiều hơn không có cách giải quyết hay sao mà phải mang em ra công an?

Hiển thị thêm bình luận