EVN nói gì về tiền điện tăng đột biến và khoản 42.000 tỷ gửi ngân hàng?

Google News

(Kiến Thức) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chính thức lên tiếng giải thích về việc hóa đơn tiền điện kỳ tháng 4 tăng cao và khoản tiền 42 nghìn tỷ đồng EVN gửi không kỳ hạn tại ngân hàng.

Thời gian gần đây, nhiều khách hàng trên cả nước đã thắc mắc về số tiền điện phải trả trong tháng 4 cao bất thường, thậm chí có khách hàng phản ánh việc phải trả số tiền cao từ 30-50%, cá biệt có hộ tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Nhiều người hoài nghi mức tăng giá điện 8,36%. Cùng với đó, dư luận cũng có nhiều ý kiến về khả năng quản trị dòng tiền của EVN khi
báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, số dư tiền gửi ngân hàng của EVN khi đó là42.796 tỷ đồng. Số tiền này cuối 2017 là 32.363 tỷ đồng, năm 2015 và 2016 là khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng.
Trước những băn khoăn trên của dư luận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa chính thức lên tiếng giải thích về sự việc trên.
Sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến
Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam về việc hóa đơn tiền điện kỳ tháng 4 tăng cao cho biết, sản lượng điện tiêu thụ tăng cao do nắng nóng kéo dài, kết hợp với yếu tố giá bán điện bình quân đã được Nhà nước điều chỉnh tăng, là những nguyên nhân làm hóa đơn tiền điện tháng 4 cao hơn so với kỳ trước đó.
Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, tính từ thời điểm thực hiện điều chỉnh tăng giá điện (20/3/2019), đến ngày 26/4/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiếp nhận trên 13.000 ý kiến của khách hàng về hoá đơn tiền điện. Các thắc mắc, yêu cầu này đều được ngành Điện tổ chức kiểm tra, xác minh và giải quyết kịp thời. Các khách hàng đều hài lòng với kết quả giải quyết của ngành Điện.
EVN noi gi ve tien dien tang dot bien va khoan 42.000 ty gui ngan hang?
 Ảnh minh họa.
Trong đó, nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là thiết bị làm lạnh tăng cao, là một trong các nguyên nhân làm sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng cao hơn tháng trước.
“Theo quy luật thời tiết, từ cuối tháng 3, tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C. Tại miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày nắng nóng lên đến 37°C. Ghi nhận tại Hà Nội, mức tiêu thụ điện tăng từ 47 triệu kWh/ngày (cuối tháng 3/2019) lên đến gần 58 triệu kWh/ngày (đầu tháng 4/2019). Trong đó, ngày 20/4 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm với 63,4 triệu kWh. Điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4/2019 tại Hà Nội tăng 16,17% so với tháng 3/2019. Còn tại TP Hồ Chí Minh, sản lượng tiêu thụ từ 71 triệu kWh/ngày (cuối tháng 3/2019) lên đến trên 83 triệu kWh/ngày (đầu tháng 4/2019). Sản lượng trong ngày cao nhất là 90,04 triệu kWh (ngày 24/4). Điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4/2019 tại TP Hồ Chí Minh tăng 15,53% so với tháng 3/2019”, Thông tin từ EVN cho hay.
Cụ thể tại Hà Nội trong tháng 4, có 196.000 khách hàng đã tiêu thụ điện gấp 2 lần trở lên tháng trước đó (chiếm tỷ lệ 8,4%). Trong khi đó, 539.000 hộ khác tiêu thụ điện gấp từ 1,5 đến 2 lần (chiếm 24%). Từ đó dẫn đến 263.000 hộ chịu tiền điện tăng gấp đôi trở lên. Khoảng 788.000 khách hàng tiền điện tăng 1,5-2 lần.
Tại TP.HCM trong tháng 4, 177.000 khách hàng đã dùng điện cao hơn 2 lần trở lên so với tháng 3 (chiếm 7,8%). Ngoài ra có 324.000 khách hàng dùng điện tăng từ 1,5 đến 2 lần. Từ đó dẫn đến 241.000 khách hàng có tiền điện tăng trên 2 lần. Khoảng 599.000 hộ tiền điện tăng 1,5-2 lần.
EVN noi gi ve tien dien tang dot bien va khoan 42.000 ty gui ngan hang?-Hinh-2
 Mức chênh lệch tiền điện theo giá cũ và giá mới.
Bên cạnh đó, theo EVN, số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 4 là 31 ngày, nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Do số ngày sử dụng điện theo phiên ghi chỉ số tăng 3 ngày làm tăng lượng điện năng tiêu thụ lên 10,71%. Nếu không có yếu tố điều chỉnh giá bán điện cuối tháng 3/2019, thì 2 yếu tố trên vẫn làm tăng mức tiêu thụ điện trong tháng lên gần 27%. Đây là 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng lên đáng kể, nếu khách hàng càng sử dụng nhiều điện thì mức tăng tiền điện càng lớn.
Thống kê về hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, tính đến ngày 26/4/2019, có trên 57% trong tổng số khách hàng tại Hà Nội có mức sử dụng điện tháng 4 tăng trên 30% so với tháng 3. Tỷ lệ khách hàng này tại TP Hồ Chí Minh là trên 47%.
Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng cho biết, một nguyên nhân nữ làm hóa đơn tăng là tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3/2019 theo Quyết định 648/QĐ-BCT thì mức độ tăng giá bình quân của tất cả các nhóm khách hàng là 8,36%, riêng với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mức tăng tiền điện từ 8,35% - 8,38% tuỳ theo mức độ sử dụng điện trong tháng, chi tiết tính toán tiền điện (gồm cả thuế GTGT) mà khách hàng phải trả trong tháng ứng với các mức tiêu thụ điện từ 100 kWh - 1.000 kWh.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc tiền điện tăng cao bao gồm: Nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng, việc điều chỉnh giá điện tăng, thời gian sử dụng điện trong tháng dài hơn.
Phúc tra 100% trường hợp khách hàng có lượng điện tiêu thụ tăng đột biến
Theo Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, giá điện có ảnh hưởng đến chi phí của mỗi hộ gia đình sử điện, do đó việc thắc mắc là quyền và lợi ích của người dân. Để công khai minh bạch với hóa đơn tiền điện, trong thời gian qua EVN triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường công tác công khai minh bạch trong hoạt động ghi chỉ số và phát hành hóa đơn tiền điện, kiểm tra, theo dõi và trả lời tất các thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện.
Theo đó, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực tăng cường lực lượng các điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khách hàng qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, qua điện thoại hotline trong thời gian cao điểm nắng nóng. Tất cả các kiến nghị của khách hàng liên quan đến tiền điện được thực hiện trong vòng 24 giờ. Trường hợp khách hàng có thắc mắc về chỉ số công tơ, tiền điện lãnh đạo đơn vị khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời khi phát hiện có sai sót.
EVN noi gi ve tien dien tang dot bien va khoan 42.000 ty gui ngan hang?-Hinh-3
 
Đối với các trường hợp khách hàng phản ánh qua báo chí hoặc qua mạng xã hội mà có thông tin cụ thể, ngành điện sẽ kiểm tra, xử lý và giải đáp đầy đủ đến các khách hàng và thực hiện đúng quy định nếu có sai sót. Đặc biệt, ngành điện thực hiện thông báo và phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề. Tất cả các sai sót (nếu có) liên quan đến công tơ và ghi chỉ số công tơ đều được tiếp nhận, giải quyết và tiến hành các thủ tục truy thu/thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định.
Khi có ý kiến của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, EVN yêu cầu giám đốc Công ty Điện lực trực tiếp chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, xác minh, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của khách hàng trong vòng 24 giờ.
Điển hình, các công ty Điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) bố trí lịch trực xuyên suốt kỳ nghỉ lễ 30/4, sẵn sàng tiếp nhận và đảm bảo nhanh chóng giải quyết những kiến nghị, thắc mắc của khách hàng về hoá đơn điện. Tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã liên tục thông tin tới khách hàng, cũng như cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình tăng trưởng phụ tải, giúp khách hàng nắm bắt rõ mức độ tiêu thụ điện.
Trên quy mô toàn quốc, 5 Tổng công ty Điện lực chủ động kiểm tra, theo dõi các bất thường trong hoá đơn điện và sẵn sàng giải đáp 24/7 các thắc mắc của khách hàng qua hệ thống kênh tương tác của các Trung tâm chăm sóc khách hàng ngành Điện.
EVN nói gì về “Dấu hỏi về hơn 42 nghìn tỷ đồng EVN gửi không kỳ hạn tại ngân hàng”?
Liên quan thông tin khoản hơn 42.000 tỷ đồng mà EVN gửi không kỳ hạn tại ngân hàng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lý giải, số dư tiền gửi này được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên, bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.
“So với số dư nợ phải ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN ( hơn 106 ngàn tỷ đồng) thì quá nhỏ chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện… (55 ngàn tỷ đồng) và trả nợ ngân hàng đến hạn (22 ngàn tỷ đồng). Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao”, EVN cho biết.
EVN giải thích cơ cấu tổ chức bộ máy hiện tại của EVN có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh điện năng. Để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ cung cấp đủ điện, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.
Đối với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước. Công ty mẹ EVN cần phải có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hàng tháng cho các đơn vị bán điện. Doanh thu tiền điện thường tập trung vào cuối tháng trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài thường tập trung vào đầu tháng. Vì thế số dư tiền gửi của EVN vào cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.
Trong lĩnh vực đầu tư, mặc dù nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng EVN và các đơn vị thành viên phải cung cấp đủ vốn theo kế hoạch, đáp ứng tiến độ thi công của các dự án, nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thủ tục hoàn tất các điều kiện để giải ngân của các Hợp đồng tín dụng thường bị kéo dài nên ngoài việc đảm bảo vốn đối ứng theo kế hoạch EVN và các đơn vị thành viên phải dự phòng thêm vốn để thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp chậm giải ngân vốn từ các Hợp đồng tín dụng nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra của các dự án nhất là các dự án cấp bách, trong điểm.
Hiện tại, EVN có số dự nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao, đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.
“EVN đã chỉ đạo các đơn vị cân đối dòng tiền để đảm bảo thanh toán kịp thời cho các nhà cung cấp theo quy định của hợp đồng đã ký đồng thời thực hiện các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị”, Tập đoàn điện lực Việt Nam lý giải.
Hải Ninh