|
Ảnh minh họa. |
Trong khi giá xăng giảm kỷ lục, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang tích cực kiểm tra giá cước vận tải ô tô giảm chưa hợp lý thì nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) đòi tăng giá tới 60%. Điều này thực sự khiến dư luận bất bình.
Không bất bình sao được khi những con số đã "tố cáo" sự chây ì của giá cước vận tải so với giá xăng dầu. Theo đó, 6 tháng qua, giá xăng giảm sâu 39% (25.640đ/lít xuống còn 15.670đ/lít) song giá cước taxi chỉ giảm 3 - 9%. Mới đây, nhiều DN còn đề nghị tăng mức giá vé từ 20 - 60%.
Sự lệch pha giữa giá xăng với giá cước vận tải lần này được TS Kinh tế Ngô Trí Long, trong một lần trả lời báo chí đã bình luận: "Khi giá xăng mới tăng, dù với biên độ rất hẹp (500 - 1.000đ) nhưng các DN vận tải, taxi vẫn yêu cầu tăng giá. Còn khi xăng giảm sâu thì doanh nghiệp lại không giảm tương xứng. Như vậy là không chia sẻ lợi ích với cộng đồng, với người tiêu dùng".
Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại thừa nhận, ông không bất ngờ với sự lệch pha này. Bởi lẽ, chúng ta chưa xây dựng được một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa nên chưa có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, do đó "vì lợi ích cục bộ họ thường hò nhau cùng không giảm giá". "Điều này cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý. Quản lý vẫn theo kiểu quan liêu, giấy tờ chứ không nắm được thực lực, thực chất của hoạt động vận tải, nó cạnh tranh như thế nào dường như vẫn còn lơ mơ. Vậy nên, DN có 3 - 4 sổ kế toán khác nhau, việc thực thu, thực chi thế nào nhưng sổ báo cáo của họ lại khác nên không kiểm soát được", ông Nam đánh giá.
Cũng theo ông Nam, nhiều DNVT bây giờ cũng phải có "cổ cánh" hoặc lắm tiền hoặc thân quen quan chức trong ngành hay chính quyền; đặc biệt những xe chạy tuyến cố định. Việc là "sân sau" của ông nọ ông kia, ngành nọ ngành kia khiến cho nhiều xe chạy mà chẳng sợ kiểm tra kiểm soát gì. Đó cũng là cái khó trong khâu quản lý nên chuyện giá cước vận tải tiếp tục "trơ gan" so với giá xăng cũng chẳng có gì lạ.
Từ những vấn đề này, ông Nam kiến nghị: Nếu DNVT tiếp tục chây ì không giảm giá cước, thậm chí còn đòi tăng giá vé thì cứ để họ tăng với một điều kiện là hãy đánh mạnh vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Lợi nhuận càng cao vô lý thì càng phải đánh thuế mạnh. Khi đó xem ai dám chây ì nữa không? Thế giới người ta cũng làm thế để hạn chế thất thoát thuế thì chẳng có cớ gì chúng ta không làm được. Chỉ có điều, người ta có muốn làm hay không mà thôi.
Linh Đan