Với thời gian 82 giờ đồng hồ, cùng với lực lượng cứu hộ lên đến hơn 600 người, ở vụ sập hầm công trình thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng là sự kiện được nhân dân cả nước theo dõi từng giây từng phút. Sự việc đã trọn vẹn, khi cả 12 nạn nhân sập hầm được giải cứu an toàn trong niềm vui vỡ òa của nhân dân cả nước.
Sức mạnh của gianh giới sinh tử
Mỗi khi đất nước có điều hệ trọng xảy ra thì sự đoàn kết trong nhân dân cũng như các lực lượng vũ trang lại được nhân lên gấp bội, điều đó đã được thể hiện bằng ý chí và quyết tâm cao của lực lượng cứu hộ trong những ngày cứu hộ các nạn nhân sập hầm. Sự quyết tâm hết lòng vì mạng sống của 12 con người, bất chấp trước hiểm nguy có thể xảy đến, những người đào hầm cứu hộ vẫn không quản ngày đêm, dù đói, dù rét, thiếu ngủ cũng không ngăn cản được sức mạnh tình người, đó là thứ sức mạnh vô biên để chuyền vào những nhát quốc nhát xẻng, với lòng mong mỏi sao cho sớm thông hầm! Nhân dân cả nước dõi theo từng mét hầm với sự cầu mong và lỗi lo âu thấp thỏm, để rồi vỡ òa trong sung sướng cùng những giọt nước mắt. Đó là thứ tình cảm quý giá thân thương, thẫm đẫm tình người.
Qua vụ việc cứu nạn này cũng thấy được sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương cũng như các bộ ngành, công tác tổ chức kết hợp các lực lượng phục vụ cho công tác cứu hộ cũng được dư luận đánh giá cao. Một lần nữa cho thấy, mỗi khi có sự quyết tâm cao, tình đoàn kết, lòng quả cảm ước nguyện được cống hiến, sẽ không có gì là không thể giải quyết được.
|
Giải cứu 12 người: Kết quả của trí tuệ, lòng quả cảm. Ảnh minh họa. |
Trọng trách của công đoàn cơ sở cần được nâng cao
Trong số 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm có một cặp vợ chồng quê ở tỉnh Nghệ An cùng một người cháu trong gia đình.
Từ sự kiện này đã đặt ra câu hỏi đối với cán bộ quản lý khi sử dụng lao động nói chung và lao động nữ nói riêng làm việc tại đơn vị của mình. Tại chương X: "Những quy định riêng đối với lao động nữ" của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013, Điều 160 quy định "Công việc không được sử dụng lao động nữ" gồm: 1,Công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành; 2,Công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước; 3,Công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ.
Với 3 quy định nêu trên thì trường hợp Công ty Thủy điện Đạ Dâng sử dụng lao động nữ mà theo thông tin thì đây lại là lao động ký Hợp đồng lao động theo mùa vụ làm việc trong hầm thủy điện là có đúng với quy định của pháp luật hay không? Trong tình hình hiện nay, người lao động thường là người ở thế yếu nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều khi "cũng đành nhắm mắt đưa chân" để có được một việc làm mà không hề biết đến quy định của pháp luật về những điều mình được bảo vệ.
Chính vì vậy mà Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 đã quy định: "Tổ chức Công đoàn cơ sở phải là Người đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động". Vậy trước khi người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng thực hiện việc ký kết Hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại Công ty thủy điện Đạ Dâng có được Công đoàn cơ sở tuyên truyền về pháp luật, giới thiệu nội dung Bản Thỏa ước Lao động tập thể của Công ty và tư vấn hướng dẫn cho họ hay không? Nếu không thì không chỉ xem lại trách nhiệm của người sử dụng lao động mà còn phải xem lại cả trách nhiệm của tổ chức Công đoàn cơ sở.
Nghiêm túc thực hiện những nội dung theo quy định của pháp luật là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân. Nếu mỗi người đều có ý thức trách nhiệm cao, nhất là với người sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn thì người lao động sẽ bớt đi những thiệt thòi về "quyền lợi hợp pháp và chính đáng" mà lẽ ra họ phải là người được hưởng từ chế độ chính sách tốt đẹp được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến người lao động.
Khúc Quý - Đình Nhận