Vụ việc bác sĩ Vũ Hồng Chiến công tác tại khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội bị bố của một bệnh nhi dùng tay đấm liên tiếp vào mặt đã phản ánh sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội.
Đây không phải là trường hợp cá biệt mà trước đó đã xảy ra hàng chục vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ.
Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ việc bác sĩ bị đánh khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Điển hình nhất là vụ hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung ở Bệnh viện Sản nhi Yên Bái bị chồng sản phụ đánh ngày 20/2. Chỉ sau đó 5 ngày, tại Bệnh viện đa khoa Bố Trạch (Quảng Bình), 5 đối tượng hung hãn chửi bới, đuổi đánh các nhân viên y tế, đập vỡ cửa kính tại bệnh viện chỉ vì các bác sĩ cấp cứu ngay cho hai nạn nhân bị thương nặng do tai nạn giao thông nhưng do thương tích nặng đã tử vong.
Nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ việc bác sĩ Nguyễn Đình Phi ở Khoa nhi Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh và sinh viên thực tập Trần Nhật Giáp bị bố bệnh nhi đánh ngay trong quá trình thăm khám cho trẻ. Vụ việc khiến bác sĩ Phi bị chấn thương vùng mũi, sinh viên Trần Nhật Giáp bị đánh bất tỉnh…
|
Hình ảnh bác sĩ Chiến bị hành hung. |
Ngoài những vụ việc bác sĩ bị hành hung được báo chí thông tin, chắc chắn trên thực tế hàng ngày vẫn có rất nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế công tác tại khoa cấp cứu gặp phải tình huống bị mạt sát, đe doạ, hành hung.
Trong vụ việc bác sĩ Vũ Hồng Chiến bị hành hung, clip ghi nhận lại khiến những người xem phẫn nộ bởi sự côn đồ coi thường pháp luật của một người đàn ông. Ông ta đã chửi bới, vả vào mặt bác sĩ như kẻ côn đồ, chỉ tay vào mặt bác sĩ như hắn là kẻ bề trên, bất chấp người đang bị xỉ vả, xúc phạm hành hung là bác sĩ đang thăm khám cho con trai của mình, bất chấp đứa trẻ mới 5 tuổi ngơ ngác sợ hãi nhìn cha mình hành hung người khác.
Những câu chửi rủa, những cái tát mà người đàn ông này dành cho bác sĩ được giải thích là do “sốt ruột” vì vết thương của con. Nhưng đó chỉ là sự ngụy biện cho những hành động côn đồ của kẻ vô đạo đức. Bởi khi thăm khám điều trị cho bệnh nhi, bác sĩ phải tư vấn cho thân nhân bệnh nhân về những tổn thương, chi phí và hướng xử lý cho bệnh nhi và người nhà bệnh nhi. Dù khi giải thích, thái độ của bác sĩ có thế nào thì việc người nhà hành hung bác sĩ là không thể chấp nhận được.
Bởi cái tát ấy không chỉ xúc phạm danh dự người thầy thuốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của nhân viên y tế. Cái tát ấy còn là minh chứng rõ ràng nhất cho sự xuống cấp của đạo đức xã hội, là biểu hiện tâm lý coi thường và cửa quyền, là biểu hiện của sự tàn ác của một số người nhà bệnh nhân khi ứng xử với các y bác sĩ.
Clip vụ việc người nhà bệnh nhi hành hung bác sĩ.
Lời nói chan nước mắt của vị bác sĩ trẻ Vũ Hồng Chiến khi trả lời kênh truyền hình khiến nhiều người ngẫm nghĩ: “Thật sự cháu bé không có tội, cháu bé không làm gì sai cả. Lỗi sai hay đúng sẽ làm việc với cơ quan điều tra, làm việc với cơ quan pháp luật. Mình cũng không thể bảo mình đúng mình sai, mình nói không ai tin cả.
Rất tiếc camera ở khoa không có tiếng, đấy là là điều rất tiếc. Khi dư luận xã hội này không biết tin ai cả, người ta không tin người bác sĩ. Người ta tin những người khác hơn là người chữa bệnh cho mình thì mình không muốn thanh minh với bất cứ ai cả.
Có điều sau khi người nhà bình tĩnh đến gặp mình xin lỗi, mình vẫn nói với họ: Chúng tôi sẽ khâu cho cho cháu dù bố cháu có đánh tôi đi nữa. Đó là điều mình muốn làm, mình muốn cho xã hội này thấy dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa thì họ vẫn phục vụ những người đánh họ".
Bệnh viện là nơi cấp cứu người bệnh, ở nơi đấy, hàng trăm nghìn bác sĩ vẫn miệt mài làm việc ngày đêm, thậm chí không có ngày nghỉ lễ, tết để chuyên tâm cứu chữa người bệnh với những áp lực không nhỏ họ phải vượt qua sau mỗi ca cứu chữa. Tuy nhiên, nỗi vất vả ấy lại được đền đáp bằng những cú đấm, cái tát, sự bạo lực từ chính người nhà bệnh nhân ở ngay nơi mình làm việc thì đó thực sự gây tâm lý rất lớn đến họ. Các bác sĩ dùng thuốc cứu người nhưng các cơ quan chức năng chưa mang lại “liều thuốc” an toàn cho tính mạng của họ ngay tại nơi họ công tác.
Đã không dưới 1 lần, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị có công an “cắm chốt” tại bệnh viện để hạn chế tình trạng các cán bộ y tế bị người nhà bệnh nhân hành hung. Cụ thể, bộ trưởng đề nghị cảnh sát cơ động phối hợp công an địa phương cắm chốt ngay tại bệnh viện để bảo vệ nhân viên y tế. Các đơn vị y tế, sở y tế và công an phối hợp lập đường dây nóng để bệnh viện gọi bất cứ lúc nào cũng có lực lượng 113 sẵn sàng hỗ trợ. Các bệnh viện cũng được khuyến cáo lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực.
Trên thực tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã ký kết với Bộ Công an trong việc phối hợp đảm bảo an ninh tại các bệnh viện. Nhiều giải pháp đã được đưa ra cùng với sự vào cuộc của cơ quan công an song vấn nạn bạo hành nhân viên y tế không những không giảm mà có xu hướng phức tạp hơn, gây tâm trạng bất an cho đội ngũ nhân viên y tế. Bởi nguyên nhân sâu xa của căn bệnh bạo hành bác sĩ chưa được diệt tận gốc thì việc đưa lực lượng công an cắm chốt tại bệnh viện cũng chỉ là liều thuốc giảm đau chứ không thể diệt hết căn bệnh trên.
Muốn trị được bệnh thì phải bắt đúng bệnh – căn bệnh hành hung bác sĩ chính là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội, trong đó không thể không nói đến việc một số cán bộ y tế tha hóa đạo đức gây mất niềm tin của người dân và sự xuống cấp đạo đức từ chính một bộ phận người dân. Để trị căn bệnh này, không chỉ sự giáo dục, thay đổi nhận thức, thay đổi cả hệ thống y tế mà còn rất cần sự phối hợp của nhiều ngành, mà đặc biệt từ phía chính quyền địa phương.
Trước hết, hãy xử lý nghiêm hành vi côn đồ của đối tượng hành hung bác sĩ Vũ Hồng Chiến như khi làm việc với lãnh đạo Tòa án Nhân nhân Tối cao chiều ngày 18/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra vụ việc hành hung bác sĩ tại bệnh viện Xanh Pôn và cho rằng cần khởi tố vụ án.
Thiên Nga