Mỗi lần ghé thăm gia đình anh chị vợ ở Hòa Khánh, Đà Nẵng , tôi đều được nghe người dân địa phương tỏ lời ngợi ca vị Chủ tịch thành phố trẻ tuổi mà năng động, sáng tạo và đầy quyết đoán trong công việc lãnh đạo của mình.
Rồi những gì người dân ca ngợi ông như được minh chứng thêm khi có lần tôi được xem truyền hình trực tiếp, hình như là cuộc họp Hội đồng Nhân dân thành phố trên đài truyền hình Đà Nẵng. Ấn tượng về Nguyễn Bá Thanh trong tôi bắt đầu từ đó - một người lãnh đạo rắn rỏi, mộc mạc pha chút hài hước, không có vẻ ngoài chải chuốt, hào hoa nhưng lại toát lên phong cách làm việc tự tin, quyết đoán, truy đến cùng sự việc để xử lý rốt ráo.
|
Ông Nguyễn Bá Thanh. |
Nhưng minh chứng thuyết phục nhất chính là sự đổi thay của Đà Nẵng. Mỗi lần từ Ban Mê xuống thăm thành phố là mỗi lần tôi lại thấy Đà Nẵng như được lột xác. Có thể nói, trong suốt gần ba mươi năm đổi mới vừa qua, không địa phương nào trong cả nước có tốc độ phát triển nhanh và bền vững như Đà Nẵng.
Thước đo tài năng trí tuệ và tâm huyết của người lãnh đạo là ở chỗ đó, ở cái sự thay đổi từng ngày từng giờ bộ mặt của địa phương mà mình gánh trọng trách chứ không phải ở những lời có cánh, những bài hùng biện, những diễn văn hào sảng. Nguyễn Bá Thanh không phải là mẫu người lãnh đạo như thế. Tính ông bộc trực, nói được, làm được, không văn hoa sáo rỗng, không đánh trống bỏ dùi, không theo kiểu “chỉ tay năm ngón”. Phong cách làm việc đó đã đem lại hiệu quả tích cực. Tôi nghĩ đấy là điều làm nên “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh. Người dân tin rồi mến ông, quý ông cũng chính là ở cái phong thái công bộc ấy chứ không phải ở cái uy của chức vụ to tát mà ông đảm nhiệm.
Bằng chứng là trong mấy tháng vừa qua, báo chí và dư luận đã dành sự quan tâm đặc biệt trước tin ông lâm trọng bệnh, đi Mỹ điều trị rồi trở về Đà Nẵng quê hương. Người dân thành phố trong suốt thời gian qua quan tâm, lo lắng cho ông như đối với một người thân. Chiều ngày 31/12, hàng trăm người đã tới Tịnh thất Bửu Sơn (K44/53 Đà Sơn, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cùng các tăng ni, phật tử thành kính làm lễ cầu an cho ông. Rồi một tuần sau, trong đêm 6/1, dù đã biết thông tin chuyến bay bị hoãn do thời tiết, vậy mà hàng trăm con người vẫn có mặt, thức đợi ở sân bay quốc tế Đà Nẵng để mong được đón ông trở về. Ba ngày sau, đêm 9/1, hàng ngàn người dân lại háo hức chờ đợi từ sân bay đến bệnh viện Đà Nẵng, và khi xe cứu thương chở ông xuất hiện đã vỗ tay chào đón và đồng thanh gọi to "Bá Thanh! Bá Thanh!". Có lẽ đây cũng là trường hợp hiếm hoi, người dân xưng hô với lãnh đạo một cách bộc trực như thế. Trong con mắt họ, có một Bá Thanh gần gũi và thân thiết.
Một tháng qua sau khi trở về quê nhà, người Đà Nẵng thấp thỏm, cầu mong cho bệnh tình của ông thuyên giảm. Ai cũng hy vọng điều kì diệu sẽ xảy ra, để Bá Thanh bình phục, gánh vác tiếp trọng trách mà nhân dân tin tưởng. Nhưng rồi, điều kì diệu ấy đã không đến với ông, tạo hóa đôi khi cũng bất công như thế.
Trưa 13/2/2015, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Người Đà Nẵng hay tin nhòa nước mắt. Hàng ngàn người đã có mặt ngay trước cổng nhà riêng của ông, dù chưa tổ chức lễ viếng, vẫn xếp hàng đợi đến lượt vào vĩnh biệt trong tiếc thương vô hạn người lãnh đạo mà mình yêu quý. Hình ảnh đó gợi nhớ đến hơn một năm về trước, những ngày đầu tháng 10 năm 2013, những dòng người vô tận cũng xếp hàng lặng lẽ trong giá rét trước số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội để đợi đến lượt mình vào vĩnh biệt người anh hùng, vị tướng của nhân dân: Võ Nguyên Giáp.
Tại sao người dân quan tâm đến bệnh tình, đến sự sống cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh? Câu hỏi ấy cứ vang lên trong đầu tôi. Liệu đây có phải là sự bột phát tình cảm nhất thời không? Tôi nghĩ là không bởi câu trả lời đã có ở những gì mà ông đã làm được cho Đà Nẵng, cho người dân quê mình từ chị bán hàng rong, anh xe ôm và cả những người chồng vốn quen thói vũ phu; ở những gì mà dân chờ đợi, đặt niềm tin và hi vọng vào người được Đảng giao trọng trách chống lại cái gọi là quốc nạn tham nhũng đang từng ngày từng giờ gặm nhấm đất nước.
Ở một khía cạnh nào đó, Nguyễn Bá Thanh đã chạm được tới điều cao quý trong tình cảm nhân dân bằng cái tâm cái tài của mình, bằng những gì mà ông đã làm cho dân, cho nước. Dẫu biết rằng, trong cuộc đời làm công bộc dân, ông cũng không tránh khỏi khiếm khuyết. Trên đời này chẳng cái gì là hoàn thiện hoàn mĩ. Điều quan trọng là ở chỗ, ông làm việc có tâm, có trách nhiệm – cái tâm và trách nhiệm đối với dân với nước.
Với Nguyễn Bá Thanh, người dân nhận ra điều đó. Vì thế mà niềm tin yêu của dân dành cho ông không hề sụt giảm, dù ông đã rời đất quê ra Hà Nội đảm đương trọng trách Trưởng Ban Nội chính Trung ương từ hai năm nay. Ở đời, con người ta luôn đối mặt với hai thái cực do chính mình gây ra: yêu và ghét. Bá Thanh đã làm được điều mà không phải ai trong hàng ngũ công bộc đương thời cũng làm được: giành được phần yêu nhiều hơn từ lòng người. Để khi ông lâm trọng bệnh lòng yêu đó được bộc lộ, thành nỗi lo, thành niềm hi vọng và bây giờ khi ông về cõi vĩnh hằng thì nó là niềm tiếc thương vô hạn đối với người con ưu tú của quê hương.
Sinh thời, Nguyễn Bá Thanh đã từng nói: "Là cán bộ, công chức phải có tấm lòng với dân. Nhưng tấm lòng đó phải thể hiện bằng hành động chứ không thể nói suông được". Ông là mẫu người cán bộ như thế - một công bộc dân thứ thiệt.
Cho nên, chẳng có gì là khó hiểu khi dân yêu ông bằng lòng yêu chân thực của mình.
Nguyễn Duy Xuân