Những ngày qua cả nước đau buồn khi biết tin, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần. Tại quê nhà nguyên Thủ tướng ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM), các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo TP HCM đại diện các đoàn thể, tổ chức cùng hàng nghìn người dân đã đến thắp hương kính viếng. Ai nấy đều thương tiếc cho vị lãnh đạo Chính phủ hết lòng vì dân, vì nước. Người có nhiều đóng góp cho đất nước và là người có tầm nhìn chiến lược, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống kinh tế nước nhà. Ngoài ra, những người dân sinh sống tại quê hương cũng nhận định, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người sống giản dị, chan hòa, gần gũi với bà con chòm xóm.
|
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: TTXVN
|
Người cả một đời vì dân, vì nước
Trả lời trên báo chí, khi nói về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người tích cực và kiên quyết xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.
Theo lời ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người có ý chí và tâm huyết, nhiệt tình trong việc xây dựng thể chế và chỉ đạo thực hiện. Ông đã tận dụng được kinh nghiệm của Việt Nam và nắm bắt được yêu cầu đối với Việt Nam trong hội nhập quốc tế để xây dựng thể chế kinh tế Việt Nam. Dưới thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, những bộ luật căn bản trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và mở cửa được xây dựng.
Chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải đã có công rất lớn khi ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại "giấy phép mẹ", "giấy phép con"; hoàn thành những vòng đàm phán gay go trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO; để lại cho nhiệm kỳ sau một nền kinh tế đang tăng trưởng GDP trên 8% (trong hai năm 2005-2006) và một Việt Nam có vị thế được coi trọng trên trường quốc tế.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi nói về bác Sáu Khải đã nói rằng: “Ông Sáu Khải là vị lãnh đạo có tư duy kinh tế tốt, có đóng góp rất nhiều cho quá trình đổi mới kinh tế của chúng ta, rất là tốt, để lại dấu ấn sâu, đậm nét. Đó là ấn tượng sâu nhất, tôi không thể nào quên được.Ngoài đóng góp toàn diện cho sự nghiệp chung trên các lĩnh, mỗi vị lãnh đạo có một thế mạnh, năng lực riêng. Thế mạnh của ông Sáu Khải là tư duy kinh tế tốt, nhiều đóng góp lớn, có thành quả ngay khi ở TP HCM làm Chủ tịch UBND TP HCM và đặc biệt là ở cương vị đứng đầu Chính phủ. Thành tựu đổi mới có nhiều thế hệ lãnh đạo đóng góp công sức, nhưng ông Sáu Khải có đóng góp rất quan trọng về mặt đổi mới kinh tế, bởi ông Sáu Khải trong suốt quá trình cống hiến chủ yếu làm công tác chính quyền, hành pháp”.
Cũng theo lời nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Sáu Khải là người gần gũi, thân tình, chia sẻ, kể cả khi giữ trọng trách Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Khi tôi làm công tác Mặt trận Tổ quốc cũng có nhiều kỷ niệm với ông Sáu Khải. Vào năm 2000 chúng tôi phát động Ngày vì người nghèo. Ông Trần Đức Lương lúc đó là Chủ tịch nước đã ra lời kêu gọi, còn tôi phát động. Chính phủ và các bộ, ngành hưởng ứng thúc đẩy. Ông Sáu Khải rất hoan nghênh công việc của Mặt trận Tổ quốc. Các chương trình như xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh vách đất, làm nhà đại đoàn kết đều được ông hết sức ủng hộ. Có những lúc ông đích thân phát biểu rồi thu băng để phát trên màn hình lúc giao lưu tổng kết chương trình, chính vì thế chương trình có sức nặng lớn.
Ông Lê Trí Tập, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam nhớ mãi ngày đầu chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày đó, nhiều người từ Đà Nẵng vào Quảng Nam làm việc; không có chỗ ở, mọi người ăn ngủ tại nơi làm việc, lấy bàn làm giường ngủ, ông Tập mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho cơ chế cấp đất ở cho cán bộ, công chức. Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý ngay.
Có đất rồi nhưng không có tiền làm nhà, tỉnh lại xin Trung ương và Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý cho Quảng Nam mượn tiền giúp cán bộ ổn định chỗ ở. Trong lúc khó khăn như thế, chính cách giải quyết linh hoạt và hợp tình của Thủ tướng Phan Văn Khải mà anh em cán bộ tỉnh Quảng Nam nhanh chóng ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó xây dựng quê hương.
Cuộc đời cách mạng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ luôn được người dân trân trọng và ghi nhớ, đặc biệt là những người con vùng đất Tân Thông Hội, cũng như Đất Thép Thành Đồng Củ Chi. Những cống hiến của ông Sáu Khải có thể cô đọng bằng hai câu đối của chính ông, được khắc trên bức Bình Phong tại cổng Di tích lịch sử đình Tân Thông:
“Vì đất nước quyết ra đi thời trai trẻ
Yêu làng quê xin cống hiến lúc tuổi già”.
Thủ tướng của doanh nghiệp
Tờ VOV điện tử đã dẫn lời Tiến sĩ Vũ Quốc Tuấn, Thành viên Ban cố vấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản, làm việc có nề nếp, đặc biệt là biết lắng nghe. Ông thường xuyên làm việc với Ban nghiên cứu, mỗi tuần làm việc một lần để lắng nghe những góp ý, tư vấn, đặc biệt là tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngay từ năm đầu tiên khi luật doanh nghiệp năm 2000 có hiệu lực, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã xóa bỏ hơn 240 giấy phép con. Mặc dù để xóa bỏ được những giấy phép này không đơn giản, phải làm việc với các Bộ, ngành, đôi khi phải đấu tranh rất quyết liệt mới bỏ được.
Trong suốt thời kỳ ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, được giới doanh nghiệp, doanh nhân gọi là "Thủ tướng của doanh nghiệp". Ông cũng là người đầu tiên tổ chức nhiều hoạt động, mở ra những vấn đề tháo gỡ khó khăn, tháo bỏ giấy phép con cho doanh nghiệp.
Là người có thời gian làm việc lâu năm với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong vai trò Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Nguyên đánh giá cố Thủ tướng là người “không ham mê quyền lực” và “lúc nào trong đầu óc cũng chỉ muốn làm cách nào giúp cho nước, cho dân”.
“Lúc nào trong đầu óc ông cũng chỉ muốn làm cách nào giúp cho nước, cho dân. Ngay cả khi đi nước ngoài, ông luôn tìm hiểu người ta làm ra làm sao để học hỏi, tìm cách áp dụng vào nước mình”, ông Nguyên nói.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ rằng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người có trí nhớ và khả năng thuyết trình tốt. “Nhưng ông Khải khiêm tốn, biết cách lắng nghe, ông nghe nhiều hơn nói. Đó là một đặc điểm rất quý”, ông Nghĩa nói.
“Chúng tôi trong Ban nghiên cứu, có khi nói lời thẳng thắn, đối với vị lãnh đạo cao cấp, nhiều khi khó nghe. Tuy nhiên, với các khuyết điểm trong bộ máy Nhà nước, chúng tôi trình bày rất thẳng thắn hoặc khuyến nghị các chính sách khác với chính sách đương thời. Những ý kiến tổng kết, tiếp thu sau đó cho thấy ông lắng nghe thực chất”, ông Trương Trọng Nghĩa nhớ lại.
Trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, ông Phan Văn Khải cũng đối mặt với nhiều thách thức về việc cắt bỏ các thủ tục hành chính. Theo ông Nghĩa, khi kêu gọi, các bộ chần chừ, kêu hoài không giảm thủ tục được bao nhiêu. Tuy nhiên, chính ông Phan Văn Khải là người kiên quyết cắt giảm một cách dứt khoát.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chia sẻ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người trầm tính, có trách nhiệm cao, giải quyết công việc thận trọng, tinh thần làm việc đến cùng. Ông luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển.
H.N (Tổng hợp)