“Phạt tù” người say rượu lái xe sẽ giảm tai nạn giao thông

Google News

(Kiến Thức) -Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân chính do tài xế xay xỉn, dùng ma tuý gây ra, khiến người dân rất hoang mang. Đã đến lúc chúng ta cần “bỏ tù” những người có hành vi này.

Hậu quả của rượu bia trong tai nạn thương tích được nhấn mạnh trong nhiều tài liệu nghiên cứu ở các nước kinh tế phát triển. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vai trò của rượu bia liên quan đến tai nạn thương tích đặc biệt đáng báo động ở các nước đang phát triển, nơi mà việc tiêu thụ rượu bia và tai nạn thương tích ngày càng tăng trong khi các chính sách về y tế công cộng vẫn còn tỏ ra thiếu hiệu quả.
Ở Việt Nam, tai nạn giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra chấn thương và tử vong. Hơn một triệu người trên thế giới tử vong và hàng chục triệu người bị chấn thương mỗi năm do tai nạn giao thông đường bộ. Để tìm giải pháp hạn chế tai nạn giao thông đường bộ, mục tiêu tăng cường việc tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ về sử dụng rượu bia của những người tham gia giao thông đường bộ ngoài việc phòng ngừa chống lạm dụng rượu bia cần có cơ chế xử phạt nghiêm khắc mang tính răn đe có thể đề cập đến là chế tài hình sự.
“Phat tu” nguoi say ruou lai xe se giam tai nan giao thong
 Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Long An do lái xe sử dụng ma túy, rượu bia.
Trong một nghiên cứu mới đây, Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á và thứ ba Châu Á về việc tiêu thụ bia rượu. Trong số nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ, tỷ lệ có cồn trong máu cao (56,4%), chủ yếu là nam giới (86,3%); Ngày cuối tuần (thứ 6), những ngày lễ (thứ 7, chủ nhật) và thứ 2 có số lượng tai nạn giao thông cao hơn các ngày khác trong tuần. Các giờ cao điểm tai nạn xảy ra ít hơn so với giờ làm việc và giờ đi chơi buổi tối. Đây cũng là một phát hiện đáng lưu ý.
Uống rượu từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Song việc lạm dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày hay liên hoan, tiệc tùng gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người. Đây cũng là một trong những trở ngại đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thời gian gần đây, những vi phạm về luật giao thông có biểu hiện diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân liên quan rượu, bia được các chuyên gia đánh giá rất nghiêm trọng. Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu bia thường có liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường...
Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống bia rất lớn. Theo nhiều chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1l khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1l khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh… Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức đáng báo động.
Đa số nạn nhân đồng tình với quan điểm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông dễ xảy ra tai nạn. Tỷ lệ người cho rằng không nên uống rượu bia khi điều khiển phương tiện rất cao (85%). Đa số nạn nhân tai nạn giao thông cho rằng cần xử phạt những người uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông và cần tuyên truyền rộng rãi về phòng tránh lạm dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Điều này cho thấy đa số người dân đã có ý thức về hạn chế sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, từ chỗ ý thức được vấn đề đến chuyển đổi hành vi và thực hành không sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện là một khoảng cách lớn mà muốn có sự chuyển đổi hành vi này thì Nhà nước và nhân dân cần mất nhiều công sức và tiền bạc.
Luật giao thông đường bộ quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia đối với lái xe ôtô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người đi xe gắn máy. Đồng thời, nghị định 34 cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, cụ thể: phạt 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc 0,4 mg/1l khí thở; phạt từ 2 đến 3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100ml máu hoặc 0,25-0,4 mg/1l khí thở. Đồng thời bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (Điểm c Khoản 1 Điều 78 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP). Thế nhưng, chế tài này đến nay không còn đủ sức răn đe.
Khi chúng ta đặt ra vấn đề xử lý hình sự đối với người tài xế xay xỉn, mặc dù anh ta chưa gây ra tai nạn, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, dư luận về cơ bản sẽ hưởng ứng nhưng bên cạnh đó sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, vậy căn cứ của việc xử lý này như thế nào. Một hành vi được coi là một Tội phạm, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó việc uống rượu say, rồi điều khiển phương tiện giao thông là tạo ra sự nguy hiểm cho xã hội, do đó việc xử lý hình sự không nhất thiết phải đợi đến khi xảy ra hậu quả. Chẳng hạn, Tội tàng trữ vũ khí quân dụng hay hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy… thực tế chưa gây ra hậu quả nhưng nó ẩn chứa sự nguy hiểm cho xã hội nên bị coi là hành vi phạm tội.
Đối với tài xế sử dụng ma túy, như chúng ta đã biết, hành vi này cũng là hành vi tạo ra sự nguy hiểm cho xã hội tương tự như sử dụng rượu bia, nên hành vi này cũng nên xử lý hình sự mà không cần hậu quả.
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều nước có quy định phạt tù người tài xế sử dụng rượu bia, trường hợp nổi tiếng nhất là cô đào Paris Hilton đã bị Tòa án Los Angeles (Mỹ) tuyên án phạt tù 45 ngày, thử thách trong 36 tháng vì lái xe khi say rượu năm 2006.
Không thể nhẹ tay, nương tay với những hành vi điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn cao. Chúng ta có thể nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc pháp luật của một số nước trên thế giới để quản lý và xử lý nghiêm, việc này là cần thiết và nên sớm được bổ sung vào luật. Cần nghiên cứu quy định xử lý hình sự đối với các tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện, kể cả khi chưa gây ra TNGT.
Đành rằng, khi đưa ra vấn đề này, ban đầu xã hội chúng ta có thể còn nhiều quan điểm trái chiều. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ thời điểm nhà nước đưa ra quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm hơn 10 năm trước, khi đó hầu hết các quan điểm đều tỏ ra quan ngại, bài bác nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ai cũng ý thức được lợi ích của quy định này. Nếu uống rượu lái xe mà bị bỏ tù, tin chắc ai cũng sẽ sợ mà không dám vi phạm, từ đó hi vọng tai nạn giao thông sẽ được đẩy lùi.
Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law firm)