Phạt xe không chính chủ: “Chết chúng em rồi!”

Google News

"Xe mang tên bố em. Bố mất lâu rồi. Phạt vì xe không chính chủ thì cả ba mẹ con em khổ"

(Kienthuc.net.vn) - Các diễn đàn, các mạng xã hội, blog ngày hôm nay đồng loạt bàn luận và bày tỏ lo lắng về chuyện phạt xe không chính chủ. Đặc biệt là nhiều sinh viên đã phải thốt lên rằng: “Chết chúng em rồi!”
 
Mượn xe đi một lúc cũng bị phạt?
 
Sáng sớm hôm nay, một bức thử ngỏ gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng đã lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Sở dĩ bức thứ được chia sẻ nhiều và nhanh như vậy vì nội dung của nó đã chỉ ra rất nhiều vấn đề chưa hợp lý, gây nhiều khó khăn cho người dân nếu phạt xe không chính chủ.
 
Bức thư có đoạn: “Cháu là 1 sinh viên bình thường, hàng ngày vẫn đi học bằng 1 chiếc xe máy cũ mà bố cháu đã để lại từ khi cháu đi học đại học. Có lẽ sẽ không có lý do gì để cháu viết bức thư này cho đến khi cháu đọc được nghị định mới vào ngày hôm nay, đó là phải là chính chủ mới được phép lưu thông xe trên đường phố. Đây là 1 điều khá bất ngờ không chỉ riêng cháu, mà còn với rất nhiều người dân khác nữa, bác ạ.
 
Thưa bác, cháu hoàn toàn đồng ý với việc phải làm nghiêm việc sang tên đổi chủ này để các bác có thể quản lý được số xe đang lưu thông trên đường phố, nó sẽ giúp cho các bác thuận lợi hơn trong quá trình điều tra các vụ án, và hơn nữa việc sang tên đổi chủ sẽ làm giảm được thất thu thuế của nhà nước. Về mặt này thì chúng cháu công nhận là bác đúng, nhưng chỉ là 1 mặt nhỏ của vấn đề…"
s
Hầu hết học sinh, sinh viên các trường từ ĐH, CĐ đến Trung cấp đang sử dụng xe của người thân nên họ có thể sẽ bị phạt vì sử dụng xe không chính chủ. (Ảnh minh họa)
 
 
"Nếu xét rộng ra, Việt Nam có 87 triệu dân, khoảng 30 triệu người có phương tiện giao thông là ô tô hoặc xe máy, nhưng trong số đó có bao nhiêu người không phải là chủ sở hữu của chiếc xe mình đang đi?
 
Sinh viên: 90% sinh viên chưa tự kiếm được đủ tiền để có thể mua 1 chiếc xe máy, chỉ là mượn tạm xe của bố mẹ để đi học, nếu sang tên đổi chủ thì sau này trả lại bố mẹ, lại sang tên lần nữa hay sao?
 
Người đi làm: Có rất nhiều người mua xe cũ để tiết kiệm tiền, có những chiếc xe đã qua 3-4 đời chủ, việc tìm lại chủ cũ là rất khó khăn để có thể sang tên, thậm chí có gặp thì chắc gì họ đã bỏ công đi làm thủ tục sang tên với mình.
 
Ấy là còn chưa kể chủ cũ đã qua đời, bay ra nước ngoài, hoặc đơn giản là chiếc xe đăng ký ở miền bắc, còn chủ đã bay vào miền Nam sinh sống, lúc ấy phải tìm họ thế nào?"
 
"Đó mới chỉ là những trường hợp chung chung, còn thậm chí sẽ có trường hợp cụ thể như: Cháu muốn mượn xe của bạn để đi 5 phút, cũng phải sang tên đổi chủ hay sao?”, bức thư nhấn mạnh.
 
Nội dung bức thư này đã được rất nhiều người đồng tình và chia sẻ, trong đó đặc biệt là học sinh, sinh viên, những người mới ra trường vì hầu hết họ là những người đang sử dụng những chiếc xe do bố mẹ, họ hàng cho hoặc cho mượn.
 
Hàng loạt sinh viên gặp khó
 
Trao đổi với Kienthuc.net.vn, sinh viên Nguyễn Hữu Hưng (Khoa Cầu đường – ĐH Xây Dựng Hà Nội) bức xúc: “Phạt thế này thì chết sinh viên chúng em rồi. Hầu hết sinh viên tụi em đều sử dụng xe mang tên của người thân chứ được mấy ai đăng ký xe đúng tên mình. Chúng em cần sử dụng xe máy để đi học thêm, làm thêm, thực tập… giờ mà phạt thì chúng em biết làm thế nào? Xe đạp thì quá chậm, mệt không thể đi liên tục được. Xe buýt thì chật chội luôn quá tải, bỏ chuyến…”
 
Cùng chung lo lắng đó, sinh viên Phan Thanh Tùng (Khoa Quy hoạch đô thị & nông thôn – ĐH Kiến Trúc) cho biết: “Trong quá trình học, em phải đi nhiều nơi nhiều chỗ để vẽ. Chiếc xe máy của em là xe chung của 3 mẹ con nhưng lại mang tên bố em. Bố em đã mất lâu rồi. Giờ bắt buộc phải đi xe chính chủ thế này thì không phải riêng em mà cả ba mẹ con em đều khổ”.
 
Trao đổi với Kienthuc.net.vn, Trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội CSGT số 4 – Công an TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch làm. Chuyện này liên quan đến rất nhiều vấn đề vì đây là lỗi nhạy cảm. Mình cần phải xác minh được xem người ta đã thực sự sang tên, người ta mượn xe hay người ta như thế nào thì mới có thể xử lý được. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 71, số tiền phạt người không sang tên đổi chủ là rất nặng. Cái này chúng tôi không thể vội vàng được vì cần sự chính xác, không để oan cho người dân mà cũng không để lọt các đối tượng vi phạm”.
 
“Vấn đề về sinh viên chủ yếu sử dụng xe của người thân chúng tôi cũng đang bàn và tính toán. Chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể để làm chặt chẽ chứ không thể cứ thế vội vàng và phạt liên tục được. Sẽ phải tính toán, phải có lộ trình, phải xác minh cụ thể để đã phạt ai là chính xác. Quan điểm rõ ràng này là sự chỉ đạo xuyên suốt từ Cục cảnh sát giao thông đến Phòng giao thông khi thực hiện nghị định 71 này”, Trung tá Vũ Văn Ngoại nhấn mạnh.
 
Sơn Chương
 
[links()]