|
Cảnh sát giao thông thi hành nhiệm vụ - (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, nhiều người dân đã nghe về quy định thì vẫn tỏ ra rất “mù mờ”, hoang mang. Chia sẻ với VietNamNet, 1 độc giả tâm sự: “Trong gia đình thường bố mẹ sẽ là người “đứng tên” khi mua xe cho con cái. Vậy mỗi lần đi đâu chẳng hạn như chạy xe ra chợ mua mớ rau tôi cũng phải cầm theo giấy tờ à?”.
Một số độc giả khác lại nhận định rằng, nghị định này “lợi ít hại nhiều” khi góp phần thúc đẩy gia tăng phương tiện cá nhân lưu thông.
Một số độc giả khác cũng băn khoăn họ phải chứng minh thế nào khi sử dụng xe của chồng, của bố mẹ hoặc khi thuê xe tại các công ty, đại lý cho thuê…
Độc giả ở địa chỉ Email: linhhb@gmail.com cũng thắc mắc về trường hợp sử dụng xe cơ quan trong các chuyến công tác: “Tôi xuống Hà Nội công tác bằng xe cơ quan, vậy nếu CSGT kiểm tra thì tôi có bị phạt?”.
Sau khi lực lượng CSGT giải thích rõ ràng về quy định mới trên các phương tiện truyền thông đại chúng vào chiều 10/11, nhiều chủ sở hữu phương tiện đã hiểu rõ hơn về vấn đề. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người cũng chia sẻ về những khó khăn khi họ làm thủ tục sang tên cho phương tiện của mình.
Bạn đọc ở địa chỉ Phuongvy8@gmail.com thắc mắc: “Ví dụ như xe của tôi, hiện tại, tôi cũng không biết qua mấy đời chủ. Tôi cũng chỉ 1 cái giấy viết tay của người trực tiếp bán cho tôi, mà giờ cái giấy đó cũng chẳng biết đâu nữa. Vậy giờ tôi muốn sang tên phải sao đây?”.
Chị Trà (Vĩnh Tuy, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Xe mình đang đi cũng là xe mua lại. Nhưng giờ bác đó mất lâu rồi, làm thế nào để sang tên đổi chủ, không lẽ mình không được sử dụng xe nữa?”.
“Chiếc xe nhà mình mua đã gần 15 năm nay, giờ bán cũng chỉ khoảng được 4 – 5 triệu. 3 lần bị phạt đã đi đứt 3 triệu, thôi thì nếu các chú CSGT “hỏi thăm” mình đành bỏ của chạy lấy người vậy”, độc giả Hoàng Kha chia sẻ hài hước trên trang cá nhân.
Hãy tính đến “Hiệu quả về lâu dài” của quy định
Bên cạnh những ý kiến bất bình, phản đối thì cũng xuất hiện rất nhiều các ý kiến đồng tình về quy định mới. Những người này cho rằng, đây là một “liều thuốc” góp phần ổn định tình hình quản lý phương tiện giao thông - đầu mối quan trọng trong việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự.
"Khi bạn mua xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ của người chủ sở hữu thì bạn đã sai. Còn nếu xe của bạn do bố, mẹ mua thì bạn về quê làm thủ tục sang tên đổi chủ. Sống và làm việc theo Hiến pháp, Pháp luật khó vậy sao?”, Lê Tùng (Sinh viên ĐH GTVT) chia sẻ trên trang cá nhân.
Rất nhiều độc giả VietNamNet cũng đã đặt các tình huống để có cái nhìn đa chiều về quy định mới. “Nếu bạn từng bị mất xe, bạn sẽ biết việc đăng kí chính chủ sẽ thuận lợi cho bạn tìm lại được chiếc xe như thế nào. Nếu như xe bạn đang đi không đăng kí tên của bạn, thì giả sử có tìm lại được xe của bạn, bạn chứng minh đó là xe của mình như thế nào?”
Độc giả Linh Trung (Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Anh, chị thử nghĩ xem nếu như người nhà anh, chị bị xe tông phải, lái xe “bỏ của chạy lấy người”. Lúc này, nếu xe đó không có đăng ký hoặc chưa sang tên phương tiện, thì lúc này, có phải là lực lượng chức năng sẽ rất khó để truy tìm hung thủ?”.
Nhiều độc giả cho rằng, xe chính chủ không chỉ tạo điều kiện cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, giải quyết những vụ TNGT, mà còn là các vụ án hình sự cũng như xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT.
Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ vận chuyển ma túy, hàng lậu các đối tượng vi phạm sử dụng xe đã mua bán qua nhiều đời chủ để gây khó khăn cho cơ quan công an nếu bị phát hiện.
Bên cạnh sự ủng hộ, cư dân mạng cũng đề xuất cơ quan chức năng nên tạo điều kiện hơn cho người dân trong việc hoàn thành thủ tục sang tên đổi chủ.
Chị Hồng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ ý kiến trên 1 diễn đàn: "Mong các cơ quan chức năng áp dụng mức phí thấp hơn khuyến khích người dân hoàn thành việc sang tên. Việc làm này giúp người dân bớt đi gánh nặng về kinh tế. Đồng thời, hồ sơ thủ tục bớt rườm rà cũng tạo điều kiện rất lớn cho chủ phương tiện sang tên đổi chủ".
Theo VietNamNet