Quảng Ninh kết luận về Dự án Green Dragon 2 của Công ty TTP

Google News

Qua kiểm tra, dự án sử dụng VLSL đúng quy định, không sử dụng xít than. Dự án chưa phát sinh nước thải, nhưng nước từ cống dân sinh chảy vào mương Thảo Ly (trong dự án Green Dragon) có màu đen, mùi hôi, đúng như báo chí phản ánh.

Ngày 11/01/2023, Báo Tri thức và Cuộc sống đã có buổi làm việc với Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh liên quan đến bài viết tuyên truyền, phản ánh chủ trương cho phép các doanh nghiệp khai thác, sử dụng đất, đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp mặt bằng của tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, dự án Green Dragon (tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) của Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TTP (Công ty TTP) là đơn vị thực hiện.
Báo Tri thức và Cuộc sống ghi nhận sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của UBND tỉnh Quảng Ninh và các Sở, ngành liên quan. Đến nay, vụ việc đã có kết luận của cơ quan chuyên môn tại Văn bản số 6970/TNMT-BVMT (ngày 05/12/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh.
Quang Ninh ket luan ve Du an Green Dragon 2 cua Cong ty TTP
Dự án Green Dragon.
Cụ thể: Về nội dung “Việc thi công dự án của Công ty TTP phát sinh nước thải có màu đen, mùi hôi chảy ra biển, gây ô nhiễm nước biển ven bờ vịnh Bái Tử Long”. Đối với nước thải của Dự án: Dự án Bái Tử Long II của Công ty TTP đang thi công san nền, xây dựng hạ tầng, chưa có người ở, do đó chưa phát sinh nước thải sinh hoạt của người dân.
Quá trình thi công dự án, nước thải sinh hoạt của công nhân xây dựng phát sinh được thu về bể chứa chất thải 550 lít (hợp khối với Nhà vệ sinh công nhân phía Bắc dự án), định kỳ thuê Công ty Môi trường đô thị Cẩm Phả thu gom, vận chuyển xử lý, không xả thải tại khu vực dự án. Nước mưa chảy tràn khu vực dự án được thu về các rãnh đào và hố ga, rồi chảy về hồ lắng phía Đông Nam dự án để xử lý, trước khi tự chảy ra biển ven bờ vịnh Bái Tử Long. Thời điểm kiểm tra, nước trong hồ không có màu đen, không có mùi hôi.
Các biện pháp thu gom, xử lý nước thải, nước mưa chảy tại tràn tại dự án phù hợp với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
Ngày 25/11/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tiến hành lấy mẫu nước tại Hồ lắng nước mưa chảy tràn phía Đông Nam dự án. Kết quả phân tích cho thấy tất cả các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép của các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (tỉnh Quảng Ninh).
Như vậy, nước thải phát sinh từ dự án không gây ô nhiễm môi trường nước trong ranh giới dự án và khu vực xung quanh.
Đối với nước thải sinh hoạt của khu dân cư cũ xung quanh dự án: Trong ranh giới dự án đang có tuyến mương đào (mương đất) ở phía Tây. Tuyến mương này tiếp nhận nước từ các nguồn: (1) Cống Thảo Ly (là tuyến cống kín, phía Tây Bắc dự án, do UBND TP Cẩm Phả đầu tư xây dựng, thoát nước thải cho khu vực dân cư cũ của phường Cẩm Thủy và Cẩm Trung), (2) Cống hộp phía Bắc dự án (do Công ty TTP xây dựng, có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực dân cư cũ phía Bắc dự án), (3) Một số cống thoát nước từ khu dân cư cũ phía Tây dự án.
Các tuyến cống này thoát nước thải cho khu vực dân cư cũ của phường Cẩm Thủy và Cẩm Trung (TP Cẩm Phả), đấu nối vào tuyến mương trong khu vực dự án (ở phía Tây) rồi xả ra ven bờ vịnh Bái Tử Long. Thời điểm kiểm tra, nước từ các cống chảy vào tuyến mương này có màu đen, mùi hôi, đúng như phản ánh của các cơ quan báo chí.
Ngày 25/11/2022, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên trường đã lấy mẫu nước tại khu vực. Kết quả phân tích như sau: (1) Mẫu nước tại cống Thảo Ly (trước khi chảy vào tuyến mương phía Tây dự án): Giá trị thông số Amoni xấp xỉ giới hạn cho phép, Giá trị thông số Coliform vượt giới hạn cho phép của QCVN 14:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải sinh hoạt. Mẫu nước bị ô nhiễm nước thải sinh hoạt (đặc trưng bởi thông số Amoni và Coliform). (2) Mẫu nước tại Cống ngăn triều phía Tây Nam dự án: Giá trị thông số Coliform vượt giới hạn cho phép của QCVN 14:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải sinh hoạt. Mẫu nước bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt. Mức độ ô nhiễm thấp hơn mẫu nước ở cống Thảo Ly do đã bị pha loãng bởi nước biển.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng của liên ngành và kết quả phân tích mẫu nước tại khu vực dự án cho thấy: Phản ánh của cơ quan báo chí về việc nước tại mương thoát nước phía Tây của Dự án khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II của Công ty TTP có màu đen và mùi hôi là đúng thực tế. Tuy nhiên, không phải do nước thải từ việc thi công Dự án. Nguyên nhân gây ô nhiễm là do mương nước tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ khu vực dân cư cũ của phường Cẩm Trung, Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả).
Về nội dung: Công ty TTP sử dụng các loại vật liệu san lấp mặt bằng không đúng với chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Việc Công ty TTP sử dụng đất đá thải trong quá trình khai thác của mỏ than Tây Khe Sim và Tây Lộ Trí làm vật liệu san lấp mặt bằng Dự án Khu đô thị - Du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý tại Văn bản số 2523/ĐCKS-KS ngày 10/9/2021; đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo tại văn bản số 7530/UBND-CN ngày 22/10/2021.
Với vai trò chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, UBND TP Cẩm Phả thường xuyên phối hợp với các sở ngành liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy: (1) Việc thu hồi và sử dụng đất, đá thải tại các bãi thải mỏ than Tây Khe Sim và Tây Lộ Trí làm vật liệu san lấp mặt bằng Dự án Bái Tử Long II đúng với phương án đã được Liên ngành thẩm định, thông qua; chấp hành đúng chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Quảng Ninh. (2) Phương tiện và tuyến đường để vận chuyển đất, đá đúng theo văn bản số 6282/UBND-QLĐT ngày 29/10/2021 của UBND TP Cẩm Phả.
Quá trình kiểm tra giám sát, Liên ngành đã đề nghị UBND TP Cẩm Phả về lâu dài phải sớm triển khai xây dựng hệ thống thu, gom xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm tại các tuyến cống trên địa bàn thành phố. Về giải pháp trước mắt, UBND TP Cẩm Phả cần khẩn trương áp dụng phương án xử lý nước thải cho tuyến mương phía Tây dự án tương tự phương án xử lý nước thải Kênh K3 (trước đây có tình trạng ô nhiễm tương tự, đã được Công ty CP Đầu tư phát triển công nghiệp TTP phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt JVE thực hiện xử lý nước thải bằng công nghệ Bio - Nano Nhật Bản), khắc phục tình trạng nước thải vượt giới hạn cho phép.
Đại diện Sở TN&MT cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, Sở TN&MT đã vào cuộc và có kết luận. Màu đen như phản ánh, nghi vấn của báo chí tại dự án của Công ty TTP là đặc trưng của đất, đá thải mỏ chứ không phải xít than. Điều này được thể hiện trong Biên bản làm việc số 23005GND00002 (ngày 03/01/2023) của Sở TN&MT.
Chủ trương cho phép các doanh nghiệp khai thác, sử dụng đất, đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp mặt bằng là chủ trương lớn của tỉnh Quảng Ninh. Giải pháp này không những giải được bài toán khan hiếm vật liệu san lấp cho các công trình, mà còn tiết kiệm được tài nguyên, thu hẹp diện tích các bãi thải mỏ, giảm chi phí cải tạo phục hồi môi trường, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, nguy cơ sạt lở trong quá trình đổ thải, mưa lũ. Đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường.
Báo Tri thức và Cuộc sống luôn ủng hộ chủ trương đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh về các đề án nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - hạ tầng – xã hội trên tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong công tác thông tin, tuyên truyền Báo Tri thức và Cuộc sống luôn đồng hành cùng tỉnh và mong rằng luôn nhận được sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng của Quảng Ninh trong quá trình phối hợp kiểm tra, xác minh thông tin để báo chí có góc nhìn đầy đủ, khách quan, đa chiều như trong sự việc vừa qua.
Hải Hưng