Theo nguồn tin trên báo Dân trí, tính đến ngày 21/9/2015, số xe ô tô mà Tổng Liên đoàn lao động đang sử dụng là 327 chiếc trong khi theo qui định chỉ được 233 chiếc. Trong số 327 xe, có 6 xe phục vụ riêng các chức danh lãnh đạo (1 chiếc phục vụ Chủ tịch và 5 chiếc cho 5 Phó chủ tịch), 315 xe phục vụ công tác chung và có 6 xe chuyên dùng.
|
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Thông tin trên được đăng tải sáng sớm 23/5 trên báo điện tử Dân trí và chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đã có hơn 3000 lượt chia sẻ cùng gần 100 bình luận.
Dư luận quan tâm bởi chỉ một cơ quan là Tổng LĐLĐ số xe công phục vụ đã lên đến 327 chiếc, số xe công dư thừa là 82 chiếc. Để vận hành số xe đó cần 327 lái xe. Vậy có bao nhiêu người trong số họ đang phải ngồi chơi hưởng lương vì dư xe hay 82 chiếc xe kia đang nằm đắp chiếu?
Hãy xem dư luận phản ứng như thế nào trước sự lãng phí này:
-Bạn đọc có nickname Nguyễn Văn Lâm · 10:29 ngày 23/05:
LĐLĐVN là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động, kinh phí hoạt động là nhờ đóng góp từ phía người lao động. Các anh sống trên mồ hô của người lao động, cưỡi trên lưng con cháu mình mà sống, nhà nước này còn bao nhiêu cơ quan như thế nữa??? Chỉ dân là khổ!
-Bạn đọc có nickname Nhe Sung · 09:24 ngày 23/05:
Hết từ để tả sự lãng phí, đầy nơi cán bộ, công chức, công nhân nghèo nhà không có để ở muốn hỗ trợ mà xin mãi không được trong khi các ông mua một đống ôtô về chơi.
-Bạn đọc có nickname Trí Quang · 09:01 ngày 23/05:
Trong 82 chiếc xe công của Tổng LĐLĐVN dư thừa này, không biết có bao nhiêu tiền do ngân sách cấp và bao nhiêu tiền từ nguồn thu đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng góp để mua sắm đây?
Còn đây, bạn đọc có nickname Trần Văn Giáp (08:57 ngày 23/05) phân tích một cách chi tiết và đặt nghi vấn về khoản công đoàn phí được trích nộp cho liên đoàn cấp trên được sử dụng như thế nào, điều mà từ xưa tới nay người lao động không thể biết:
"Doanh nghiệp mỗi tháng trích 2% của tổng qũy lương cho Công đoàn cơ sở, sau đó công đoàn cơ sở trích nộp cho liên đoàn cấp trên 35%. Mỗi người lao động phải đóng đoàn phí 1% lương/tháng , sau đó Công đoàn cơ sở trích nộp lại cho Liên đoàn cấp trên 40%, công ty tôi có số lao động là hơn 3000 công nhân mà mỗi tháng phải trích nộp lại cho Liên đoàn cấp trên 150 triệu. chúng ta lấy bình quân mỗi doanh nghiệp trích nộp khoảng 30 tr x 25,000 doanh nghiệp cả nước = 750 tỉ/tháng. Các bạn thử nhân tiếp cho 12 tháng thì xem mỗi năm thu nhập của Liên đoàn cấp trên và Tổng liên đoàn có thu nhập khủng khiếp như thế nào??? Thay vì số tiền này để lo và hỗ trợ cho công nhân nghèo lương bèo bọt thì mấy ông dùng vào việc gì chắc mọi người đã rõ".
-Bạn đọc có nickname xuan hinh · 08:37 ngày 23/05 dường như muốn trả lời thay cho bạn đọc Trần Văn Giáp:
Ôi Thần linh ơi? trách nhiệm thuộc về người dân đây mà. 1 cơ quan hành chính có đến gần 400 xe ô tô .Thừa thãi quá những cơ hội tham nhũng là những chiếc ô tô này mà. ôi thuế của dân?thuế của dân.
-Bạn đọc có nickname Bí Ngô · 10:39 ngày 23/05:
Đề nghị thanh tra toàn bộ hoạt động của Tổng liên đoàn lao động!
-Bạn đọc có nickname Lê Thắng · 10:32 ngày 23/05 đề nghị:
Rà soát lại tất cả các cơ quan, bộ ngành thì chắc xe dư cả chục... ngàn chứ chẳng ít đâu nha
Vâng, thưa bạn đọc Lê Thắng, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số lượng xe công ở Việt Nam hiện có gần 40.000 chiếc, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Ước tính mỗi năm, gần 40.000 xe công ấy tiêu tốn tới 12.800 tỷ đồng tiền ngân sách. Tuy nhiên, con số dư thừa bao nhiêu thì… vẫn chưa có số liệu cụ thể.
Đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản báo cáo kết quả rà soát và đăng ký mua sắm tài sản công, trong đó có xe ô tô từ phía các bộ, ngành địa phương. Con số 7.000 xe công dư thừa từ năm ngoái đến nay vẫn còn bị… treo.
Vậy là không riêng gì Tổng LĐLĐ mà các bộ ngành địa phương khác cũng xảy ra tình trạng dư thừa lãng phí xe công. Con số bao nhiêu, các cơ quan chức năng chưa có câu trả lời nhưng chắc chắn sẽ rất khủng.
Có một nghịch lí ai cũng biết nhưng vẫn cứ tồn tại khiến cho tài sản, tiền bạc nhà nước, chính xác hơn là tiền thuế của dân trong lĩnh vực mua sắm xe công bị tiêu xài phung phí, đó là mỗi khi cơ quan có sếp mới lại bắt đầu một đợt "thay máu", mua sắm xe cộ, trang thiết bị nội thất. Xe vừa mua trong nhiệm kì sếp tiền nhiệm, lập tức bị "thanh lí" để mua xe mới; nội thất công sở vừa sửa chữa, thay thế lại sửa chữa, thay thế tiếp. Phải chăng đây là "cơ hội tham nhũng" như bạn đọc có nickname xuan hinh đã đặt câu hỏi ở trên?
Nguyễn Duy Xuân