|
Ảnh minh họa. |
Sau đợt nắng nóng kéo dài đã có trận mưa giông chiều ngày 26/8, khi đó tôi đang có việc trên khu vực Giảng Võ, Hà Nội đến lúc về nhà phải lộn đi lộn lại nhiều lần mới tránh được những điểm ngập úng đoạn Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Hàng Chuối, Phạm Đình Hổ rồi đoạn Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội…
Theo các nhà quản lý chuyên ngành thoát nước thì có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng ở Hà Nội cứ kéo dài, dai dẳng. Như lượng dân cư tăng lên quá nhanh nên nhiều hồ ao chứa nước cục bộ khu vực phải lấp đi để làm nhà ở; nhiều khu chung cư cao tầng rồi các công trình xây dựng khác không chú ý đến hạ tầng thoát nước...
Theo tôi, điều đó đúng nhưng có thể chưa đủ mà điều căn bản nhất là chưa có một quy hoạch tổng thể, nghiêm túc và khoa học về lý thuyết kiến trúc, chưa có “cốt” chuẩn về kết cấu hạ tầng đường sá, cầu cống thoát nước. Những năm 80 của thế kỷ trước, mặt đường các con phố Hà Nội thấp hơn mặt hè chừng 30 – 40cm, nay chỉ còn khoảng 10 – 15cm mà nguyên nhân là do sửa chữa, nâng cấp mặt đường. Dấu ấn còn để lại rõ nhất là miệng các hố ga. Nhiều tuyến phố sau khi rải thêm một lớp nhựa đường hoặc bê-tông lên trên làm cho mặt đường cao hơn miệng hố ga và nhà đầu tư xử lý bằng cách cho xây cao miệng hố ga để nắp hố ga không thấp hơn mặt đường. Tuy nhiên, cũng có một số tuyến phố, nhà đầu tư chỉ vuốt xi-măng miệng hố, còn nắp hố cứ để cho thấp hơn mặt đường như phố Hoàng Diệu, Lò Đúc...
Có lẽ duy nhất chỉ có cầu Thăng Long, khi cải tạo lại mặt cầu, họ đã lấy hết những lớp bê-tông cũ ra rồi mới đổ lớp mới vào, không làm thay đổi độ dày cũng như tự trọng cho cầu. Đấy là ở các phố lớn. Còn các ngõ nhỏ thì thôi rồi. Nhà tôi xây cách đây mới hơn 10 năm, khi đó cao hơn mặt đường chừng 50cm, dắt xe máy lên xuống rất ngại. Vậy mà qua 2 lần cải tạo nâng cấp hệ cống rãnh thoát nước, nhà tôi chỉ còn cao hơn mặt đường 5cm, tức là sau 10 năm, mặt ngõ đã cao thêm 45cm. Đấy là vẫn còn may vì không ít nhà phải xây con chạch chắn nước trước cửa, nếu không sẽ bị nước mưa tràn vào nhà.
Vì vậy, để thoát nước “bền vững”, các nhà quy hoạch kiến trúc cần bổ sung thêm những giải pháp “cần và đủ”, xác định được “cốt” chuẩn cho hệ thống thoát nước thì những dự án quan trọng của Thủ đô mới có thể có hiệu quả.
Khúc Văn (Hai Bà Trưng, Hà Nội)