Xây dựng tượng đài: Nguyễn Trãi từng viết “Hiếu đại chóng tiêu vong”

Google News

(Kiến Thức) - Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, việc xây dựng những tượng đài hay khu di tích lịch sử cần có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược dài hơi, cụ thể.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, việc xây dựng tượng đài, bảo tàng mà không tính đến sự hài hòa trong tổng thể chung, không cân nhắc các điều kiện đặc thù không những không tạo ra hiệu quả mà còn tạo ra sự phản cảm.
Xin được to làm to
Có thông tin cho rằng, hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La vừa ra Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường TP Sơn La với tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng. Mặc dù thông tin này đã được tỉnh này “đính chính”. Ông nhìn nhận thế nào về tổng thể xây dựng các tượng đài, bảo tàng ở Việt Nam hiện nay?
Không gian cộng đồng của người Việt từ xưa đến nay rất ít có nghệ thuật tượng đài. Chúng ta không có truyền thống xây dựng tượng đài. Ngày xưa điêu khắc Việt thường nằm trong các chùa chiền, thỉnh thoảng cũng có những điêu khắc kiến trúc ngoài trời nhưng thường rất nhỏ và lẻ tẻ, tương ứng với nền văn hóa của chúng ta. Từ khi nghệ thuật phương Tây du nhập, những tượng đài hoành tráng ngoài trời xuất hiện, hiện nay đang phát triển. Nhưng dù phát triển đến đâu thì so với các nước, chúng ta vẫn phát triển lẻ tẻ, chưa tạo ra được văn hóa tượng đài, chưa có xu hướng thẩm mỹ chung. Tượng đài không nhiều, manh mún, lẻ tẻ. Việc tạo lập văn hóa tượng đài nằm trong xây dựng tổng thể văn hóa chung.
Có lẽ vấn đề là làm nó như thế nào, thời điểm nào, ở đâu mới là mấu chốt?
Đúng thế, làm sao để tạo ra được giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ của tượng đài lại là câu chuyện khác. Văn hóa tượng đài phải có những tương hợp với cái chung. Tượng đài phải làm trên một nền tảng trí thức, văn hóa, thẩm mỹ của toàn thể cộng đồng. Tương hợp với điều kiện kinh tế, sự phát triển kinh tế của cộng đồng, cảnh quan không gian và kỳ vọng của sự phát triển. Để xây dựng tượng đài phải đặt trong nhiều mối quan hệ khác nhau đó.
Có lẽ chúng ta chưa tính được hết các yếu tố đó khi làm tượng đài?
Ở nước ta, khi làm người ta đã không tính hết được sự tương hợp đó cho hài hòa, thường người ta lập kế hoạch, chạy được các nguồn tài trợ rồi cứ thế làm thôi. Xin được to làm to, nhỏ làm nhỏ mà không tính được hết các giá trị, sức ảnh hưởng và sự phù hợp với tổng thể chung.
Ông có thể nói rõ hơn?
Ví dụ, trong một gia đình, với căn nhà nhỏ nhưng lại xây một cái cổng rất to đẹp, long lanh hoành tráng, choán hết cả căn nhà thì có đẹp không? Hoặc chủ nhà phải gắng gượng đi vay đi mượn, mua bằng được một bộ bàn ghế hoành tráng, chiếm hết cả căn phòng nhỏ hẹp, thì liệu có đảm bảo thẩm mỹ không? 
Ông có nhìn thấy sự không tương hợp ấy ở nhiều nơi không?
Tôi thấy nó xuất hiện hàng ngày. Có thể vì lợi ích riêng, vì điều gì đó khó nói mà nó tạo nên như thế. Về mặt khoa học là không chấp nhận được. Việc xây tượng đài nghìn tỷ ở một tỉnh nghèo của cả nước là sự không tương hợp.
Xay tuong dai: Nguyen Trai tung viet “Hieu dai chong tieu vong”
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, Khoa Văn, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói về việc xây dựng tượng đài. 
Dồn hết lực vào đó sẽ đe dọa tính mạng dân tộc
Trong văn hóa, có lẽ không phải càng to càng đẹp càng giá trị?
Có những cái người ta dựng lên làm cho giá trị chung của văn hóa giảm thiểu. Ví dụ, cả không gian chùa Phật Tích rất trầm lắng, nghiêm trang, trong chùa có pho tượng được gọi là đẹp nhất thế giới tượng phật Đông Nam Á. Bỗng dưng người ta dựng lại bức tượng phật đó trên núi cao cạnh chùa, áp chế toàn bộ không gian văn hóa của chùa. Điều đó tạo nên sự phản cảm chứ không tạo nên cái đẹp. Làm mất đi giá trị của ngôi chùa. Đó là sự không tương hợp.
Những “cuộc đua” trong văn hóa như làm tượng đài to nhất nước, xây bảo tàng rộng nhất nước, cặp bánh chưng bánh dày đạt kỷ lục... có lẽ không làm cho người ta sống có văn hóa hơn?
Nguyễn Trãi từng viết: “hiếu đại chóng tiêu vong”, nghĩa là cái gì cũng thích to thích lớn thì sẽ sớm tiêu vong. Trong cuốn Binh pháp Tôn Tử có viết: “Một trong những kế sách để lấy nước người là xui cho nước người xây dựng những công trình hoành tráng mỹ lệ. Lúc đó ngân khố mất đi, nhân dân chịu lao dịch thì nước người sẽ chóng nổi loạn. Khi đó, không cần chiếm, nước người sẽ tự tiêu vong”. Tại sao ĂngCoThom tàn lụi, tại sao Chăm Pa xây nhiều đền đài tòa tháp như thế mà tiêu vong? Toàn bộ năng lực cộng đồng dồn hết vào đó thì đe dọa cả tính mạng của dân tộc. 
Nghĩa là hậu quả của căn bệnh thích to đẹp là khủng khiếp?
Đúng thế, hậu quả sẽ kinh khủng. Nhưng thường người ta không nghĩ thế mới đáng buồn. Người ta chỉ nghĩ xin được bao nhiêu tiền, sẽ làm to làm đẹp bấy nhiêu cho hoành tráng.
Đâu đó cũng có người nói, tượng đài càng to thì cán bộ càng giàu?
Tất nhiên là có chuyện đó, nhưng mình không biết rõ, chỉ phỏng đoán thôi thì không có cơ sở để khẳng định. Người ta đua nhau “chạy” để người này làm to hơn người khác. Rồi biện luận đó là tiền công đức, tiền quyên góp không phải tiền ngân sách, nhưng tiền nào cũng là tiền cả. Cái tâm lý hiếu đại để thủ lợi là rất nguy hiểm, đáng buồn là nó lại đang phổ biến quá.
Hãy học tập Bác Hồ
Bác Hồ là tấm gương lớn về tiết kiệm, giản dị, việc xây một tượng đài lớn như vậy hẳn là Người cũng không vui?
Chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hẳn chúng ta còn nhớ, Bác Hồ là người vô cùng tiết kiệm. Bác là người sẽ luôn xét đến lợi ích của người dân trước bất kỳ quyết định nào của mình. Nên khi nghe tin này, tôi nghĩ nếu Bác còn sống hoặc nếu ở một thế giới khác Người biết được tin này, chắc Người sẽ vô cùng thất vọng. Tại sao chúng ta đi ngược lại mong ước của Người? Lối sống của Người luôn đặt cần kiệm lên hàng đầu. Đất nước phải to đẹp, đàng hoàng hơn không có nghĩa là phải xây các tượng đài càng to càng đẹp.
Nhưng ông vừa nói, cái đẹp là sự phù hợp, hài hòa. Nếu đó là sự hài hòa thì hàng nghìn tỷ cũng là bình thường?
Đúng thế. Trên một vùng quê nghèo khó mà làm một tượng đài to đùng thì mất đi sự hài hòa.
Trên thế giới, việc xây dựng các tượng đài theo tiêu chí nào?
Thực ra thế giới thì cũng có đủ kiểu, cũng có những tượng đài to, nhỏ nhưng nó dựa trên sự phù hợp chung, truyền thống điêu khắc và kiến trúc được phát huy hài hòa. Còn nếu bảo cứ to là đẹp, thấy người ta xây Vạn Lý Trường Thành ngàn dặm đẹp như thế, mình cũng xây theo thì liệu có ổn hay không?
Để tưởng nhớ các vĩ nhân, hẳn là ta có nhiều cách khác nhau?
Đúng thế.
Nếu chỉ vì hiệu quả của các công trình đó thì tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng, tượng Phật cao nhất miền Bắc mới đây đã không bị sập, đổ?
Sự hiếu đại, háo danh và trục lợi phổ biến, chính là gốc rễ sâu xa của mọi vấn đề. Tôi và không ít người dân lo rằng người ta lợi dụng việc dựng tượng Bác Hồ, tượng Phật, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng để trục lợi. 
Liệu chúng ta có điều chỉnh được điều này?
Chỉ bằng sự hiểu biết, trí thức, tầm vóc của người làm việc. Có những thứ rất khó điều chỉnh bằng luật, nhất là trong văn hóa.
Xin cảm ơn ông!
Việc xây dựng những tượng đài hay khu di tích lịch sử là một điều cần thiết, nhưng nó cần có quy hoạch, kế hoạch và chiến lược dài hơi, cụ thể. Ở đâu cần dựng tượng đài, và chúng ta làm đến mức nào là hợp lý luôn là bài toán cần được giải cặn kẽ trước khi quyết định. Đừng bao giờ coi đó như một phong trào rồi sẵn sàng ném vào những đồng tiền thuế của nhân dân một cách thiếu trách nhiệm. 
PV