|
Ảnh minh họa. |
Yến sào giúp bổ sung protein, các loại axit amin, nhiều nguyên tố vi lượng quý và để kích thích hệ tiêu hóa của trẻ. Ngoài thành phần giàu axit amin, yến sào còn chứa nhiều Ca và Fe là các khoáng chất cần thiết mà cơ thể trẻ thường bị thiếu. Một số nguyên tố hiếm trong yến sào như Cr tuy có hàm lượng thấp nhưng rất quý giá trong kích thích tăng tiêu hóa hấp thu qua màng ruột. Nguồn đạm cao, ít béo mà còn rất tốt cho sự phát triển xương và giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ nhờ bản thân tổ yến chứa rất nhiều sắt. Ngoài ra, tổ yến còn chứa đường galactose mà không có chất béo nên cũng là nguồn cung cấp năng lượng rất tốt.
Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng, chỉ có thể dùng yến cho trẻ từ 1 tuổi trở đi và dùng khoảng 70ml/ngày, xen kẽ với các bữa ăn. Trong yến sào, tỷ lệ đạm trên 30%, có loại 40 - 50%, ngoài ra còn có các chất dinh dưỡng khác. Trong khi cơ thể của trẻ qua từng giai đoạn phát triển, từng lứa tuổi thì nhu cầu về các chất dinh dưỡng chỉ ở một mức độ nhất định. Với tỷ lệ đạm ở yến cao như vậy, nếu cho trẻ ăn nhiều quá, sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, thiếu chất do chế độ ăn không cân bằng.
Sữa ong chúa là các chất tiết ở tuyến hạ hầu hay tuyến thức ăn ấu trùng ở đầu ong thợ non trong đàn ong mật. Ấu trùng ong được nuôi bằng sữa ong chúa thì sẽ thành ong chúa và ngược lại nuôi bằng mật ong sẽ thành ong thợ. Một số cha mẹ có con nhỏ tuổi, biếng ăn, suy dinh dưỡng, còi cọc nên cho dùng sữa ong chúa. Về lợi ích, trẻ sẽ ăn và ngủ được nhiều hơn, nhanh lên cân. Đối với những trẻ dưới 13 tuổi thì không nên cho dùng sữa ong chúa. Trẻ còn nhỏ tuổi dùng sữa ong chúa sẽ phát dục sớm, ảnh hưởng đến tâm sinh lý sau này.
Nhân sâm, thuộc hàng bổ, quý hiếm. Tuy nhiên, nhân sâm không được dùng cho trẻ nhỏ nếu không có hướng dẫn của bác sĩ. Dùng nhân sâm không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí, nguy hiểm tới tính mạng. Với những trẻ em đang bị lao, hen phế quản, ho ra máu hoặc trẻ dưới 13 tuổi không được dùng nhân sâm.
BS Trần Tuấn Khanh (Khoa Khám Bệnh, Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM)