Trẻ hô biến đồ dùng thành... đồ chơi: nên hay không?

Google News

(Kiến Thức) - Đồ chơi từ các đồ dùng  gia đình có thể thỏa mãn tính tò mò nhưng không thể thay thế đồ chơi đúng nghĩa.

Không ít các bậc cha mẹ, hay người trông trẻ đã lấy các loại đồ dùng, đồ cũ trong gia đình như điện thoại hỏng, điều khiển tivi, vỏ hộp thuốc, lọ tăm... cho trẻ chơi. Nhiều người tỏ ra lo ngại cách "sáng tạo" đồ chơi kiểu này liệu có mất an toàn cho trẻ hay không. Theo các chuyên gia, việc tận dụng đồ dùng hoặc đồ cũ cho trẻ chơi không gây hại, tuy nhiên, không thể thay thế đồ chơi cho trẻ.
Làm phong phú thêm đồ chơi
Thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ tại trường mầm non Hoa Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) về việc tận dụng đồ dùng trong gia đình làm đồ chơi cho trẻ, chúng tôi nhận được 2 luồng ý kiến. Một bên thì ủng hộ vì cho rằng đây là một cách làm gia tăng đồ chơi cho trẻ đồng thời tiết kiệm được một khoản tiền cho bố mẹ. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại cho rằng, việc tận dụng lọ tăm, điều khiển từ xa, lọ nước hoa... làm đồ chơi là rất nguy hiểm, thậm chí có khả năng ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ. Chẳng hạn, khi cho con nghịch tăm, chẳng may, nếu trẻ nuốt phải chiếc tăm thì tai hại khôn lường. 
ThS Nguyễn Ngọc Bích, Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý Hà Nội cho biết, trẻ nhỏ tuổi thường thích các đồ chơi màu sắc và có tiếng động. Đó là lý do vì sao trẻ luôn hướng theo tiếng lắc xúc xắc, hay tiếng lọc cọc của chiếc hộp rỗng có chứa một vật nhỏ bên trong, hoặc nhìn các đồ vật màu sắc chuyển động trước mắt. Chính vì điều này mà các bà, các mẹ khi chăm sóc trẻ ở nhà thường tiện tay lấy những vỏ hộp kẹo bánh, hộp sữa bột, hay thậm chí là vỏ hộp thuốc cho trẻ chơi, vừa có thể tạo tiếng động mới hấp dẫn trẻ, vừa có thể cho trẻ xé, giật, ném mà có rách hỏng cũng chẳng sao. 
Trẻ lớn hơn một chút lại có xu hướng thích bắt chước người lớn, nên việc cho trẻ chơi những chiếc điện thoại cũ, gương, lược, điều khiển các thiết bị điện, điện tử... cũng là chuyện thường thấy ở các gia đình. Chơi những vật dụng này khiến cho trẻ vừa được khám phá đồ chơi mới, vừa có cảm giác như được chơi đóng vai người lớn, nên trẻ rất thích, thường chơi ngoan và trật tự. 
KS Trần Thế Vinh, Công ty Điện tử Trung Vinh cũng tỏ ra không ngạc nhiêu khi được hỏi về việc nhiều bậc cha mẹ dùng điện thoại hỏng hay điều khiển từ xa của tivi, quạt, điều hòa... làm đồ chơi cho trẻ con. 
KS Trần Thế Vinh giải thích, nhiều người lo sợ cho trẻ chơi các thiết bị cầm tay như điều khiển từ xa sẽ nguy hiểm vì các thiết bị này có có khả năng phát nổ. Tuy nhiên, thực tế, các thiết bị này không có khả năng phát nổ vì chúng thường sử dụng pin, nguồn điện không lớn. Khi bị chập, chúng chỉ "xoẹt" một cái đã "ăn" hết nguồn điện có trong pin nên không thể gây ra nguy hiểm cho tính mạng con người. Khi tận dụng những đồ này cho trẻ chơi, chỉ cần vệ sinh sạch vì các thiết bị này thường rất bẩn và tránh để cho trẻ nhỏ cho vào miệng ngậm là được.
 
Không thể thay thế đồ chơi 
ThS Nguyễn Ngọc Bích cho hay, các mẫu đồ chơi của trẻ được sản xuất dựa trên những nghiên cứu về tâm lý, sở thích, thói quen của trẻ ở từng lứa tuổi nhất định, giúp trẻ phát triển trí não, tăng cường khả năng vận động, tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh. Các món đồ chơi tự tạo từ các đồ dùng  gia đình có thể thỏa mãn tính tò mò, ưa cái mới lạ của trẻ nhưng không thể thay thế cho các đồ chơi đúng nghĩa.
Vì thế, các bậc cha mẹ ngoài việc tận dụng các đồ dùng trong gia đình hoặc đồ cũ đã qua sử dụng cho trẻ chơi thì vẫn nên tùy theo điều kiện, hoàn cảnh để bổ sung các đồ chơi đúng lứa tuổi cho trẻ. Ngoài ra, các đồ chơi tận dụng từ đồ dùng cũ cũng phải chọn lọc để đảm bảo an toàn và vệ sinh khi cho trẻ chơi. Để thỏa mãn tính ưa đồ chơi mới của trẻ, cha mẹ nên thi thoảng cất bớt các đồ chơi mà trẻ đã quen thuộc và có biểu hiện chán, không thích chơi những món đồ đó nữa, để lâu lâu mang ra cho trẻ chơi lại, trẻ sẽ lại thấy hứng thú như đối với một món đồ mới.
Việc lựa chọn đồ chơi từ các đồ dùng trong gia đình cần tránh cho trẻ nhỏ chơi với những đồ vật làm bằng thủy tinh dễ vỡ, tránh sử dụng những vỏ chai chưa được kiểm định về mặt y tế như chai lọ đựng thuốc, tránh việc dùng các vật sắc nhọn, hình dạng góc cạnh hoặc có nhiều chi tiết nhỏ như chìa khóa, kim, tăm...
GS.TS tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú (Hội KH Tâm lý Giáo dục Việt Nam) 
Sơn Hà