Vệ sinh tai, mũi, vùng kín an toàn cho bé

Google News

(Kiến Thức) - Chăm sóc vệ sinh tai, mũi, vùng kín cần sự nhẹ nhàng, cẩn thận và tỉ mỉ của người mẹ để tránh những thương tổn làm hại bé yêu.

Một số lưu ý dưới đây giúp các bà mẹ đảm bảo an toàn khi chăm sóc, vệ sinh cho các bé:
Vệ sinh vùng kín
Bé trai thường bị hẹp bao quy đầu hoặc da quy đầu quá dài thì thường bị ứ đọng nước tiểu trong bàng quang. Kết quả, bé đi tiểu rắt, tia tiểu không thẳng hoặc bị tồn đọng nước tiểu ở đầu dương vật, rất dễ gây viêm nhiễm, đỏ tấy, ngứa ngáy khó chịu.
Các mẹ cần chú ý sau mỗi lần bé đi tiểu, dùng tay nâng bìu bé để tiện cho việc vệ sinh vùng da dưới bìu, loại bỏ nước tiểu còn tồn đọng ra bên ngoài. Lau vùng kín bé theo hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Chú ý lau vùng mông, đùi trong và cả hậu môn vì nước tiểu có thể dính vào những vùng da này. Cuối cùng, dùng khăn mềm sạch, khô lau lại vùng kín cho bé.
Với bé gái, cha mẹ cũng nên coi trọng việc vệ sinh. Mỗi lần bé tiểu xong, bạn nên dùng nước ấm vệ sinh cho bé, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ trước ra sau để không mang vi khuẩn từ hậu môn vào vùng kín của bé.
 
Cuối cùng, thấm khô vùng kín trước khi mặc tã cho bé. Tuyệt đối không quấn tã khi vùng kín còn ướt nước vì nó sẽ gây ra tình trạng ẩm ướt kéo dài ở vùng kín, dễ gây nhiễm nấm.
Nếu không, bạn nên dùng khăn ướt vệ sinh và dùng khăn mềm, thấm khô cho bé.
Nếu vùng kín của bé bị hăm đỏ, tiết dịch, bé quấy khóc khi đi tiểu, tiểu rắt, nước tiểu đục… thì bạn nên đưa bé đi khám. Không nên tự ý mua thuốc rửa hoặc thuốc sát trùng để vệ sinh vùng kín ở bé.
Cách vệ sinh mũi trẻ
Nếu bé có nước mũi nên dùng khăn mềm lau sạch, nhưng không nên cố lau vào tận khoang trong của mũi.
Nếu bé bị ngạt mũi, có thể chọn nước nhỏ mũi dành cho bé, tác dụng làm sạch mũi. Nên đặt đầu miệng lọ thuốc nhỏ mũi ở đầu lỗ mũi (không thụt sâu vào bên trong) mỗi lần nhỏ mũi cho bé. Có thể đặt bé nằm nghiêng; sau đó, giữ nguyên tư thế này một lát để nước mũi thoát hết ra ngoài.
Cha mẹ không nên dùng cách hút mũi cho bé quá thường xuyên, hút mũi dễ làm ảnh hưởng đến màng mũi, gây chảy máu hoặc khiến khoang mũi bị sưng.
Vệ sinh tai

Vì lỗ tai của các bé còn khá nhỏ nên khi vệ sinh, các mẹ không cần ngoáy sâu vào bên trong. Trong lúc lau mặt cho con, có thể dùng khăn mềm lau phía ngoài của tai nhưng không phải sâu bên trong. Tránh dùng ngón tay mẹ, đầu tăm bông hoặc bất kỳ thứ gì đưa sâu vào trong tai của bé, dễ làm thủng, rách màng nhĩ. 
 

Bạn không nên hạ thấp đầu bé khi tắm gội vì nước (hoặc dầu gội, sữa tắm) có thể chảy vào tai bé gây viêm nhiễm. Bạn cũng không nên cho bé bú nằm vì sữa có thể chảy từ miệng vào tai, mũi và gây sặc, nhiễm khuẩn.

Bạn nên vệ sinh tai, mũi, họng cho bé hàng ngày. Nếu bé có những chứng bệnh về viêm họng, chảy mũi… bạn nên điều trị dứt điểm vì đây có thể là nguồn gốc gây bệnh về tai cho bé.
Nga Quỳnh