Trung Quốc di chuyển tên lửa đến gần Điếu Ngư

Google News

Kienthuc.net.vn - Bắc Kinh di chuyển tên lửa lên bờ biển gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.

Cơ quan tình báo Mỹ vừa phát hiện quân đội Trung Quốc đang chuyển các tên lửa đạn đạo tới bờ biển gần với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong lúc căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo xung quanh quần đảo này ngày càng tăng.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, việc di chuyển này đang được theo dõi chặt vì lo ngại việc quân đội Trung Quốc đang tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nhật (có thể lôi kéo các lực lượng Mỹ).

 Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 của Trung Quốc.

Các quan chức này không đưa ra thông tin chi tiết về việc các tên lửa di chuyển nhưng cho biết, việc di chuyển này được máy bay, tàu chiến và hệ thống vệ tinh trinh thám Mỹ trong khu vực theo dõi.

Tiết lộ về việc di chuyển tên lửa của Trung Quốc được đưa ra cùng với dịp cố vấn an ninh của Nhà Trắng Tom Donilon có cuộc gặp ủy viên Quốc vụ viện Trung quốc Lưu Diên Đông ở Seoul ngày 26/2/2013. Hai quan chức của Mỹ và Trung Quốc đến Hàn Quốc để dự lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Căng thẳng giữa Nhật và Trung Quốc ngày càng tăng xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkakus khi quần đảo này hứa hẹn trữ lượng dầu khí lớn trong khi cả 2 nước đều rất cần năng lượng.

Theo các quan chức cục tình báo Mỹ, tên lửa của Trung Quốc được di chuyển gần tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến.

Trước đó, báo chí Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra việc di chuyển này. Theo thông tin mới nhất được đăng trên tờ nhật báo Oriental Daily News của Hong Kong, việc triển khai tên lửa sẽ bao gồm tên lửa cơ động nhiên liệu rắn DF-16.

Cũng theo tờ Oriental Daily News, Quân đoàn Pháo Binh số 2 của quân đội Trung Quốc (PLA) – quân đoàn chịu trách nhiệm vận hành các đơn vị tên lửa đang chuẩn bị để nhắm vào các mục tiêu ở quân đảo Senkaku cũng như căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa.

Tờ báo đưa tin, việc di chuyển các tên lửa cho thấy dấu hiệu PLA đang chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất xảy ra xung quanh vùng tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc.

Cũng theo tờ báo này, DF-16 có khả năng vượt qua hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot được triển khai ở các căn cứ quân sự của Mỹ và Nhật trong khu vực. Tên lửa DF-16 cũng được cho là vũ trang với nhiều đầu đạn. Ngoài ra, các đơn vị Hải quân Trung Quốc gần Senkakus cũng được trang bị vũ khí “át chủ bài” có khả năng giúp các đơn vị yếu hơn có khả năng tiêu diệt các đơn vị mạnh.

 Tên lựa đạn đạo tầm trung DF-16 của Trung Quốc.

Tờ East-Asia-Intel của Mỹ số ra ngày 13/2/2013 đưa tin, quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh bằng các cuộc tập trận quy mô lớn ở dịp Tết nguyên đán vừa qua, trong đó có tập trận pháo binh bắn thử đạn thật và không quân ném bom.

Tờ báo này cũng dần nguồn từ truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng, quân đội Trung Quốc đang di chuyển và điều động quân đội trên quy mô lớn gần 2 tỉnh bờ biển Phúc Kiến và Chiết Giang – khu vực gần quần đảo Senkakus nhất.

Ông John Tkacik, cựu chuyên viên ngoại giao tại Trung Quốc cho biết, các hãng truyền hình Trung Quốc vừa đưa tin về việc đơn vị tên lửa của PLA tập trận và lần đầu tiên hệ thống phóng tự động có thể bắn 10 đầu đạn trúng một mục tiêu.

“Nếu hệ thống trinh sát của Mỹ phát hiện việc triển khai tên lửa di động bao gồm DF-16 ở bờ biển Trung Quốc, các lực lượng Mỹ và Nhật nên chuẩn bị phản ứng với mối nguy hiểm cấp độ cao. Mối nguy hiểm này có thể đẩy khủng hoảng ở Senkakus lên mức độ khác”, ông Tkacik cho biết.

Trước đó, một tàu chiến Trung Quốc đã dùng radar nhắm vào một tàu chiến Nhật Bản. Việc này đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ Tokyo. Việc khóa mục tiêu bằng radar trên biển thường được coi như là một hành động thù địch.

Các quan chức Mỹ lo ngại rằng căng thẳng ở Senkakus có thể dẫn đến cuộc xung đột vũ trang ở quy mô nhỏ nhưng có thể phát triển theo kiểu xoắn ốc và tạo nên một cuộc xung đột lớn hơn nữa.

Quân đội Mỹ đã hạ quyết tâm bảo vệ Nhật trong bất kỳ trường hợp này kể cả khi chính phủ Obama cho biết Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc.

Lực lượng tên lửa của Trung Quốc

Trung Quốc đang xây dựng, củng cố thêm lực lượng tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên vùng lãnh thổ của mình trong suốt thập kỷ qua. Tình báo Mỹ cho biết, khoảng 1.200 đến 1.500 tên lửa đã được triển khai gần Đài Loan, trong đó chủ yếu là tên lửa tầm ngắn DF-15 và DF-11. Nguồn tin khác từ chính phủ Đài Loan cho biết Trung Quốc đồng thời triển khai các tên lửa tầm xa DF-21 trong lãnh thổ của mình.

Một phiên bản khác của DF-21 là tên lửa chống hạm đặc biệt được Bắc Kinh thiết kế nhằm chống lại tàu sân bay của Mỹ và đó là một trong các nguyên nhân chính Lầu Năm Góc thực hiện một chiến lược được gọi là vũ khí chống tiếp cận ở Châu Á.

 Hệ thống tên lửa DF-21 trong biên chế Quân đoàn Pháo Binh số 2 Trung Quốc

Rechard Fisher, một chuyên gia nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho biết: “DF-16 được phát triển từ mẫu tên lửa tầm ngắn DF-11. Nó đơn thuần chỉ thay mô đun đầu đạn của DF-11 bằng một đầu đạn có bệ tăng áp lớn hơn để giúp tên lửa đi xa hơn. Điều đó có nghĩa là nó cũng có thể được vũ trang với rất nhiều loại đầu đạn khác bao gồm đầu đạn hạt nhân, đầu đạn xung từ, đầu đạn lửa hay các đầu đạn đối không khác. Nó cũng được kỳ vọng rằng sẽ dễ dàng gắn với các đầu đạn chống tàu”. Ông Fisher cho biết thêm rằng Trung Quốc đang hướng tới việc triển khai một loại tên lửa có thể là loại thường nhưng cũng có thể là đầu đạn hạt nhân tầm xa khoảng 3000km DF-25.

“Thành tựu của Trung Quốc đang áp đảo các đồng minh của Mỹ. Mẫu tên lửa mới này áp đảo hoàn toàn tên lửa tầm ngắn của Đài Loan”, ông Fisher nhận xét.

Mối đe dọa của tên lửa Trung Quốc đang lớn dần trong khi nội các của ông Obama đơn phương dừng chương trình phát triển chương trình tên lửa đạn đạo hạt nhân xuyên lục địa. Do đó, ông Fisher khuyến cáo: “Điều khẩn thiết cần làm hiện nay là Mỹ phải quay trở lại với chương trình tên lửa tầm trung và xa của mình và hi vọng các đồng minh của chúng ta cũng sẽ làm những điều tương tự để ngăn chặn sự lấn tới của Trung Quốc. Bắc Kinh đang trỗi dậy và hệ lụy của nó là những hành động công kích đang gia tăng”.

Trong khi đó, truyền thông quốc gia Trung Quốc đang ra rả ngụy biện và nhồi nhét, lên tinh thần cho người dân Trung Quốc trong suốt thời gian qua rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị cho mọi tình huống xung đột xung quanh tranh chấp đảo Senkaku với Nhật.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm hồi đầu tháng tới các lực lượng quân sự của Trung Quốc đã nói các chỉ huy quân sự Trung Quốc phải phát triển lực lượng PLA thêm “rộng và sâu” nhằm sẵn sàng cho mọi chiến trường. Tháng 12/2012, Tập Cận Bình đồng thời kêu gọi PLA phải tăng cường kỹ năng chiến trường.

Ngày 14/2/2013 vừa qua, Mỹ và Nhật đã kết thúc một cuộc tập trận chung có tên là “Cuộc tập trận Thép thứ nhất”. Hơn 1000 lính thủy quân lục chiến và 280 binh sĩ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tham gia một phần cuộc diễn tập quân sự ở căn cứ Pendelton, bang California, Mỹ.

Ngày 25/3/2013, Trung Quốc thông báo rằng, hải quân triển khai tầu chiến tàng hình thế hệ thứ nhất của nước này, được đặt tên là mẫu khinh hạm Type 056. Tờ báo chính thống của quân đội là PLA Daily đưa tin, khinh hạm mới này sẽ được triển khai với số lượng lớn và có khả năng “tàng hình” trước các loại radar quan sát thấp và có tính tự động hóa cao.

Hải quân PLA đồng thời thông báo rằng, PLA sẽ tổ chức một cuộc diễn tập ở vùng phía bắc biển Hoàng Hải gần quân cảng chính Đại Liên, bắt đầu từ hôm nay.

Truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin, không quân PLA tại vùng đông bắc Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập “sẵn sàng chiến đấu và phản ứng chiến tranh khẩn cấp”. 3 tàu chiến của PLA vừa hoàn thành một cuộc diễn tập xa bờ ngày 15/2/2013 sau 18 ngày hoạt động ngoài biển. 


Nguyễn Hoàng