Nguyên nhân gây áp xe phổi

Google News

Bệnh áp xe phổi xảy ra nhiều hơn ở những người cơ địa suy kiệt, giảm miễn dịch, nghiện rượu, thuốc lá, đái tháo đường, ở các bệnh phổi mạn tính.

- Hỏi: Bố chồng tôi vừa đi khám, bác sĩ nói bị áp xe phổi. Tôi không biết bệnh này nguyên nhân do đâu? Nguyễn Mạnh Doanh (Thái Bình).

Chụp X-quang phổi.
Chụp X-quang phổi.
ThS.BS Đào Bích Vân, Bệnh viện Phổi T.Ư trả lời: Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi trung niên có tỷ lệ cao hơn, bệnh xảy ra nhiều hơn ở những người cơ địa suy kiệt, giảm miễn dịch, nghiện rượu, thuốc lá, đái tháo đường, ở các bệnh phổi mạn tính.
 
Đa số áp xe phổi là nguyên phát, vi khuẩn gây ra áp xe phổi theo các đường vào sau đây: Do hít vào từ không khí, các sản phẩm nhiễm trùng ở mũi họng, răng - lợi, các phẫu thuật ở tai mũi họng, răng hàm mặt, các dị vật đường thở, trong lúc hôn mê, đặt nội khí quản, trào dịch dạ dày... Do bệnh nhân bị rối loạn phản xạ nuốt, không ho và khạc đờm được, liệt các cơ hô hấp, cơ hoành, tắt nghẽn đường thở gây ứ đọng... Nếu ở đường máu thì có thể do viêm tĩnh mạch, viêm nội tâm mạc, gây thuyên tắc... Một số trường hợp áp xe phổi thứ phát trên một hang phổi có trước như hang lao, kén phổi hay một số bệnh có trước như giãn phế quản, ung thư phổi hoại tử hay u gây tắc nghẽn phế quản...
 
Thông thường phát hiện bệnh qua chụp X-quang và siêu âm. Điều trị cắt bỏ phần phổi bị áp xe được chỉ định trong trường hợp áp xe phổi chuyển sang thể mạn tính, nghĩa là sau 3 tháng điều trị nội khoa không có kết quả. Ngoài ra, có thể mổ cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân ho ra máu liên tiếp nhiều lần, mỗi lần khoảng 200ml.
PV (ghi)