PGS.TS Hoa Hữu Lân thừa nhận, lâu nay cán bộ công chức, đặc biệt ở cấp lãnh đạo quản lý đã ít nhiều quên mất câu xin lỗi, vậy nên chuyện Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) viết thư xin lỗi người dân khiến ông "thật cảm kích". Ông cho rằng, đó thực sự là điểm sáng trong thực trạng làm sai nhưng vẫn phớt lờ, không chịu nhận khuyết điểm ở ta hiện nay.
Ô, có chuyện đó nữa à?
Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc đã có thư xin lỗi một người dân vì cấp dưới chậm giải quyết tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Nếu người dân đó là ông thì...
Ô, có chuyện đó nữa à? Nếu vậy, tôi sẽ thật cảm kích bởi tấm lòng của ông bí thư.
Ông có vẻ rất ngạc nhiên?
Đúng vậy. Nếu như không được xem cụ thể lá thư xin lỗi mà báo chí đưa tin thì tôi và hẳn rất nhiều người khác sẽ cảm thấy hồ nghi. Đúng là chuyện lạ thời nay!
Ông bí thư xin lỗi vì cấp dưới chậm giải quyết cho người dân âu cũng là điều dễ hiểu?
Về mặt logic thì tôi làm lãnh đạo, quản lý, cấp dưới của tôi không hoàn thành nhiệm vụ trước nhân dân, đương nhiên tôi phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Khi đó, lời xin lỗi chẳng có gì phải lấy làm lạ. Nhưng trong bối cảnh như ở ta hiện nay thì đó đúng là một điểm sáng.
Theo ông, vì sao câu chuyện lá thư xin lỗi này lại dễ gây ra hiệu ứng tốt trong xã hội?
Thì đấy, cứ để ý mà xem. Hiện nay, chúng ta có một tình trạng chung là người làm trong cơ quan công quyền không chịu nhận lỗi về mình. Nếu giải quyết sai thì người ta cho như thế là xong trách nhiệm, không kèm theo lời xin lỗi; thậm chí nói quá lên thì nó mang tính chất ban ơn cho những người may mắn được cơ quan công quyền sửa sai.
Thử lý giải chuyện làm sai mà không chịu xin lỗi, theo ông là do đâu?
Tôi cho rằng, căn cơ là vấn đề về mặt cơ chế. Hiện nay, chúng ta vẫn áp dụng cơ chế giải quyết tập thể, không có phân công, phân cấp cụ thể nên dễ đổ lỗi cho cái chung mà chẳng cá nhân nào phải chịu. Thứ hai là tính quan liêu cũng tương đối phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan dịch vụ công. Nhiều người vẫn ngộ nhận rằng đã là người lãnh đạo, quản lý thì không được phép sai và không có chuyện làm sai. Thứ ba là nếu người ta xin lỗi thì tức là thừa nhận cái sai, sự yếu kém của mình, biết đâu lại ảnh hưởng đến thi đua, thăng quan tiến chức nên cố tình lờ đi. Thứ tư là chính người dân khi biết cơ quan công quyền làm sai thì cũng dễ có tư tưởng "dĩ hòa vi quý", vì họ không muốn mệt mỏi khi phải theo đuổi vụ việc.
|
PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội. |
Người yếu kém mới không dám xin lỗi
Tôi lại muốn giả dụ một lần nữa, nếu ông là người dân của huyện Hàm Thuận Bắc hoặc nơi ông ở cũng có một vị bí như như thế?
Tôi sẽ thấy rất tin tưởng vào đội ngũ cán bộ công chức ở đó, vì có một người đứng đầu địa phương như thế.
Nhiều người đã dùng những mỹ từ như "cán bộ tận tâm", "vì dân vì nước"... đối với ông bí thư kia. Liệu đó có phải là một sự tung hô quá đà khi chuyện đáng ra nó phải thế?
Bạn nói đúng. Lá thư xin lỗi kia là chuyện đáng ra nó phải thế, nhưng về cơ bản thì không mấy ai làm thế nên là dù có dùng bao nhiêu mỹ từ cho ông bí thư thì tôi nghĩ đó cũng không phải là một sự tung hô quá đà. Nó cho thấy văn hóa ứng xử của ông ấy hơn rất nhiều cán bộ khác. Lâu nay, tôi cảm tưởng cán bộ công chức, đặc biệt ở cấp lãnh đạo, quản lý của mình quên mất câu xin lỗi rồi. Phải nên đưa nó vào trong quy chế của các cơ quan công quyền.
Tức là phải lấy sự biết nhận lỗi và xin lỗi làm tiêu chí đánh giá cán bộ?
Đúng thế. Chỉ có người yếu kém mới không dám thừa nhận sai lầm, không dám xin lỗi.
Ông có nghĩ ông đang đẩy vấn đề lên cao quá không?
Tôi không nghĩ vậy. Nên nhớ, một khi cán bộ công chức làm sai mà biết nhận lỗi, biết xin lỗi thì tức là họ có lòng tự trọng, họ cũng biết tôn trọng chính người mà mình phục vụ là nhân dân, qua đó tôn trọng chính bản thân họ. Khi ấy, chúng ta sẽ đỡ phải nghe về những chuyện như cán bộ tắc trách, chậm giải quyết đơn từ khiếu nại... nữa.
Ở ta thì dường như, đó là một xã hội lý tưởng?
(Cười) Nhưng không phải là không tưởng, có điều sẽ mất thời gian để có được đội ngũ cán bộ như thế.
Xin lỗi vẫn chưa đủ
Tôi là một người dân và tôi thực sự không mong cán bộ phải nói xin lỗi nhiều đâu, vì điều đó chỉ chứng tỏ họ làm chưa tốt, họ yếu kém, thậm chí là bất lực?
Đúng là sẽ chẳng ai mong nhận được nhiều lời xin lỗi, nhưng kể cả trong công tác điều hành, quản lý xã hội sẽ không thể nào tránh mắc sai lầm. Lời xin lỗi nói ra thể hiện thái độ cầu thị, chắc chắn nó sẽ tạo ra sự thay đổi nhất định.
Nhưng dân gian vẫn có câu "miệng quan trôn trẻ", biết đâu có người xin lỗi chỉ là để mình được cất nhắc lên vị trí cao hơn?
Tôi e là cái này khó tránh khỏi. Có hai loại lời xin lỗi, một loại xuất phát từ đáy lòng, từ sự cầu thị, trăn trở; còn một loại thì chỉ là hình thức, đối phó và loại này cần phải diệt trừ trước cả những người chẳng bao giờ biết xin lỗi.
Làm sao để nhận biết được lời xin lỗi của cán bộ có thực tâm hay không, thưa ông?
Lời xin lỗi mới chỉ là thái độ mang tính khởi đầu, nó chưa đủ mà phải xem nội hàm xin lỗi anh sửa sai thế nào, tức là phải căn cứ vào hành động thực tiễn kèm theo.
Theo ông thì có cách nào để người dân có thể nhận được nhiều hơn những lời xin lỗi từ tâm của cán bộ?
Muốn vậy, vấn đề trước hết là người ta phải hiểu được bản chất, nội hàm của văn hóa xin lỗi là gì. Khi đó, họ sẽ biết tìm cách mà khắc phục, sửa sai. Thứ hai, phải tuyển chọn đúng cán bộ, có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Phải quán triệt để họ nhận thức được rằng chuyện xin lỗi là hết sức bình thường, chỉ có người yếu kém mới không dám thừa nhận lỗi của mình. Thứ ba, phải có chế tài trong văn hóa công sở, nếu làm sai thì ngoài việc khắc phục phải xin lỗi dân, đưa nó trở thành tiêu chí để đánh giá cán bộ, tức là cần chế tài hóa ngay cả lời xin lỗi để nếu không sẽ phải xử lý thật nghiêm.
Cảm ơn ông!
Ngày 13/11/2014, ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc đã có thư xin lỗi gửi bà Võ Thị Thu Hương (thôn Kim Ngọc, xã Hàm Thắng). Trong thư có đoạn: "Với trách nhiệm là Bí thư Huyện ủy, tôi thành thật xin lỗi gia đình chị về việc chậm trễ đáng tiếc này. Để khắc phục tình trạng trên, tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện khẩn trương triển khai các nội dung công việc được giao nhằm sớm giải quyết thấu tình, đạt lý những đề nghị của gia đình chị".
Trước đó, gia đình bà Hương đã bàn giao mặt bằng trước thời hạn để phục vụ thi công Quốc lộ 1, được khen thưởng 15 triệu đồng. Tháng 3/2014, bà Hương đề nghị được hỗ trợ thêm 35 triệu đồng nhưng bị giải quyết chậm nên đã làm đơn khiếu nại. Hiện, bà Hương đã nhận 35 triệu đồng.
Vũ Thủy (Thực hiện)