"Hoạt động trong lĩnh vực thuốc, sức khoẻ mà không có lương tâm khó có thể thành công. Đó là cuộc chiến không biết mệt mỏi bảo vệ giống nòi và sức khoẻ của người dân", ông Hoàng Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Nam Dược đã chia sẻ khi trò chuyện cùng phóng viên nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2015).
Thế mạnh chưa được khai thác
Ông đánh giá thế nào về thị trường thuốc đông dược và thực phẩm chức năng ở Việt Nam hiện nay?
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc Đông dược và thực phẩm chức năng có nguồn gốc khác nhau. Người tiêu dùng khá bối rối khi lựa chọn.
Nhưng nguyên liệu sạch đầu vào cho các loại sản phẩm từ dược liệu này dường như là bài toán đau đầu cho hầu khắp doanh nghiệp?
Việt Nam có thế mạnh về sản phẩm nguồn gốc dược liệu. Nhưng thế mạnh này chưa phát huy đúng mức. Đó là bài toán khó nhưng không phải không thể giải. Nếu phát triển được các loại sản phẩm là thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh phù hợp sẽ tạo ra được chuỗi giá trị đem lại lợi ích cho các bên; tạo ra được sản phẩm an toàn; tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Nam Dược giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Hiện nay, vấn đề là người tiêu dùng khi mua một vỉ thuốc, lọ thuốc nước, gói cốm, gói trà... người ta thấy rất đẹp, xịn, long lanh, mở ra viên thuốc rất tiện dùng. Nhưng đằng sau tên nhà sản xuất họ không hề biết quy trình bào chế như thế nào, nguồn nguyên liệu đầu vào như thế nào họ cũng không hề biết. Cái việc họ uống với niềm tin là tăng cường sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật, nhưng họ không hiểu trong viên thuốc hoặc gói trà dùng nguyên liệu không sạch thì vô hình chung lại rước thêm bệnh vào người.
Vấn đề của Nam Dược nói riêng và ngành dược liệu nói chung là làm thế nào đó để người tiêu dùng biết chắc chắn họ đang dùng sản phẩm tốt, được sản xuất từ dược liệu sạch, chuẩn hóa.
|
Ông Hoàng Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Nam Dược. |
Mất tiền mua bệnh vào thân
Việc làm chủ nguồn nguyên liệu sạch hẳn không đơn giản khi mà nguồn tự nhiên cạn kiệt, trong khi đó nguyên liệu nhập từ Trung Quốc nhiều nhưng khó kiểm soát chất lượng?
Đáng tiếc là vậy!
Theo ông, sự phụ thuộc này nói lên những điều gì?
Đó là câu chuyện về ngành Nông nghiệp dược liệu và An ninh dược liệu. Hiện, 80% nguồn dược liệu của nước ta phụ thuộc vào Trung Quốc. Toàn bộ hệ thống bệnh viện y học cổ truyền, các nhà thuốc gia truyền, các công ty sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu đều phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Sự phụ thuộc này là quá rủi ro!
Ngoài việc bị phụ thuộc về số lượng, ông có tin tưởng vào chất lượng dược liệu nhập từ Trung Quốc?
Dược liệu nhập khẩu đang có một thực trạng mà tất cả giới kinh doanh dược liệu đều biết. Đó là một loại nguyên liệu có thể mua được với nhiều giá khác nhau. Ví dụ, nhân sâm, khoảng 90% các sản phẩm có chứa nhân sâm ở Việt Nam đều phải nhập từ Trung Quốc. Chúng tôi đã khảo sát rồi, nhân sâm vài trăm nghìn một cân cũng mua được, mà vài triệu một cân cũng có.
Ông có thể lý giải sự bất thường về giá cả này?
Chúng tôi đã lấy mẫu về và tiến hành kiểm nghiệm nhiều dược liệu đầu vị thì phát hiện ra thành phần hoạt chất trong các mẫu này chỉ còn rất thấp so với tiêu chuẩn. Họ đã biết cách rút gần hết các hoạt chất trong dược liệu bằng công nghệ chiết CO2 siêu tới hạn khiến cho dược liệu nhìn ngoài vẫn tươi. Thế cho nên mới có khái niệm là họ bán rác dược liệu hay còn gọi bã dược liệu cho Việt Nam.
Nghe ông nói, hẳn người tiêu dùng sẽ thấy xót xa?
Đúng là xót xa. Cái xót xa nhất là ảnh hưởng nặng nề về mặt nòi giống và sức khoẻ.
Đừng ỉ lại, hãy tiên phong
Nam Dược thì phải tiên phong trong việc hợp tác 4 nhà, gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Vấn đề ở đây là nguyên liệu đầu vào như món ăn trong nhà hàng. Muốn có món ăn thơm ngon thì phải có đầu vào nguyên liệu tốt giống như gà ri ngon hơn gà công nghiệp và người ta phải yên tâm đến sản phẩm an toàn. Còn trong dược liệu thì người dân chưa hình thành được thói quen tiêu dùng như thế.
Tôi và ông đều phải tự nhận thấy có trách nhiệm trong việc này. Theo ông, cần phải làm gì để đảm bảo sức khoẻ cho người dân?
Nam Dược đang hướng đến chuỗi giá trị về phát triển dược liệu. Đó là trồng được nguồn dược liệu sạch để chủ động trong sản xuất và cung ứng cho thị trường. Chuỗi giá trị này phải đảm bảo rất nhiều các tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới. Khi làm được vậy, câu chuyện dược liệu sạch sẽ có cửa "sáng". Còn nếu cứ duy trì buôn bán dược liệu như thế này thì còn có ảnh hưởng giống nòi, sức khoẻ và không phát triển được.
Cuộc cạnh tranh này liệu có sòng phẳng khi mà ông vất vả, tốn kém xây dựng nhà máy dược hiện đại, xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn? Trong khi một số đơn vị khác không có đạo đức nghề nghiệp họ chỉ cần nhập nguyên liệu về với thời gian nhanh và giá rẻ hơn rất nhiều mà người tiêu dùng không thể biết?
Đáng buồn là ở Việt Nam thì cuộc cạnh tranh này không hề sòng phẳng. Nhưng nếu đã xác định mình làm nghề đặt cái tâm lên hàng đầu thì đây là một cuộc chiến cần phải chiến thắng. Tôi không chấp nhận lùi bước.
Nhưng đó đâu phải trách nhiệm của riêng ông. Đó là câu chuyện của nhà quản lý chứ?
Các nhà quản lý cũng đã nhận ra vấn đề từ lâu. Tuy nhiên, mỗi người phải tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong cái sự rối ren chung thì mới khắc phục được nó. Nếu không có doanh nghiệp tiên phong thì Nhà nước không làm xuể!
Gieo niềm tin, gặt thành quả
Vậy ông làm thế nào để hài hòa lợi nhuận của doanh nghiệp với lợi ích của người tiêu dùng?
Tôi lấy ví dụ như cây Diệp hạ châu đắng sản xuất sản phẩm Trà Giải độc gan Nam Dược... Nnếu đi mua ở chợ Ninh Hiệp thì chỉ có 40.000đ/kg. Nếu mua dược liệu trồng theo tiêu chuẩn GACP thì mất 125.000đ/kg, nghĩa là đắt hơn 3 lần. Nam Dược kiên định việc dùng Diệp hạ châu sạch với mức giá cao vì khi sử dụng một thời gian, người dân sẽ cảm nhận được tác dụng bảo vệ gan của sản phẩm này, dù giá sản phẩm cao hơn 1 chút nhưng đỡ bệnh thì vẫn là rẻ.
Tức là ông vẫn đặt niềm tin vào người tiêu dùng thông minh?
Chắc chắn là như vậy! Có thể lừa người tiêu dùng được một thời gian hoặc một lần thôi thì người ta sẽ quay lưng lại với mình ngay.
Nếu trong cuộc chiến này ông là người thất bại, ông sẽ nghĩ gì?
Thắng thua là chuyện không thể tránh khỏi. Nam Dược có thể thất bại trong một trận chiến nhưng sẽ chiến thắng trong cả cuộc chiến. Tôi có niềm tin, thấy cửa rất sáng cho dược liệu Việt Nam vươn ra thế giới.
Theo ông làm giàu khó hay dễ?
Tôi quê ở Nghệ An, xuất thân rất nghèo. Hồi sinh viên đói khổ chỉ mơ thoát nghèo, rồi hợp tác với ông bạn để khởi nghiệp. Nhưng quả thực mình phất lên cũng nhanh chỉ trong vài năm thôi. Làm giàu đúng là không khó, nhưng mình phải có ý nghĩ và tầm nhìn dài hạn hơn để giàu bền vững, đóng góp cho xã hội, điều này thì không phải dễ.
Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Hiện nay, Nam Dược có 40 sản phẩm, sử dụng khoảng 100 vị dược liệu. Trong đó có 70 vị thuốc Nam, còn 30 vị nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong 70 loại dược liệu trong nước thì có 20 loại Nam Dược tự trồng được, còn lại 50 loại là thu mua từ các địa phương trong cả nước như nghệ, gừng, ngải cứu, ích mẫu, lá mơ... Trong 20 loại dược liệu tự trồng thì có 1 loại dược liệu đã trồng thành công theo mô hình GACP - WHO là Dây thìa canh. Mô hình này được kiểm soát cả nguồn gen, đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu... và phải thu hái, chế biến, đóng gói tại chỗ.
Nguyên Quách (Thực hiện)