Từ chuyện cô hoa hậu Diễm Hương nói dối, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học) đưa ra một nhận định thấu suốt về sự dối trá. CAFE ĐẦU TUẦN lần này của Kiến Thức bắt đầu bằng câu chuyện ít vui: "Dối trá và ăn cắp".
Đã lâu không còn bất ngờ về chuyện “dối trá”
- Thưa anh, xin hỏi thật anh, bây giờ nghe chuyện ai đó nói dối, ai đó ăn cắp, anh có bất ngờ không?
Thật buồn phải trả lời chị, đã lâu tôi không còn bất ngờ về những thông tin đó.
|
TS Trịnh Hòa Bình rất buồn vì đã lâu không còn bất ngờ khi nghe ai đó dối trá hay ăn cắp. |
- Vậy nhưng chuyện người đẹp nói dối, thậm chí coi là lừa dối nhiều cấp để đi thi quốc tế như cô Diễm Hương gần đây, không lẽ anh coi là chuyện thường?
Không lạ, nhất là chuyện người đẹp dối trá. Nhưng câu chuyện cô Diễm Hương đưa ra cho chúng ta một bức tranh, người làm công tác quản lý, điều hành, người lẽ phải chịu trách nhiệm lại hiểu rất tù mù về những điều lẽ ra họ phải cặn kẽ.
Chưa kể, đối với mấy cô người mẫu, hoa hậu, áp lực từ dư luận, việc họ bị ném đá vô hình chung giúp họ nổi tiếng. Nên tính đi, tính lại, lợi vẫn nhiều hơn hại. Bởi thế, không lạ khi những người đẹp được xem là toàn bích như hoa hậu lại gắn với nhiều scandal tai tiếng liên quan tới sự thiếu trung thực nhiều nhất.
Trong khuôn khổ một nhóm đối tượng nhất định và những người chi phối nhóm đó, người ta hạn chế bóc tách sự việc, bởi “xấu chàng hổ ai”. Chuyện Diễm Hương chính là một ví dụ như thế. Khi người ta buộc BTC cuộc thi cho cô ấy đăng quang phải lên tiếng, đơn vị cử cô ấy đi thi quốc tế lên tiếng, họ đều im lặng. Việc này dễ nhận thấy, nói ra thì xấu cả làng, nên im lặng là hơn.
Từ chuyện dối trá trong làng giải trí, nhìn rộng ra chúng ta sẽ thấy, trong xã hội hiện có nhan nhản người “làm giả ăn thật”. Lạ là, dường như những người đấy rất ít khi bị trừng phạt.
- Lần này, Diễm Hương đã bị trừng phạt bằng lệnh cấm diễn của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Anh đánh giá hình phạt này thế nào?
Phía cơ quan quản lý họ có gì trong tay sẽ sử dụng quyền đó và ở lần này, việc sử dụng “quyền” được xem là khá kịp thời. Nhưng ở góc độ khác, tôi cho rằng, người trong cuộc có khi nhìn thấy rõ những điều có thể xảy ra từ lâu, nên thậm chí ở đây còn có cả sự thỏa hiệp nào đó. Vậy nên mới có chuyện, cô này bị cấm diễn ở vài nơi, nhưng ở vài lĩnh vực khác, cô ấy hình như vẫn cứ hoạt động bình thường (Diễm Hương bị cấm diễn trên các sân khấu, nhưng được biết cô vẫn đang đóng phim).
|
Diễm Hương, người mới lộ chuyện nói dối đã có chồng để tham dự một cuộc thi hoa hậu quốc tế. |
- Truyền thông từ 2013 đến nay liên tục đưa tin về sự “trừng phạt” của cơ quan quản lý đối với những người hoạt động trong giới giải trí bằng lệnh: dừng diễn, cấm diễn như Bà Tưng, Angela Phương Trinh và bây giờ là Diễm Hương. Có luồng ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cứng rắn, nhưng có luồng ý kiến lại cho rằng cơ quan này đang loay hoay. Còn anh thấy sao?
Xét đến cuối cùng, trong giới giải trí, việc có thể diện và mất thể diện không lớn bằng việc kiếm được tiền hay không kiếm được tiền. Vì thế mới có những trường hợp Bà Tưng xuất hiện, rồi có cả trường hợp một cô bé từng trong sáng như Phương Trinh một ngày rẽ sang con đường thể hiện bản thân phản cảm. Trong thế giới thể diện không được coi trọng ấy, nổi tiếng theo chiều âm (xấu) hay chiều dương (tốt) đều như nhau, nên con người thường bất chấp để nổi tiếng. Nổi tiếng đồng nghĩa là có tiền. Tôi thấy việc này thật kỳ cục, nhưng xã hội này đang như thế.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đơn vị quản lý cao nhất về các vấn đề này liên tục đưa ra lệnh cấm, nhưng chính họ cũng thấy mình chưa có đủ các chế tài, quy đình chặt chẽ trong từng trường hợp. Và họ chấp nhận việc ngồi nhìn các đối tượng “lách luật” mà không thể làm gì. Ở mặt này, tôi đồng ý cơ quan quản lý đang loay hoay. Nói về quy định pháp luật là như vậy, nhưng nói về mặt giá trị thì thấy rõ, văn hóa thể diện của chúng ta đang có vấn đề và đó mới chính là mấu chốt. Khi bản thân mỗi người không coi trọng danh dự, uy tín của mình, thì có lẽ các biện pháp trừng phạt đều vô nghĩa.
Chuyện này bàn rộng ra không còn phải chuyện của giới giải trí nữa, mà là vấn đề tiêu chuẩn hóa cộng đồng. Chúng ta đặt câu hỏi tại sao cô A, cô B nói dối, nhưng tại sao chúng ta không tẩy chay những hành vi dối trá, chúng ta, từng cá nhân hoặc đã bàng quan, hoặc vẫn ủng hộ những người đó nên họ mới thấy việc mình làm chẳng sao cả. Rõ ràng họ được ủng hộ mới trở nên nổi tiếng, mới được nhãn hàng này, even nọ mời, mới có cơ hội kiếm tiền đó chứ.
Ở đây, tôi thấy rõ tiêu chuẩn hóa cộng đồng của chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi và đứt gãy. Cục Nghệ thuật Biểu diễn loay hoay, cấp quản lý loay hoay phản ánh hệ giá trị của xã hội chúng ta chưa hoàn thiện.
Hoa hậu hay người mẫu cũng chỉ là “con sâu cái kiến”
- Thực tế, chuyện giới giải trí chỉ là một ví dụ trong hàng loạt vụ việc nói dối và ăn cắp. Mới đây, forum cộng đồng người Việt tại Nhật dấy lên phong trào tẩy chay nhóm người Việt ăn cắp ở quốc gia này. Trên mạng xã hội thời gian gần đây cũng truyền nhau câu chuyện về một MC từng nhiều lần ăn cắp nhưng vẫn ngồi trên truyền hình rao giảng về đạo đức. Anh nhìn thấy gì từ những sự việc này, về mặt bản chất?
Nhắc chuyện ở Nhật Bản có vẻ xa xôi. Chúng ta lấy một ví dụ gần hơn đi, ở Bình Dương, khi nhiều doanh nghiệp chưng biển không tuyển người lao động ở một địa phương X, tôi đã nghĩ, người Việt Nam nếu không chịu thay đổi, nếu không khéo thì một ngày, ở đất nước Y nào đó, chúng ta sẽ bị tẩy chay ý như vậy. Tôi nhìn thấy ứng xử của nhóm lớn người Việt ở Nhật Bản tẩy chay chính nhóm người Việt ăn cắp ấy một tín hiệu vui. Bởi tôi tin, nếu khi chúng ta biết khai trừ cái xấu, chúng ta mới mong có sự chuyển đổi.
Nếu so sánh nước bạn láng giềng Trung Quốc sẽ nhận thấy, với chúng ta họ có nhiều điểm tương đồng. Nhưng người Trung Quốc đã nhìn ra vấn đề sớm hơn nên từ hơn một thế kỷ trước, đã có những nhà văn như Lỗ Tấn viết ra những tác phẩm văn học đồ sộ để tự trào. Sau họ còn viết Người Trung Quốc xấu xí và chấp nhận nhìn vào điểm chưa tốt của mình. Ở góc độ nào đó, chúng ta phải tiên phong để đổi thay. Chỉ khi đổi thay mới có thể hy vọng từng bước chuyển đổi và cải thiện.
|
Cầu Chu Va mới sập khiến hàng loạt người bị chết và hàng vài chục người bị thương. |
- Chuyện dối trá và ăn cắp không xảy ra ở riêng một lĩnh vực nào. Rất dễ liên tưởng, vụ cầu Chu Va vừa qua cũng bắt nguồn từ vấn đề này. Theo anh, căn nguyên của những hiện tượng này, sâu hơn là cái gì?
Tôi thấy mọi thứ trong cuộc sống đều quy chiếu từ cao xuống thấp. Trật tự muốn được thiết lập lại theo chuẩn mực phải đồng bộ. Nói một cách hình ảnh, trong gia đình bố mẹ không gương mẫu, con cái cũng hư theo. Nói rộng ra, trong xã hội, trên chưa tốt, dưới cũng “té nước theo mưa”, chứ hy vọng gì sẽ tốt.
Đám người mẫu, hoa hậu có thể kiếm được tiền để ăn chơi phè phỡn từ dối trá đấy, nhưng suy cho cùng, họ cũng chỉ là “con sâu cái kiến”. Khi cả hệ thống xã hội vẫn thể tất cho cái dối trá, ăn cắp, tất nhiên cũng đừng đòi hỏi một bộ phận nào đó phải trung thực. Khi cả xã hội coi thường sĩ diện, rất khó đòi hỏi một cá nhân phải biết tôn trọng chính mình.
- Anh có nhìn thấy niềm hy vọng nào không, trong việc chữa bệnh “coi thường sĩ diện” của một bộ phận không nhỏ người Việt mình?
Khi tốc độ phát triển chung của cộng đồng nhanh hơn sự phát triển của các “thiết chế”, khi dân trí được nâng lên nhưng dân chủ vẫn chật chội, con người sẽ bằng mọi cách chia sẻ tiếng nói của mình bằng những kết giao liên cá nhân qua mạng xã hội (facebook, blog...). Gần đây, tôi thấy nhiều vụ việc bị phanh phui, từ vấn đề cá nhân đến vấn đề liên quan đến cộng đồng và vẻ như nó không phải được công khai bởi một thiết chế, cơ quan nào.
Tôi hy vọng quá trình dân chủ hóa xã hội ngày càng được nâng lên, từ đó, việc tự phê phán sẽ sâu rộng hơn. Khi việc đó chúng ta làm được, tôi nghĩ mọi việc sẽ phát triển theo hướng khả quan hơn. Và tôi cũng hy vọng mình đang không lạc quan “tếu”.
Vâng, xin cảm ơn TS Trịnh Hòa Bình trong cuộc trò chuyện này!
Kim Sen thực hiện