Đằng sau câu chuyện về ông Trần Văn Truyền

Google News

(Kiến Thức) - Trường hợp ông Truyền là một đột phá, còn có thể có nhiều ông Truyền khác còn đang giấu mặt, giấu tên, cần phải làm rõ, đưa ra ánh sáng...

 Ảnh minh họa.
Sau sự việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ có dấu hiệu vi phạm, lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt tài sản, nhà cửa, đất đai của nhân dân, vi phạm nguyên tắc Đảng trong việc ký bổ nhiệm một lúc trên 60 trường hợp trong cơ quan thanh tra chính phủ lúc chuẩn bị nghỉ hưu, mới thấy rằng việc quản lý cán bộ của ta rất lỏng lẻo. 
Việc ông Truyền có dấu hiệu sai phạm không phải là không ai biết, rõ ràng hai năm rõ mười, tài sản, nhà cửa, biệt thự, đất đai ở khắp nơi, một hiện tượng tham nhũng rõ ràng, sao ngành tổ chức cấp trên không can thiệp, nội bộ Đảng trong ngành thanh tra chính phủ không đấu tranh phê bình, giúp đỡ ban đầu để ông Truyền không phải lấn sâu vào con đường tội lỗi?
Ngay việc kê khai tài sản của gần 1.000 đối tượng vừa qua cũng đánh giá nhận xét chung chung, chỉ có 5 trường hợp phải rút kinh nghiệm, trong đó có 1 trường hợp phải xử lý, con số nêu trên không thể thuyết phục được ai, như vậy có phải qua loa, đại khái không? Nể nang, dĩ hòa vi quý không? Việc làm có phải là hình thức không? 
Chúng ta nên rút ra một bài học đắt giá từ vụ việc ông Truyền để nghiêm túc trong việc đánh giá nhận xét cán bộ. Vì dư luận quần chúng nghi ngờ rằng: trường hợp ông Truyền là một đột phá, còn có thể có nhiều ông Truyền khác còn đang giấu mặt, giấu tên, cần phải làm rõ, đưa ra ánh sáng. 
Theo tôi, đối với các trường hợp đang nghi vấn có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc, xâm phạm đến tài sản, nhà cửa, đất đai... nên tự mình liên hệ, xem xét trước, thấy cần thiết báo cáo với Đảng, Nhà nước, nội bộ cơ quan xin tự hiến dâng trả lại trước cho nhân dân, đừng để đến lúc các cơ quan báo chí quần chúng phát giác lại phải tốn công đi kiểm tra xem xét, xử lý.
Thanh Bình (Thanh Thủy, Phú Thọ)