Trong năm qua, rất nhiều những vấn đề nhức nhối của xã hội được báo chí phản ánh. Và hầu như vấn đề nào chúng ta cũng thấy Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến lên tiếng. Nhân dịp năm mới Ất Mùi 2015, Kiến Thức đã có cuộc trò chuyện với ông.
- Trong các phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội ở nhiều kỳ họp, ông luôn có mối quan tâm đặc biệt và xuyên suốt về vấn đề tham nhũng và thường có những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ về vấn đề này, trong đó có những bài phát biểu làm chấn động nghị trường. Vì sao ông lại nói nhiều đến tham nhũng như vậy?
- Tôi không bao giờ sợ hãi hay e ngại khi nói về vấn đề tham nhũng. Và tôi tin là khi nói ra những điều đó, tôi được đông đảo cử tri cũng như dư luận ủng hộ, bảo vệ, bởi tham nhũng là thứ ung nhọt mà xã hội cần loại bỏ. Tham nhũng có mặt ở khắp nơi, ở hầu hết các lĩnh vực với nhiều mặt nạ, vỏ bọc khác nhau. Theo số liệu mới nhất từ báo cáo quốc tế thì chỉ số tham nhũng trong lĩnh vực công của Việt Nam xếp thứ 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu đánh giá theo thang điểm 10, Việt Nam chỉ đạt 3 điểm.
Với bản thân tôi, tôi nhìn thấy tham nhũng từ những phản ánh của cử tri, của người dân, dư luận, từ báo chí và từ một số thực tế mà tôi gặp. Những lúc ấy tôi cảm thấy nhức nhối lắm, có điều gì đó luôn thôi thúc tôi phải hành động, phải làm việc gì đó để phanh phui, ngăn chặn tình trạng này. Và việc đưa vấn đề ra trước Quốc hội là một trong những cách để sớm ngăn chặn từng trường hợp tham nhũng cụ thể nói riêng và hạn chế vấn nạn tham nhũng nói chung.
|
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến. |
Suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII trước đây, tôi đã nhiều lần đăng đàn về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Đây là hai trong số những nguồn lực quan trọng nhất của đất nước và cũng chính là nơi dễ phát sinh tham nhũng nhất. Tài nguyên đất đai, khoáng sản là hữu hạn, nếu không quản lý tốt thì chúng ta có tội với nông dân và có lỗi với hậu thế. Đến kỳ Quốc hội sau đó, tôi lại đăng đàn về vấn đề tham nhũng nhà công vụ, chạy quyền, chạy chức…
Có thể nói quốc nạn tham nhũng đã đục khoét ngân khố quốc gia, khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người, làm giảm sút lòng tin và suy kiệt nhựa sống xã hội. Còn làm đại biểu Quốc hội ngày nào, nếu tham nhũng còn diễn ra, tôi sẽ còn phản ánh nữa.
- Bên cạnh vấn đề tham nhũng, còn những vấn đề gì của xã hội khiến ông luôn trăn trở?
- Có chứ, nhiều lắm. Nhưng nhức nhối nhất là vấn đề chạy chức chạy quyền, chạy điểm thi cử.
Việc chạy điểm thi cử không chỉ xảy ra trong các kỳ thi công chức mà ngay cả thi trong các trường Đại học, Cao đẳng cũng vậy. Muốn qua được môn nào đó hoặc là muốn điểm cao hơn thì sinh viên, học viên đều phải “chạy”...
Có một thực trạng đó là tâm lý của người dân lo không “chạy” thì sẽ không đạt được nguyện vọng. Nhưng cứ làm như vậy thì xã hội sẽ loạn lên.
Những người có tiền thì được vào cơ quan nhà nước, còn những người có tài năng thực sự mà không có tiền thì không được làm công chức. Điều này khiến cho bộ máy hành chính của nhà nước ngày càng yếu kém về năng lực làm việc.
Mà không phải chỉ chạy chức chạy quyền đâu nhé. Ở một số thành phố lớn như Hà Nội còn có thực trạng học sinh muốn vào trường này, lớp nọ cũng phải chạy tiền thì mới vào được.
Lâu nay, tôi công tác ở Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, một số người cũng đến nhờ tôi xin cho con em họ vào trường nọ, trường kia. Họ nói: “Bây giờ vào tiểu học căng thẳng lắm, nhờ bác giúp cho cháu được vào trường tốt”. Tôi trả lời luôn “không giúp được”, đồng thời cũng phải dành thời gian tư vấn cho họ nên quan tâm đến sức học thật sự của con em mình để tìm trường phù hợp.
Hiện nay, việc thi công chức tù mù, việc chấm điểm không công tâm là có. Thế nên chúng ta phải minh bạch hóa việc tuyển dụng, công khai, phải chọn những người trong ban giám khảo công tâm, trong vấn đề thi cũng phải khách quan. Ai được điểm cao thì người đó được vào thì chúng ta mới chọn được người tài vào bộ máy nhà nước. Những trường hợp chạy chức chạy quyền mà được phản ánh thì chúng ta phải làm rõ, xử nghiêm, truy trách nhiệm cá nhân chứ không phải nói chung chung rồi không chỉ ra được ai thì không được. Nghị quyết của Đảng cũng đã nói thẳng về nạn chạy chức chạy quyền, nhưng thật buồn là hiếm có vụ việc nào được phanh phui trước dư luận.
- Trong thời gian làm đại biểu Quốc hội, kỷ niệm nào với ông đáng nhớ nhất?
- Có 2 kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được. Kỷ niệm thứ nhất đó là vào thời điểm diễn ra các kỳ họp của Quốc hội khóa XII, khi đó tôi phát biểu giữa nghị trường Quốc hội về vấn đề “Buông lỏng quản lý đất đai công sản – Mảnh đất màu mỡ để quan tham lợi dụng”. Bài phát biểu của tôi sau đó đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ dư luận. Trên các trang mạng, bài phát biểu của tôi cũng được chia sẻ rộng rãi.
Tôi vẫn còn nhơ như in, hôm đó là ngày 7/6/2012, sau bài phát biểu của mình, đến nửa đêm tôi vẫn còn nhận được điện thoại và có gần 400 tin nhắn từ cả số quen và số lạ gửi vào để hoan nghênh tôi đã đưa được tiếng nói của người dân lên diễn đàn Quốc hội. Xúc động nhất là tin nhắn của những cử tri từ Quảng Trị - nơi tôi ứng cử, bà con nhắn gửi là “cần lắm những phát biểu như vậy”. Cũng có người lo lắng cho tôi đã nhắn tin hỏi và dặn dò tôi phải cẩn thận trước nguy cơ bị trả thù.
Một điều làm tôi vui mừng hơn đó là sau khi nghe bài phát biểu của tôi, Thủ tướng Chính phủ đã cho họp ngay để tìm ra các phương hướng giải quyết vấn đề về quản lý đất đai công sản. Sau cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường rà soát toàn bộ quỹ đất trong cả nước còn để hoang hóa sau đó thu hồi lại. Trong vụ việc này, có một tỉnh thành cho nước ngoài thuê tới 350.000 ha đất rừng ở vị trí nhạy cảm, Chỉnh phủ đã giao Bộ Tài nguyên Môi trường thu hồi lại toàn bộ diện tích đất rừng này, không giao cho nước ngoài thuê nữa mà giao cho dân canh tác.
Kỷ niệm thứ 2 mà tôi nhớ nhất từ khi làm đại biểu Quốc hội, đó là khi tôi phát biểu về vấn đề: “Nhận định tham nhũng mới: Tham nhũng nhà công vụ” trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Sau khi tôi phát biểu về chủ đề này, vấn đề nhà công vụ bắt đầu nóng trên báo chí. Một số vụ việc quan chức về hưu không chịu trả lại nhà công vụ bắt đầu được phanh phui.
- Ngày Tết với một đại biểu Quốc hội như ông có thảnh thơi không?
- Mấy ngày gần Tết, tôi bận lắm. Nhưng dù sao, Tết cũng là một dịp để tôi sum họp với gia đình. Tết này, tôi sẽ cùng gia đình về thăm lại quê hương, thăm mồ mả tổ tiên, thắp hương cho các cụ, tưởng nhớ lại công lao của những người đã khuất. Quê nội tôi ở Đông Sơn, Thanh Hóa, còn quê ngoại tôi ở Diễn Châu, Nghệ An, tôi sẽ về cả 2 nơi. Vì tôi là đại biểu Quốc hội ứng cử ở Quảng Trị nên dịp Tết, tôi cũng sẽ về Quảng Trị đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, trẻ em nghèo vượt khó. Cụ thể, năm nay tôi sẽ tới Trung tâm mái ấm Tình Hồng ở Đông Hà (Quảng Trị) để thăm và trao 30 suất quà cho các bé mồ côi, lang thang cơ nhỡ.
Ông Lê Như Tiến, sinh năm 1954, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, hiện là phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Đông Nhiên