Không siết quản lý, khó có “rau an toàn“

Google News

(Kiến Thức) - Lâu nay, thông tin về rau, củ, quả được tưới nước thải sinh hoạt, nhiễm hóa chất độc hại đã không còn khiến người tiêu dùng hốt hoảng, hoang mang. 

Khong siet quan ly, kho co “rau an toan“
 Ảnh minh họa.
Việc nhiều siêu thị ở Hà Nội bị phát hiện bán rau không rõ nguồn gốc gắn mác rau an toàn của Công ty TNHH sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ (Đông Anh, Hà Nội) đã thêm một lần nữa dội gáo nước lạnh vào niềm hy vọng được ăn rau sạch vốn đã ít ỏi của người tiêu dùng.
Lâu nay, thông tin về rau, củ, quả được tưới nước thải sinh hoạt, nhiễm hóa chất độc hại đã không còn khiến người tiêu dùng hốt hoảng, hoang mang. Thay vào đó, họ đã quen và buộc phải chấp nhận "sống chung với rau bẩn" khi những thông tin như thế nhan nhản trên báo chí. Đến nỗi, nhiều người đã xác định tâm lý "không ăn cũng chết mà ăn cũng chết, thôi thì thà chết từ từ vì hóa chất còn hơn chết vì đói" như một cách để tự trấn an bản thân khi ngày ngày phải đánh cược sức khoẻ của mình và gia đình trong việc lựa chọn rau, củ, quả. 
Những giải pháp tình thế theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học như rửa rau nhiều lần dưới vòi nước chảy mạnh, khi nấu nên mở vung để bay hơi chất độc hại... được nhiều người sử dụng. Trong bối cảnh ấy, "rau an toàn" ở các cửa hàng rau sạch và siêu thị trở thành "cứu cánh" cho nhiều gia đình bởi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Vậy nhưng, thông tin một loạt siêu thị ở Hà Nội nhập rau không rõ nguồn gốc như Metro, BigC, Lotte Mart... đã làm cho hy vọng ăn rau sạch của người tiêu dùng ngày càng bó hẹp.
Tại sao các siêu thị này bán rau không rõ nguồn gốc? Có lẽ không lý do nào thuyết phục hơn là vì vấn đề lợi nhuận. Và dù có biện minh thế nào đi nữa thì đó cũng là điều khó chấp nhận cho lối làm ăn bất chấp lương tâm, trách nhiệm này. Khi mà chúng ta buộc phải sống chung với mặt trái của cơ chế thị trường, rằng vì tiền mà nhiều người bất chấp tất cả, thì việc phải siết lại công tác quản lý dường như là biện pháp khả dĩ hơn hết. 
Không thể phủ nhận lực lượng chức năng đã tích cực triển khai công tác phòng chống gian lận thương mại, đặc biệt vào dịp cuối năm nhưng người tiêu dùng có quyền đòi hỏi nhiều hơn thế. Và chừng nào người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị đầu độc từ chính bữa cơm của mình thì chừng đó không thể nói công tác quản lý đã làm đúng trách nhiệm!
Sau bê bối siêu thị nhập rau không rõ nguồn gốc này, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra toàn bộ siêu thị, cửa hàng gắn mác "rau sạch", "rau an toàn". Nơi nào làm ăn gian dối cần phải công khai để người tiêu dùng biết mà tránh. Đó cũng là cách để bảo vệ những đơn vị làm ăn chân chính, để cụm từ "rau an toàn" không còn phải mang thêm dấu hỏi chấm (?!) của sự hồ nghi.
Linh Đan