Cán bộ "ăn chặn" của dân không phải là chuyện hiếm. Tiền từ thiện bị biển thủ, gạo cứu đói chỉ về đến nhà chủ tịch xã, mỳ tôm trợ giúp đồng bào bão lũ bị cán bộ đem ra cửa hàng tạp hóa bán... là một phần của thực tế. Theo ông Vũ Quốc Hùng, "ăn chặn" thông thường đã đáng lên án, nhưng "ăn chặn" của người nghèo là nỗi xỉ nhục, đánh mất đi đạo đức làm người của cán bộ.
Không phải lần cuối
- Câu chuyện ở Thanh Hóa mới đây, 12/24 con dê cấp cho hộ nghèo không hiểu tại sao lại được chở thẳng vào trang trại nhà ông Bí thư Huyện ủy. Sự việc chỉ bị phát hiện khi người dân bức xúc tố cáo và ngày 13/1 vừa qua, huyện Thạch Thành đã tổ chức lấy dê từ trang trại nhà ông Bí thư Huyện ủy để cấp phát lại cho dân nghèo, sau hơn nửa năm số dê này ở trong trang trại nhà Bí thư Huyện ủy, ông nghĩ thế nào về câu chuyện này?
- Tình trạng cán bộ "ăn chặn" của dân không phải hiếm và cũng không mới. Có những chính sách của Nhà nước bản thân nó rất tốt, nhưng lại không đi đến được tận tay người dân chỉ bởi đâu đó có những cán bộ không tận tụy, không vì dân, tham lam. Đồ cứu trợ, từ thiện, thậm chí là chính sách ưu tiên hộ nghèo... chỉ về được đến tay cán bộ địa phương. Câu chuyện này cũng giống như thế. Việc cán bộ chuyển tiền, quà, hàng hóa của cấp trên, của các tổ chức khác về chính nhà mình, giữ lại cho mình bằng thủ đoạn, lý lẽ khác nhau có thể gọi là hiện tượng "ăn chặn" của dân, đáng bị lên án và xử lý nghiêm.
- Trước đây đã có những câu chuyện đáng buồn như gạo, mỳ tôm chuyển cho vùng lũ bị cán bộ "xà xẻo", về bản chất nó cũng giống như thế này?
- Đúng rồi, ngay cả tiền tử tuất, tiền chế độ chính sách của dân cũng bị cán bộ “ăn chặn”, báo chí nói đầy ra đấy. Những chính sách hỗ trợ của Trung ương, quyên góp từ thiện của xã hội gửi cho địa phương mà cán bộ giữ lại để sử dụng riêng có từ lâu rồi. Đó là những thứ giúp cho người nghèo cải thiện cuộc sống, mà những cán bộ không thiếu thốn gì lại ăn chặn của dân thì đúng là không còn gì để bình luận. Làm cán bộ như thế thì thật là đáng xấu hổ.
- Không phải là lần đầu tiên xảy ra việc tương tự, theo ông thì vì sao vẫn có những cán bộ công bộc của dân vi phạm như vậy?
- Đây không phải là lần đầu tiên và tôi tin cũng không phải lần cuối cùng, không phải chỉ ở Thạch Thành mà còn ở nhiều địa phương khác nữa. Đó là bộ phận cán bộ nằm trong nhận định của Trung ương Đảng rằng đang có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống...
- Đơn giản vì cán bộ không kiềm chế được lòng tham, hay còn gì điều gì khác?
- Do công tác quản lý còn quá kém, không có chế tài kiểm soát, xử lý triệt để. Vai trò của tổ chức Đảng ở đó còn nhiều khiếm khuyết, hệ thống chính trị ở đó bị những kẻ "sâu mọt" đục khoét khiến vai trò quản lý yếu kém đi.
|
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư. |
Vài con dê cũng là tham nhũng
- Trong câu chuyện "12 con dê đi lạc kia", thực ra cán bộ địa phương đều biết cả, nhưng vì cả nể, vì một số lý do nào đó mà người ta không lên tiếng?
- Cả nể là hiện tượng khá phổ biến. Trong việc này phải kiểm tra, điều tra làm rõ. Nếu là chiếm đoạt của dân thì không chỉ đơn thuần là xử lý khiển trách trong Đảng mà là hành vi vi phạm pháp luật. Phải xem ngoài vi phạm các nguyên tắc sinh hoạt Đảng thì còn vi phạm pháp luật như thế nào nữa. Bất luận thế nào, đồ cho dân nghèo mà giữ lại trong nhà mình là hành vi khuất tất, phải xem xét.
- Giả sử vị bí thư nọ bảo rằng vì dê còn gầy quá, muốn vỗ béo trước khi chuyển cho dân?
- Bởi thế nên tôi mới nói là chưa vội kết luận, cần phải xem xét kỹ lưỡng vì cũng không loại trừ tình huống đó. Giả sử như đúng là ông ấy giữ dê lại để vỗ béo thật, rồi có ai đó ghét ông mới "tố" rằng ông chiếm dụng số dê, thì cũng là khả năng có thể xảy ra. Nhưng khả năng này cũng khó đấy. Nên phải xem có phải số dê đó là dê còm, ốm yếu không hay là những con dê béo tốt cả rồi. Nếu ông chăm sóc dê trước khi giao cho dân thì ông ấy đáng được biểu dương quá. Còn nếu có gì khuất tất thì vài con dê cũng là tham nhũng. Dù là tham nhũng vặt cũng phải xử lý nghiêm minh.
- Liệu những địa phương nào có câu chuyện giống ở Thạch Thành mà chưa bị phát giác?
- Cái đó thì chắc ai cũng rõ cả, nhất là cán bộ ở địa phương đó.
- Theo ông thì câu chuyện "dê đi nhầm nhà" này là may hay rủi?
- Là cái rủi của người dân nghèo nơi đó cũng cũng lại hóa may bởi qua đó giúp cho chúng ta nhìn rõ hơn những "chuyện không bao giờ kể" của một số cán bộ.
"Ăn chặn" của người nghèo là nỗi nhục
- Có cán bộ địa phương đó cho rằng, nghĩ vài con dê thì có đáng gì đâu nên không nói, mà cũng chẳng nên làm to chuyện làm gì?
- Vài con dê cũng là tham nhũng và "ăn chặn" của người nghèo thì lại càng đáng xấu hổ, là nỗi nhục, sự hổ thẹn của cán bộ. Tôi cho đó là việc thất đức. Ăn chặn của người nào cũng đáng xấu hổ, nhưng ăn chặn của người nghèo lại càng đáng xấu hổ, bất lương. Mỗi cán bộ phải nghĩ được điều đó. Chúng ta phải lên án tình trạng này một cách quyết liệt.
- Theo ông thì chế tài xử lý hiện đã đủ chưa?
- Hiện quy định, chế tài có hết, cứ giở luật phòng chống tham nhũng ra, rồi đọc 19 điều Đảng viên không được làm, các quy định xử lý đảng viên trong Đảng đều có hết rồi. Với mỗi vụ việc tùy động cơ, hậu quả đều có chế tài xử lý. Vấn đề là khi xử lý liệu có nể nang không, có sợ "há miệng mắc quai" không, có sợ bị "trù dập" không. Cấp dưới thì không thể xử lý cấp trên nhưng không dám tố giác vì sợ bị "trù dập". Bây giờ, chuyện "trù dập" nó cũng khá là phổ biến đấy. Họ "trù dập" nham hiểm lắm nên người ta cũng sợ, không muốn động chạm đến.
- Ông cứ nói phải xử lý triệt để, nhưng đây chỉ là tham nhũng vặt, thất thoát không nhiều, thì liệu xử lý kiểu triệt để có nên không?
- Bất cứ hành vi tham nhũng nào cũng cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để. Bác Hồ đã dạy quân đội rằng "không được động đến cái kim sợi chỉ của dân". Từ ngày đó, Bác Hồ đã rất quán triệt quan điểm này, thì đến cả hơn chục con dê là quá lớn, không thể nói là chuyện nhỏ, bỏ qua được.
- Nhưng từ trước đến nay hình như chưa có vụ việc tham nhũng nhỏ nào bị xử kiểu "đến tận cùng"?
- Không phải, có rất nhiều vụ việc đã bị xử lý nghiêm đấy. Có cán bộ chỉ là một chuyên viên bình thường thôi nhưng tham ô mấy trăm ngàn đồng không giải trình được là cũng bị xử lý. Một cán bộ chậm nộp thuế cũng bị xử lý kỷ luật cơ mà.
- Dư luận bảo cũng có người tham nhũng thứ "to đùng" ra mà đâu có sao vì còn ở "trong đống rơm"?
- Đó là tình trạng "nhẹ trên nặng dưới", trong đấu tranh phòng chống tham nhũng thì nó cũng có những cái khó, mặt tồn tại như thế đấy.
- Xin cảm ơn ông!
Ngày 3/6/2013, UBND thị xã Bỉm Sơm đã bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê giống để phân cho 6 hộ nghèo ở xã Thành Yên. Tuy nhiên, chỉ có 12 con dê là đến được với các hộ nghèo, 12 con còn lại được chở thẳng về trang trại nhà ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy. Sau khi bị tố cáo, số dê này đã được chuyển đến cho dân nghèo. Ông Bí thư Huyện ủy thì giải thích rằng, biết là có dê vào trang trại nhưng nhầm với dê của một dự án khác chứ không biết là dê để hỗ trợ giảm nghèo.
Tô Hội (Thực hiện)