Lạc quan đi cùng an phận
- Hãng Nghiên cứu Pew Research vừa công bố kết quả khảo sát tại 44 quốc gia về chỉ số hạnh phúc, lạc quan của người dân. Theo đó, Việt Nam trở thành nước lạc quan bậc nhất với các chỉ số như 94% số người được hỏi cho rằng lũ trẻ sẽ lớn lên trong điều kiện tốt hơn hiện nay, 88% cho rằng sẽ khuyên con mình ở lại trong nước để phát triển và chỉ có 34% cho rằng khoảng cách giàu nghèo là một thách thức của xã hội... Ông có tin vào tính xác thực của nghiên cứu này?
Người Việt Nam có truyền thống lạc quan, tin tưởng, nên tôi nghĩ kết quả này không có gì là lạ. Điều này được lý giải là do người Việt sinh ra trong điều kiện tự nhiên khó khăn, trải qua các cuộc chiến tranh liên miên, đến thời bình thì thiên tai bão lũ hạn hán hoành hành. Bởi thế, đa số người Việt không mơ ước một cuộc sống xa xỉ như nhiều nước phát triển khác mà họ chỉ mong được ăn no mặc ấm đã là hạnh phúc lắm rồi. Được sống hòa bình, yên ổn, ở bên cạnh gia đình là đã hài lòng rồi.
- Điều này khác với quan điểm sống của người dân những nước phát triển?
Một số nước, nhu cầu vật chất của họ rất cao, là bởi họ sinh ra trong điều kiện đã rất thuận lợi rồi, thiên tai không có, chiến tranh thì không. Cuộc sống khó khăn của người Việt đặt ra một nhu cầu là tự biết giới hạn khả năng của mình. Trong khó khăn, người ta dễ hài lòng và không đòi hỏi những thứ xa vời.
- Vậy là chỉ cần có cơm ăn áo mặc đã là hạnh phúc lắm rồi?
Đúng thế. Ngày Tết, già được bát canh, trẻ được manh áo mới là được rồi, đâu cần gì hơn. Không bị đói ăn đã là vui. Cái mơ ước của người sống trong khó khăn nó cũng rất giản dị.
- Ông nói vậy, phải chăng hạnh phúc không được đem lại từ vật chất mà nó do suy nghĩ của mỗi người mà ra?
Đúng thế, do người ta suy nghĩ, người ta tự đặt ra cho mình mục tiêu thỏa mãn thì là hạnh phúc. Thấy như thế là đủ thì hạnh phúc.
- Nhưng nếu dễ hài lòng thế thì sẽ cản trở sự phát triển?
Mặt trái của việc dễ hài lòng là dễ an phận thủ thường, không muốn thay đổi hoàn cảnh sống để vươn lên. Đó là những mặt yếu, chứ lạc quan không hoàn toàn chỉ là ưu điểm. Khi đã an phận thì ngại đổi mới, khó tiếp thu cái mới, thích đi theo lối mòn, dễ bảo thủ... Khi con người biết tự hạn chế nhu cầu của mình thì xã hội ổn định nhưng mặt khác, để có bước đột phá để phát triển thì khó.
|
GS.TS Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa Văn hóa XHCN, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. |
Tính cách do điều kiện sống
- Ông từng nghiên cứu về tính cách người Việt, lạc quan có phải là đặc trưng nổi bật?
Người Việt lạc quan, cần cù chịu khó. Con người gắn bó, yêu thương nhau. Tất cả đều do điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh sống hình thành nên. Trong khó khăn con người phải dựa vào nhau mà sống. Muốn có cái ăn thì con người phải cần cù, chịu thương chịu khó.
- Phải lựa chọn giữa một bên là lạc quan khó phát triển và một bên là không hài lòng, luôn muốn thay đổi hoàn cảnh sống để phát triển, ông sẽ chọn thế nào?
Mỗi cái có những mặt tốt. Chúng ta phải làm sao để giữ lại những giá trị tốt đẹp như tinh thần cầu tiến, tinh thần khoa học, tư duy trọng tình... đã có và hạn chế những điểm yếu của mình. Phải giáo dục để thay đổi dần dần.
- Nhưng những yếu tố thuộc về bản chất, mang tính "di căn" từ lâu thì liệu có dễ thay đổi?
Phải làm dần dần, từ từ chứ không một sớm một chiều có thể thay đổi được. Những thứ đã ăn sâu vào suy nghĩ là rất khó, nhưng chúng ta phải thay đổi. Có nhiều em người Việt sinh sống ở nước ngoài từ bé thì khả năng tự lập, khả năng đấu tranh vươn lên cao hơn nhiều so với những em sống ở Việt Nam cùng gia đình trong sự bao bọc.
- Một trong những chỉ số trong kết quả điều tra trên là đa số người Việt đều tin rằng thế hệ sau sẽ sung sướng đầy đủ hơn thế hệ trước, nhưng quan điểm này là ngược lại ở những nước phát triển. Ông lý giải điều này như thế nào?
Trẻ em được giáo dục tư duy khoa học, dễ rũ bỏ những yếu tố như bảo thủ, chậm tiến để tiếp thu cái mới nên cuộc sống của chúng sẽ ngày càng phát triển hơn thế hệ trước. Còn ở phương Tây, quá khứ và hiện tại rạch ròi, không giống như người phương Đông, hiện tại luôn có hình bóng cha ông. Người phương Tây lo lắng thế hệ sau không phát triển bằng mình vì chủ nghĩa cá nhân cực đoan phát triển, nếu không có truyền thống mà phát triển dựa vào vật chất thì không ổn định được.
- Và hẳn là không ở đâu có chuyện bố mẹ bán hết ruộng vườn nhà cửa cho con đi học?
Đúng, đó là giá trị phổ biến và hiện cũng vẫn thể hiện rất rõ. Các dân tộc châu Á thường học giỏi hơn người châu Âu vì họ có động lực học để thay đổi cuộc sống, học để vươn lên lập nghiệp. Thế nhưng vì tư duy cảm tính thay vì lý tính nên nhìn chung trong cách giải quyết vấn đề không được mạch lạc, logic bằng người châu Âu.
Giàu có mà vô học là đại họa
- Trong xã hội hiện đại, khi mà các giá trị truyền thống có nguy cơ mai một, theo ông thì chúng ta đang để mất và giữ lại được điều gì?
Người Việt ta cơ bản vẫn giữ được lòng yêu nước, có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nét nổi bật nhất, theo tôi, đó chính là lòng nhân nghĩa vẫn được phần lớn dân ta trân trọng, gìn giữ và phát huy. Khi nơi nào đó gặp hoạn nạn, thiên tai, lũ lụt, đồng bào ta luôn biết nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn, bất hạnh. Nhiều phong trào từ thiện, nhiều việc làm nhân ái xuất hiện ngày càng nhiều chứng tỏ người dân Việt Nam không mất đi truyền thống tương thân tương ái trong xã hội hiện đại.
- Hạn chế là gì thưa ông?
Hạn chế lớn nhất, theo tôi đó chính là ý thức tập thể, tinh thần bảo vệ của công của nhiều người dân chưa tốt, thậm chí có nơi, có người rất kém. Tình trạng lãng phí của công vô tội vạ rất đáng báo động. Không ít người vẫn mang nặng tư tưởng "Của mình thì giữ bo bo/Của người thì để cho bò nó ăn". Sống chỉ biết vun vén cho cá nhân mình như thế, ích kỷ lắm! Rồi việc chuộng hình thức, phô trương hào nhoáng bên ngoài khiến nhiều người có những hành vi lai căng, sùng ngoại, không tin những gì mình có, mình làm ra, mà cứ lấy cái của người khác, của nước khác "dán" vào mình để tỏ vẻ "oai, oách" hơn người. Xét ở góc độ văn hóa, đấy là biểu hiện tâm lý tự ti, nhược tiểu.
- Hệ quả của xu thế này là gì?
Chủ nghĩa cá nhân sinh ra bao thứ tệ hại, phiền toái cho xã hội, làm băng hoại đạo đức văn hóa truyền thống, làm mọt ruỗng nhân cách con người, làm xấu hình ảnh quốc gia dân tộc. Hình như ai cũng thấy điều đó, nhưng không nhiều người thật sự có quyết tâm tẩy trừ nó.
- Vấn đề là ngày nay, đồng tiền chi phối khá nhiều đến đời sống, liệu chúng ta có khắc phục được những hạn chế này?
Người xưa rất chí lý khi cảnh báo tiền đi liền với "bạc" (bạc bẽo), tiền đi liền với "tệ" (tồi tệ). Nếu cứ làm ăn chụp giật, làm giàu xổi, làm giàu không chính đáng, coi sự giàu có là "thước đo" năng lực con người hay lấy đồng tiền để "tấn công" vào "thế sự, nhân tâm" thì xã hội sẽ không còn kỷ cương phép nước, tình người bị rẻ rúng, do đó, đạo lý dân tộc cũng dần phai nhạt rồi biến mất và những nét đẹp văn hóa của ông cha cũng bị xóa nhòa.
- Nhưng khi chưa giàu, khi phải sống nghèo khổ thì khó mà lạc quan, hạnh phúc?
Người người, nhà nhà đều đang gắng sức để làm giàu cho mình. Điều đó rất đáng khuyến khích. Nhưng đừng bao giờ làm giàu bằng mọi giá. Bố mẹ giàu mà con cái hư hỏng là vô phúc. Ai đó giàu có mà vô học, thiếu văn hóa là mầm mống của đại họa.
Xin cảm ơn ông!
Hạnh phúc không phải là bằng lòng với thứ đã có mà hạnh phúc là đạt được điều mình cố gắng vươn lên trong tầm tay của mình. Một người chỉ có đủ vài nghìn đồng ăn cơm mỗi ngày, không giúp ích được gì cho người khác mà tự nhận mình hạnh phúc, tự bằng lòng với những gì mình có thì không phải là hạnh phúc. Đừng hạnh phúc với những cái có sẵn mà hãy biết ước mơ và vươn tới điều tốt đẹp.
Tô Hội (Thực hiện)