“Việc các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động chỉ là một trong những nguyên nhân thứ yếu dẫn đến nguy cơ vỡ Quỹ BHXH. Mấu chốt là chính sách chung về BHXH chưa hợp lý, không ở quốc gia nào, người lao động được hưởng mức lương hưu cao như ở Việt Nam”, ông Carlos Galian nói.
Lương hưu người Việt Nam cao nhất thế giới
Ở góc độ là một chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu, theo ông thì vì sao Việt Nam lại đứng trước nguy cơ vỡ Quỹ BHXH?
Người lao động Việt Nam đang có tuổi thọ cao hơn trước đây nhiều, khoảng trên 80 tuổi, điều này tạo áp lực lên Quỹ BHXH. Hiện tại, số năm người lao động làm việc gần bằng số thời gian người đó nghỉ hưu, nghĩa là đóng bao nhiêu thì được nhận bấy nhiêu. Theo nghiên cứu thì người lao động làm việc 28 năm và nhận lương hưu từ 23 - 28 năm. Người lao động đóng 1% thì sẽ được hưởng 4%, tỷ lệ hưởng cao hơn nhiều tỷ lệ đóng theo công thức tính hiện tại.
So với các nước khác thì công thức tính lương hưu của Việt Nam có gì bất cập?
Ở Việt Nam, mức hưởng lương hưu của người lao động được coi là cao nhất trên thế giới, một mức cao mà các chuyên gia của ILO chưa bao giờ tìm thấy ở bất cứ quốc gia nào. Tất nhiên đây chỉ là mức hưởng của khối công nhân viên chức. Mức hưởng lương hưu của các khối nhà nước và doanh nghiệp là không giống nhau, có sự chênh lệch lớn, đặc biệt là khối quân đội, công an. Sự khác nhau này là do cách tính lương hưu khác nhau, khối nhà nước thì tính 5 năm cuối lao động còn các khối khác thì tính cả quá trình lao động.
Vì sao người lao động Việt Nam được hưởng mức lương cao nhất thế giới mà lương vẫn thấp?
Công thức tính đưa ra mức hưởng cao là bởi người lao động đóng BHXH trên nền lương thấp, đóng trên lương cơ bản chứ không phải trên tổng thu nhập nên mức lương hưu vẫn thấp. Việc mức hưởng cao là tính trên phần trăm đóng. Trên thế giới thì mức lương hưu được tính từ 40 - 60% lương, nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này là 100%, đóng bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu, mặc dù trên lý thuyết thì công thức tính lương hưu ở Việt Nam chỉ cho phép người hưởng lương hưu được hưởng tối đa 75% số lương mình đóng.
Thế còn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH đang rất nhức nhối, chắc hẳn nó cũng là nguyên nhân dẫn đến vỡ quỹ?
Một trong những nguyên nhân khác là các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, cách quản lý có nhiều bất cập. Tuy nhiên, đó không phải là những nguyên nhân chính. Bất cập cơ bản là do cách tính toán và quản lý chưa phù hợp với thực tế. Chính sách BHXH bất cập tồn tại trong suốt thời gian dài chính là bất cập lớn nhất.
|
Ông Carlos Galian, Tư vấn quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO). |
Nguy cơ mất lương hưu
Nếu không có sự thay đổi nào thì nguy cơ vỡ quỹ BHXH tới đây sẽ như thế nào?
Không có quốc gia nào trên thế giới lại để cho quỹ bị vỡ cả, sớm hay muộn thì Việt Nam cũng phải đưa ra những cải cách về chính sách hưu trí. Nếu bây giờ chưa làm thì những giải pháp đưa ra sau này sẽ nặng nề hơn, gây ra phản ứng mạnh hơn, cú sốc lớn hơn cho người lao động. Về mặt kỹ thuật, BHXH Việt Nam và ILO cũng đã thực hiện đánh giá dự báo tài chính quỹ ở Việt Nam và đưa ra nhận định nguy cơ vỡ quỹ sẽ diễn ra vào năm 2034 và theo dự tính của BHXH Việt Nam là năm 2037. Vậy là tương lai vỡ quỹ đang đến rất gần, Quỹ BHXH sẽ không thể tồn tại lâu nếu không có động thái gì tác động vào nó.
Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình giải pháp này khi thảo luận về Dự thảo Luật BHXH sửa đổi vì lo lắng cho quyền lợi của người lao động. Giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động có phải là chìa khóa để giải quyết nguy cơ này?
Đối với những lao động trẻ, nguy cơ họ sẽ không được nhận lương hưu đang rất cận kề. Nhiều người nhìn thấy nguy cơ này họ sẽ không đóng bảo hiểm nữa. Vậy thì việc tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động được cho là một trong những giải pháp hợp lý. Ở đây phải nhìn nhận trong tổng thể chung của cả quỹ, chứ không nên chỉ nhìn nhận ở góc độ nhỏ là tuổi lao động. Việc cải cách quỹ BHXH là cần thiết, việc cân nhắc cái được và cái mất phải tính.
Vậy tăng tuổi nghỉ hưu có phải là giải pháp mấu chốt?
Tăng tuổi nghỉ hưu không phải là cách duy nhất mà có thể thay đổi công thức tính. Người Việt Nam đang có tuổi thọ cao hơn, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì sức ép lên quỹ BHXH sẽ rất lớn. Việt Nam có thể chưa tăng ngay nhưng chần chừ ngày nào thì nguy cơ nghiêm trọng tăng lên ngày đó. Giả sử không có chuyện trốn đóng bảo hiểm thì mỗi người đóng 22% lương vào quỹ bảo hiểm trong 28 năm, trung bình họ sẽ sống được 28 năm nữa sau khi nghỉ hưu. Vậy là họ sẽ được hưởng lương hưu 100%. Rõ ràng hệ thống bảo hiểm đó là không bền vững. Trong khi thực tế số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động lại khá nhiều.
Nên tăng tuổi nghỉ hưu lên 65
Rõ ràng người lao động đang đứng trước nguy cơ bị mất lương hưu, nhưng như ông nói, không quốc gia nào để xảy ra tình trạng này. Vậy giải pháp cho Việt Nam phải là gì?
Hai phương án ILO đề xuất là tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 nhưng tăng dần dần và có lộ trình. Thứ nữa là thay đổi công thức tính mức hưởng. Hiện tại quỹ hưu trí Việt Nam cho người lao động hưởng 45% cho 15 năm đầu tiên đóng bảo hiểm, sau đó nữ được hưởng 3% cho 1 năm đóng, nam hưởng 2% cho 1 năm đóng. Theo cải cách của dự thảo hiện tại đều xuất là 45% cho 25 năm đóng và sẽ dần tiến tới cả nam và nữ được hưởng 2% cho mỗi năm đóng bảo hiểm sau đó. ILO đề xuất giảm tỷ lệ tích lũy hàng năm từ 1,2 đến 1,5%.
Liệu khi đó lương của người lao động sẽ giảm đi nhiều, trong khi mức lương hiện nay đã rất thấp, chưa đủ cho mức sống tối thiểu?
Đây là câu hỏi rất khó trả lời, nhưng đó là sự đánh đổi phải chấp nhận. Hiện mức thu hiện nay chưa đủ để chi trả cho những người đang hưởng chế độ nghỉ hưu. Thế nên người trẻ đang đóng bảo hiểm để trả lương cho người già. Một cải cách nữa là thay đổi cách đóng, thay vì đóng trên mức lương cơ bản thì đóng theo tổng thu nhập hàng tháng. Khi đó phần trăm có thể giảm xuống nhưng mức thu BHXH sẽ tăng lên. Làm sao để giải quyết nguồn thu cho quỹ bảo hiểm.
Có người đề xuất nên thực hiện đóng bảo hiểm toàn dân, ý kiến của ông thế nào?
Nếu tất cả mọi người đều tham gia đóng BHXH thì sẽ là một nguồn thu bền vững cho quỹ, nhưng để thực hiện được điều này không phải dễ dàng gì. Toàn dân cần phải có bảo hiểm để đảm bảo chất lượng cuộc sống. Việt Nam có nhiều tiềm năng để mở rộng đối tượng tham gia BHXH càng nhanh càng tốt.
Xin cảm ơn ông!
Theo dự báo của ILO, với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, Quỹ BHXH của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để trả. Đến năm 2034 thì phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng vỡ quỹ. Theo đó thì những người đang đóng bảo hiểm, nguy cơ trong 20 năm tới sẽ không nhận được lương hưu. Thời điểm vỡ Quỹ BHXH thậm chí có thể đến sớm hơn.
Tô Hội (thực hiện)