Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội vừa công bố Dự thảo Quy hoạch xây dựng hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng 2030, được thực hiện dưới sự tư vấn của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia. Theo đó, từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ xây mới 35 tượng đài với kinh phí khoảng 700 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, việc xây dựng tượng đài là cần thiết, nhưng sẽ rất khó tránh khỏi đơn điệu...
Dựng tượng đài để sống đẹp hơn
Ở góc độ văn hóa thì theo ông, tượng đài có ý nghĩa như thế nào?
Trước hết, tượng đài bao giờ cũng là một công trình mỹ thuật công cộng. Do vậy, phải được nhiều người thừa nhận. Nó phải vừa tương hợp với nhận thức của dân chúng vừa mang tính mỹ thuật cao, vừa có công năng sử dụng tốt. Công năng sử dụng này gồm công năng thuần túy mỹ thuật, công năng mang tính lễ nghi của tín ngưỡng, công năng mang tính lễ hội của văn hóa và các công năng giải trí của đời sống, thậm chí là công năng kinh doanh khi phục vụ cho du lịch.
Ngoài ra, tượng đài còn có công năng về việc thúc đẩy sự phát triển, nhận thức về lịch sử, về nghệ thuật, về văn hóa; thậm chí thúc đẩy nhận thức về pháp luật. Chẳng hạn, ở một khu chợ tự do, người ta có thể hành xử với nhau một cách hoang dã, nhưng khi dựng lên trên nền chợ ấy là một tượng đài đẹp đẽ thì người ta sẽ hạn chế làm bậy, biết sống đẹp hơn.
Nghĩa là lâu nay có những biểu hiện của việc xuống cấp đạo đức cũng vì thiếu tượng đài?
Đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Đúng là nhận thức về thẩm mỹ và ý thức về không gian chung của người Việt giờ đang kém, nguyên nhân thì có nhiều nhưng nếu tượng đài được xây dựng với những ý nghĩa như tôi vừa phân tích thì chắc chắn những cách hành xử chưa đẹp sẽ giảm.
Trên thực tế, ông có thấy tượng đài ở ta đáp ứng được các yêu cầu ấy không?
Tôi thấy có nhiều tượng đài thực sự thành công khi đáp ứng được tất cả các yêu cầu ấy, nhưng cũng có những tượng đài chưa thành công.
Điều gì chi phối việc xây dựng tượng đài có thành công hay không, thưa ông?
Yếu tố cơ bản nhất để tượng đài thành công là phải đáp ứng được tính mỹ thuật, tính văn hóa, có sự thừa nhận của đông đảo dân chúng. Do vậy, nếu thiếu một trong các yêu cầu trên thì tượng đài đó không thể coi là thành công được.
|
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nói về việc Hà Nội xây mới 35 tượng đài. |
Xây tượng đài không thể đợi dân trí
Hà Nội dự kiến sẽ xây mới 35 tượng đài từ nay đến 2030. Ông có cho rằng đó là một tín hiệu tốt?
Việc xây dựng tượng đài luôn luôn cần thiết. Đến bây giờ mới bàn đến thì e rằng hơi muộn nhưng thà muộn còn hơn không.
Tính ra, trung bình mỗi năm có hai tượng đài được xây dựng. Như vậy liệu có phải là một sự "chạy đua" xây tượng đài?
Lo ngại ấy thực ra cũng có cơ sở. Vì trong khoảng thời gian chưa đầy hai mươi năm, tri thức, trí tuệ của cả một dân tộc cũng chỉ hạn định ở thời đại ấy thôi, cho nên dẫu có phong phú mấy cũng chỉ mang dấu ấn của thời đại đó, khó có sự nhảy vọt về tư duy. Do đó, rất khó tránh khỏi sự đơn điệu, na ná nhau về cả ý tưởng lẫn đề tài, chất liệu... Việc ấn định thời gian cũng cần nhưng phải xem xét lại, không thể vội vàng!
Vậy theo ông, xây dựng tượng đài cần phải dựa trên những cơ sở, tiêu chí nào?
Ngoài yếu tố thời gian như tôi vừa nói thì còn cần phải tính toán đến không gian xem đã lựa chọn hợp lý chưa, tức là nó phải đi kèm với một tổng thể kiến trúc quy hoạch đô thị, quy hoạch tương lai bởi vì có thể hôm nay tượng đài hoành tráng nhưng chục năm sau, ở đó xây thêm ba, bốn tòa nhà xung quanh thì không ổn rồi. Thứ nữa là phải tính toán kinh phí, không thể xây theo kiểu dàn trải để các tượng đài có chung một nguồn kinh phí ngang nhau. Có thể có tượng đài chỉ mấy tỉ nhưng có tượng đài cần phải xây tới 4, 5 chục tỷ đồng.
Có người bảo, Hà Nội còn bao nhiêu việc khác phải lo, sao không dành tiền xây tượng đài chừng 700 tỷ đồng ấy xây dựng trường học mới, hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp...?
Chuyện nào ra chuyện ấy chứ. Nếu nói như thế thì sẽ chẳng bao giờ ta làm được một thiết chế văn hóa nào ra hồn cho tương lai cả. Không thể đợi dân trí lên cao mới xây dựng nhà hát, đời sống lên cao mới xây dựng rạp chiếu phim... Những thiết chế văn hóa luôn có ý nghĩa và cần thiết, vấn đề là cách người ta làm như thế nào mà thôi.
Cần phải khởi phát được sáng tạo
Ông có tin dự thảo xây dựng tượng đài ở Hà Nội sẽ khả thi?
Nếu hiểu theo kiểu khả thi là dựng được tượng đài mới thì có gì khó đâu. Nhưng để làm được tượng đài thành công thì tôi nghĩ cần nhiều yếu tố. Trước hết, nó phải đáp ứng được các tiêu chí để xây dựng tượng đài như tôi vừa nói. Muốn vậy, phải tổng kết lại kinh nghiệm làm tượng đài thành công và chưa thành công trước đó để rút ra bài học. Phải có được quy hoạch tổng thể, lựa chọn không gian hợp lý kết hợp sự sáng tạo của các nhà điêu khắc. Thứ nữa, cần phải khởi phát được những sự sáng tạo đặc biệt trong xã hội. Nhưng với những gì người ta đã và đang làm thì tôi không tin tưởng chúng ta sẽ có được những tượng đài thành công đâu.
Vì sao ông không tin?
Tất cả những cái ta đang làm đều đặt vấn đề kinh tế thủ lợi lên hàng đầu, tức là người ta luôn lấy lợi ích cá nhân, lợi ích của nhóm mình lên trên hết, các mục tiêu khác đều là thứ yếu. Thứ hai là tiêu cực trong phân bổ ngân sách phổ biến trong xã hội. Vậy nên, khó mà tin tưởng được.
Hiện nay, ta đã khởi phát được những sáng tạo đặc biệt chưa, thưa ông?
Thiết chế văn hóa hiện nay chưa khởi phát được những sáng tạo ấy. Vì chúng ta lựa chọn như vậy. Muốn việc xây dựng tượng đài nói riêng và các dự án khác thành công, chúng ta phải dần xóa bỏ tư tưởng kinh tế thủ lợi, xóa bỏ tiêu cực trong phân bổ ngân sách, đặc biệt phải khởi phát được những sáng tạo trong xã hội.
Xin cảm ơn ông và tôi cũng hy vọng những chia sẻ của ông sẽ được lắng nghe.
"Việc xây dựng tượng đài luôn cần thiết và không thể nói bao nhiêu là đủ. Tuy nhiên, xây như thế nào cho đúng, để tượng đài phát huy được những giá trị của chúng thì không phải là điều đơn giản và nhất thiết không thể đặt ra một khoảng thời gian hạn định, vì làm như thế thì chắc chắn sẽ bị đơn điệu".
Ông Nguyễn Hùng Vĩ
Vũ Thủy (Thực hiện)