Là người nghệ sĩ gắn bó với nông dân, anh cảm thấy thế nào trước cảnh vải thiều được mùa nhưng giá rẻ như rau khiến người dân điêu đứng trong những ngày vừa qua?
Tôi thấy xót xa cho bà con. Được mùa mà không bán được thì cũng giống như mất mùa. Đời sống của người nông dân chỉ trông chờ vào mảnh vườn, đồng ruộng, bởi vậy, dù mất mùa hay được mùa mà ế ẩm thì họ đều phải chịu thiệt thòi.
|
Minh Béo gắn bó với người dân qua chương trình "Lục làng vàng". |
Tình trạng này không phải bây giờ mới xảy ra, nhãn lồng Hưng Yên cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, rồi giá dưa hấu chỉ bằng cốc trà đá, vậy theo anh cốt lõi có phải là do người nông dân chưa biết cách làm thương hiệu cho sản phẩm của mình?
Người nông dân chỉ biết trồng trọt chứ họ đâu biết làm thương hiệu là gì. Xưa nay họ có thói quen, có bao nhiêu làm bấy nhiêu chứ không nghĩ đến chuyện quảng cáo sản phẩm hay tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, thế nên khi thị trường lũng đoạn, cung lớn hơn cầu là họ rơi vào bế tắc. Bởi vậy, theo tôi nhà nước phải đứng ra hỗ trợ người dân làm thương hiệu thì mới mong giải quyết được vấn đề.
Showbiz Việt có không ít nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn, anh nghĩ thế nào nếu họ chung tay giúp người dân làm thương hiệu? Nhiều nghệ sĩ đi làm từ thiện, vậy thay bằng giúp người ta con cá sao không đưa cho họ cần câu, ví như việc giúp người dân Lục Ngạn quảng cáo vải thiều?
Tôi nghĩ, mỗi nghệ sĩ họ đều luôn sẵn sàng giúp đỡ người nông dân, nhưng vấn đề là họ không biết phải làm thế nào. Nếu có một đơn vị nào đó đại diện cho người nông dân đứng lên kêu gọi nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm nông sản này, giống như một hành động từ thiện, tôi nghĩ chắc chắn những người nghệ sĩ sẽ chung tay.
|
Hình ảnh vải thiều ngập đường nhưng giá rẻ như cho khiến nhiều người xót lòng. |
Cá nhân anh thì sao?
Tôi luôn sẵn sàng. Tham gia chương trình Lục lạc vàng cũng là đi giúp người dân cái cần câu đấy chứ. Nhưng điều quan trọng là không biết phải làm thế nào. Ở VN chỉ dừng lại ở việc làm PR, đại diện thương hiệu cho các doanh nghiệp, công ty một cách nhỏ lẻ, còn làm đại diện thương hiệu các sản phẩm cho người dân thì thực sự không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào?
Còn hiện tại, theo anh có cách nào "giải nguy" cho vải thiều?
Trước mắt, nên tìm cách bảo quản, ví dụ có thể sấy khô. Còn về lâu dài chúng ta cần tìm các thị trường mới để xuất khẩu.
Anh nghĩ sao về các phong trào kêu gọi trên mạng "mua vải ủng hộ nông dân cũng là hành động yêu nước"?
Tôi thấy hoạt động này cũng hay. Nó cũng giống như phong trào kêu gọi người Việt dùng hàng Việt. Tại sao lại không khi chúng ta có sẵn một loại trái cây vừa tươi ngon vừa an toàn?
Anh cũng mua ủng hộ thường xuyên đấy chứ?
Tôi thích ăn vải, những đồ ngọt tôi là trùm luôn, trái cây là ăn dữ dội (cười).
Nguyệt Cát