Chính phủ trả lời chất vấn của ĐBQH Đinh Ngọc Minh

Google News

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký văn bản số 724/TTg-ĐMDN ngày 4/8/2023 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh.

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chất vấn: "Chính phủ nhanh chóng dành một phần ngân sách chưa thể giải ngân cho các dự án đã giao để hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các dự án này của các doanh nghiệp đã hoàn thành đầu tư, nhu cầu này khoảng 5.000 tỷ đồng, để khi nền kinh tế phục hồi thì doanh nghiệp có sức sản xuất được ngay, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư theo Nghị định này nhưng chưa được hỗ trợ nhất là các doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, đây cũng nhằm tăng giải ngân vốn đầu tư công đang còn dư hiện nay vào khu vực hiệu quả của nền kinh tế.
Về dài hạn, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết phát triển lực lượng doanh nghiệp trong thời kỳ mới nhằm tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, thủ tục hành chính, về cơ chế áp dụng quy định chính sách khi các văn bản có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cao hơn là khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường".
Chinh phu tra loi chat van cua DBQH Dinh Ngoc Minh
 Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh.
Về vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời như sau:
- Về hỗ trợ doanh nghiệp: Theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng, đã được cụ thể tại Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai chủ trương này, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010, tiếp đó năm 2013 là Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 và năm 2018 ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018.
Nhằm đẩy mạnh việc triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, tạo nền tảng thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan rà soát, hoàn thiện đảm bảo Nghị định mới ban hành khả thi đi vào cuộc sống.
Về hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, ngày 21/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Theo khoản 1 mục A phần III Nghị quyết số 58/NQ-CP, nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn, đối với nội dung tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương: (i) Khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; (ii) Rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường.
Đồng thời, tại điểm a khoản 1 mục B phần III Nghị quyết số 58/NQ-CP, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn, Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong đó: (i) Tập trung giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dể hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật; chủ động hoặc đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm hoặc đơn giản hóa các quy định tạo ra rào cản mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp cần thiết và phải đánh giá tác động tới doanh nghiệp; (ii) rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP.
Bên cạnh đó, về tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai, Chính phủ đã đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hiện nay, dự thảo Luật đã trình Quốc hội và đuợc thảo luận tại kỳ họp thứ 4,5, sẽ xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
- Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách như: Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022) và Chiến lược phát triển các lĩnh vực: chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp...; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021);....
Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp làm việc với 2 Hiệp hội ngành hàng lớn trong ngành nông nghiệp là Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản để tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Căn cứ báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn (trong đó có Nghị định số 57/2018/NĐ-CP như nêu trên) để người dân, doanh nghiệp thuận lợi, yên tâm trong sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
>>>Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đóng góp ý kiến về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2":

(Nguồn: QHTV)


Thiên Tuấn