ĐBQH: Tòa án là “ông Bao Công” nên cần giữ quyền thu thập chứng cứ

Google News

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, khi các bên không giải quyết được mới tìm đến tòa án, như tìm đến "ông Bao Công" nên Tòa cần được giữ quyền thu thập chứng cứ.

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với xu thế
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho biết, việc thu thập chứng cứ quy định tại dự thảo là nội dung hoàn toàn mới so với Luật hiện hành.
DBQH: Toa an la “ong Bao Cong” nen can giu quyen thu thap chung cu
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính  (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH. 
Lý giải việc nhất trí với quy định này, đại biểu cho biết, việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành.
Bên cạnh đó, tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình trung đã làm thay cho việc đương sự khiến họ trông chờ vào tòa án, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Việc đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay.
Một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đã đề cao vai trò bên đương sự trong việc chứng minh sự việc. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ của đương sự vẫn đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ.
Như vậy, dự thảo Luật, đương sự còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với luật hiện hành. Tuy nhiên, theo luật hiện hành và thực tiễn hiện nay, có một số trường hợp khi Tòa án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Nếu để đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức này thì sẽ gặp khó khăn hơn nữa.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung Tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ.
Sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân hay tòa án?
Tranh luận với ý kiến đại biểu về việc tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ hay không, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, người dân không có hiểu biết sâu do vậy cần thiết quy định Tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo sự khách quan của vụ án, để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên.
DBQH: Toa an la “ong Bao Cong” nen can giu quyen thu thap chung cu-Hinh-2
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM). Ảnh: QH.
Phân tích vì sao đặt vấn đề Tòa án nhân dân thực hiện thu thập chứng cứ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, Việt Nam theo hệ dân luật, theo đó Tòa và thẩm phán chủ trì trong việc đánh giá xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ.
Hơn nữa, tên gọi Tòa án nhân dân có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có tên là Tòa án Nhân dân; điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về dân trí, về văn hóa, giữa thành thị và nông thôn. Do đó rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu khoán cho các bên sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ. Nhưng mỗi bên đều thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi.
Theo đại biểu, các bên không giải quyết được mới tìm đến tòa án, như tìm đến "ông Bao Công" để ra phán quyết công bằng cho các bên.
"Sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án", đại biểu nhấn mạnh cho lập luận của mình.
Giơ biển tranh luận sau phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP HCM) cho biết, Điều 15 khoản 1 quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Đại biểu cho rằng, quy định không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đại biểu nêu rõ các lí do sau: Thứ nhất, điều kiện kinh tế - xã hội nước ta chưa cho phép điều này.
Thứ hai, trình độ dân trí, ý thức pháp luật và hiểu biết pháp luật, nhất là người lao động hiện nay còn nhiều hạn chế.
Thứ ba, cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết yêu cầu của người dân. Theo báo cáo của Tòa án, hiện nay chỉ có 8,15% các vụ có người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi.
Thứ tư, việc để người dân tự thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, cá nhân, là một thách thức với người dân, vì người dân không đủ điều kiện, năng lực, cơ chế yêu cầu cơ quan nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang chia sẻ thêm, cơ quan nhà nước không tự cung cấp chứng cứ nếu không có cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Dương Khắc Mai, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi kỳ vọng về phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV rằng bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không lòng vòng:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan