ĐBQH tranh luận rút BHXH một lần để tuổi già không là “gánh nặng“

Google News

Theo các đại biểu, nên để người lao động có quyền rút BHXH một lần, tuy nhiên, chỉ được rút phần mình đã đóng, phần do người sử dụng lao động đóng thì giữ lại để hưởng lương hưu.

Người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần
Sáng 23/11/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Nêu ý kiến về rút bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 70, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Đắk Nông) cho rằng, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu bảo hiểm xã hội một lần. Nhưng tại sao một chính sách nhân văn như vậy lại không được người lao động đồng tình?
DBQH tranh luan rut BHXH mot lan de tuoi gia khong la “ganh nang“
 Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Đắk Nông). Ảnh: QH.
Đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm rõ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống.
Nếu áp dụng phương án 1, đại biểu lo ngại rằng người lao động không đồng tình. Ở phương án 2 thì cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không có 50% tổng số thời gian đóng.
"Cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng bảo hiểm xã hội khi họ không còn điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Đồng thời nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Và người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động", đại biểu nêu ý kiến.
Bày tỏ thống nhất với phương án của đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, người lao động có quyền rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu nhấn mạnh điều cốt lõi là giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội, cần có quy định để người lao động giữ sổ bảo hiểm để khi nghỉ hưu có lương hưu. Do đó, cần nghiên cứu quy định để áp dụng phù hợp với tình hình điều kiện đất nước.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Dương Khắc Mai chia sẻ trước những băn khoăn của các đại biểu về các phương án về bảo hiểm xã hội một lần và phản ứng của người dân. Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng bảo hiểm xã hội là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động khi tuổi cao, sức yếu và không thể làm ra của cải vật chất để nuôi mình.
Thực tế hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau, không phải ai cũng có chỗ dựa vững chắc là người thân, gia đình khi về già. Vì thế, Nhà nước cần có một giải pháp để đảm bảo và quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, thậm chí là quy định bắt buộc để người lao động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa khi tuổi già của mình và không để là một gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, ở đây phải tác động mạnh bằng chính sách, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, tạo niềm tin vững chắc cho người lao động. Do đó, đại biểu nhất trí với đề xuất của đại biểu Tô Văn Tám và đại biểu Phạm Văn Hòa về việc được rút phần do người lao động đóng, phần do người sử dụng lao động đóng thì giữ lại sau này cho người lao động để hưởng lương hưu.
Tăng chính sách giữ chân người lao động
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái  (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của bảo hiểm xã hội để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút bảo hiểm xã hội của người lao động.
DBQH tranh luan rut BHXH mot lan de tuoi gia khong la “ganh nang“-Hinh-2
 Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái  (đoàn Lạng Sơn) 
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời chất vấn về nguyên nhân người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần và đánh giá “không có quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm xã hội dễ dàng như Việt Nam”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây chính là tính ưu việt của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Trong báo cáo tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội khoá XIII về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đối với người lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đánh giá có 05 nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần, trong đó nguyên nhân chủ yếu người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đa số là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị mất việc làm, “tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid -19.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như: du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng”.
Người lao động bị ảnh hưởng tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 77,5%. Ở độ tuổi này, tích lũy không nhiều, trình độ nhận thức và tuổi đời còn chưa cao nên chỉ quan tâm giải quyết vấn đề trước mắt. Trên thực tế tại các khu công nghiệp chỉ tuyển dụng công nhân trong độ tuổi từ 18 - 40. Quá tuổi lao động trên hầu hết người lao động phải đi xin việc làm các công việc tự do khác. Mặt khác công nhân nhiều tuổi cũng sẽ không thể làm dây chuyền mà phải nghỉ việc và thực tế ở Việt Nam.
Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật lần này đã mở rộng thêm nhiều đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở khu vực không chính thức, điều này làm tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, nhưng cũng có thể làm tăng việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần do khu vực không chính thức việc làm không ổn định, nhiều tuổi rất khó tìm việc.
Đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam nếu nghỉ trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ đi 1% (thay vì 2% như dự thảo Luật).
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù nếu số năm đóng bảo hiểm xã hội cao thì cũng được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định ngoài các ngành nghề được nêu tại khoản 2 Điều 64 của Dự thảo Luật.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Dương Khắc Mai, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi kỳ vọng về phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV rằng bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không lòng vòng:
 Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan