Hôm qua, ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại phiên thảo luận đã có 33 đại biểu phát biểu, 08 đại biểu tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung sau: (1) Vai trò, ý nghĩa, mối quan hệ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn trước và giai đoạn này; mối quan hệ giữa 3 chương trình của giai đoạn này, tính phù hợp, khoa học trong việc xác định đối tượng địa bàn, nội dung chính sách, tiêu chí, các chỉ tiêu đạt được thực chất về phát triển kinh tế - xã hội, về giảm nghèo, về xây dựng nông thôn mới, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn;
(2) Tính phù hợp và những bất cập, hạn chế của bộ máy tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu, kết quả, hạn chế và nguyên nhân trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương về 3 chương trình này;
(3) Tính kịp thời, đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành đối với các cơ chế, như: cơ chế lồng ghép, cơ chế đặc thù, cơ chế hỗ trợ sản xuất theo chuỗi, sản xuất cộng đồng và cơ chế phân cấp, phân quyền;
(4) Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn, kết quả giải ngân vốn; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; trách nhiệm của cá nhân và tổ chức có liên quan;
(5) Các kiến nghị của Đoàn giám sát và 7 kiến nghị về chính sách đặc thù trong Tờ trình của Chính phủ.
Về định hướng các chương trình mục tiêu quốc gia 2026-2030, các ý kiến đại biểu đề nghị giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia 2021-2030 và báo cáo Quốc hội cho ý kiến vào cuối năm 2025 để chủ động trong việc triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021-2025, kể cả nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đến hết giai đoạn 2025.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.