Kỷ vật quý thời sinh viên của Tổng Bí thư và tình cảm ấm áp, xúc động

Google News

GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ, điều ông rất ấn tượng ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là sự giản dị, gần gũi, không hề có khoảng cách của một người đang giữ chức vụ cao nhất đất nước.

Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại trong ông nhiều ấn tượng, trong đó, có sự giản dị, ấm áp, nghĩa tình.
GS.TSKH Vũ Minh Giang kể, năm 2011, vào dịp trước Tết Tân Mão, sau khi nghe tin ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư khóa XI, GS Vũ Minh Giang cùng ban lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội muốn đến chúc Tết tân Tổng Bí thư. Bởi bên cạnh niềm vui chung của đất nước, cũng có niềm tự hào riêng, vì Tổng Bí thư là cựu sinh viên Khoa ngữ văn, khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây.
Ky vat quy thoi sinh vien cua Tong Bi thu va tinh cam am ap, xuc dong
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên khoá 8 Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì). Ảnh: GS.TS Hoàng Anh Tuấn cung cấp.
Khi GS Vũ Minh Giang gọi điện đề đạt ý kiến đó, Tổng Bí thư đã nhẹ nhàng nói rằng: “Mình cảm ơn các bạn, nhưng thời gian cận Tết bận rộn, Ban lãnh đạo hãy tập trung lo cho anh em cán bộ, không cần phải lên thăm mình đâu. Vả lại, Tết năm nay, mình sẽ không tiếp bất cứ một đoàn lãnh đạo nào đến chúc Tết, để mọi người tập trung thời gian quý báu lo công việc cuối năm”.
Lúc đó, GS Vũ Minh Giang có chút thoáng buồn, vì thực lòng, ông rất muốn gặp gỡ và thăm Tổng Bí thư. Ông nói với Tổng Bí thư, đoàn đến thăm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải với tư cách là lãnh đạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, mà là cuộc gặp gỡ thân mật giữa các thế hệ thầy trò. Nghe vậy, Tổng Bí thư đã vui vẻ nhận lời.
Sau đó, Ban lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội đã mời một số nhà giáo lão thành cùng đến thăm Tổng Bí thư.
“Một buổi gặp gỡ rất vui, ấm cúng lắm. Tổng Bí thư say sưa kể về thời sinh viên, những kỷ niệm… Tổng Bí thư gợi cho tôi cảm giác về một con người, đang có vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị của đất nước, nhưng lại giản dị một cách lạ thường, gần gũi, thân mật, không có một khoảng cách nào. Đó là điều mà tôi rất ấn tượng “, GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ.
Ky vat quy thoi sinh vien cua Tong Bi thu va tinh cam am ap, xuc dong-Hinh-2
 GS Vũ Minh Giang hướng dẫn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Phòng truyền thống năm 2013 nhân dịp ĐHQGHN tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (1993-2013) (Ảnh: Bùi Tuấn).
Năm 2012, GS Vũ Minh Giang được phân công phụ trách xây dựng Phòng truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong đó, theo đề cương, sẽ trưng bày kỷ vật của những cựu sinh viên tiêu biểu, xuất sắc đã có những đóng góp lớn với đất nước trên mọi phương diện.
GS.TSKH Vũ Minh Giang bèn gọi điện cho Tổng Bí thư, đề đạt nguyện vọng muốn có những kỷ vật của Tổng Bí thư thời sinh viên để trưng bày ở phòng truyền thống. Bởi Tổng Bí thư là cựu sinh viên rất tiêu biểu, là niềm tự hào của nhà trường. Tổng Bí thư đồng ý ngay. Sau đó chỉ mấy ngày, giữ đúng lời hứa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi tới nhà trường một phong bì to.
Giở phong bì thư ra, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã rất xúc động khi trong đó là những tấm ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thời còn là sinh viên. Có cả cuốn luận văn tốt nghiệp đại học do GS Đinh Gia Khánh hướng dẫn Tổng Bí thư, mà Tổng Bí thư nói rằng, đã nâng niu, giữ gìn rất lâu, nay trao tặng lại cho Phòng truyền thống.
Đặc biệt, là một tấm ảnh quý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bên các bạn sinh viên đồng khóa, đứng bên khu KTX Mễ Trì.
“Tổng Bí thư nói: 'Mình có một số tấm ảnh về quãng đời đẹp nhất thời sinh viên, mình đã giữ gìn mấy chục năm nay giờ tặng cho Phòng truyền thống”. Tôi thực sự rất ấn tượng về điều đó. Một người từng kinh qua các chức vụ rất cao, nhưng khi nói về nhà trường, về các thầy cô và bạn bè, vẫn luôn thể hiện một sự trẻ trung, hồn nhiên.
Điều đó thể hiện đúng như lời Tổng Bí thư đã nói khi về thăm trường cấp 3 cũ: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn... Chức tước như phù vân!”, GS Vũ Minh Giang nói.
GS Vũ Minh Giang cho biết, năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ra Nghị định về Đại học Quốc gia, Tổng Bí thư đã về dự và thăm phòng truyền thống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất vui khi thấy những hình ảnh và kỷ vật thời sinh viên của mình được trưng bày trang trọng. Bên cạnh kỷ vật thời sinh viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tập thơ của nhà thơ liệt sỹ Lê Anh Xuân, cũng là một cựu sinh viên Khoa Sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, 09/12/2013.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, niên khóa 1963 - 1967, do GS.NGND Hà Minh Đức làm Chủ nhiệm lớp.
Trong cuốn kỷ yếu “100 năm Đại học Đông Dương - Đại học Quốc gia Hà Nội”, ông bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xúc động và tự hào khi lần đầu tiên đến trường nhập học: "Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9/1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 - phố Lê Thánh Tông (tức khu nhà 19 Lê Thánh Tông bây giờ). Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ "Trường Đại học Việt Nam" sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen còn rụt rè, nhưng thấy bạn hữu ai cũng "siêu" cả, không học sinh giỏi nhất, nhì Văn toàn miền Bắc (lúc đó miền Nam chưa được giải phóng) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh…".
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ, bản lĩnh xuất sắc, một nhân cách đạo đức lớn lao đã sống trọn cuộc đời bình dị và cao cả vì nước, vì dân. Đối với thầy và trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Tổng Bí thư mãi là niềm tự hào, kính phục, trân quý, yêu thương; những lời chỉ dạy tâm huyết của Tổng Bí thư mãi được khắc ghi để trở thành tôn chỉ cho các hoạt động của Nhà trường…”, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Mai Loan