(Kienthuc.net.vn) - “Ngày tôi bắt đầu nhận công việc mới, người ta tặc lưỡi: lại một ông Nghệ An”, TS. Hồ Bất Khuất chia sẻ.
Trao đổi với Kienthuc.net.vn về câu chuyện doanh nghiệp (DN) "kỳ thị" lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh, TS. Hồ Bất Khuất nhận định: “Đây là một chuyện đáng buồn và có lỗi từ hai phía, nó gây thiệt hại cho cả DN lẫn người lao động, gây thiệt hại cho xã hội”.
“Người Nghệ An có đặc điểm là cố kết đồng hương. Có bất cứ chuyện gì xảy ra là sẵn sàng xông vào bảo vệ bất kể đúng sai. Đó có thể coi là một nhược điểm khiến cho nhiều DN không thích lao động người Nghệ An”.
|
Hiện nay DN đang thiếu lao động, người lao động đang thiếu việc làm mà kỳ thị vùng miền sẽ gây thiệt hại cho tất cả mọi người. |
“Một nhược điểm nữa của người Nghệ An nói riêng và Thanh - Nghệ - Tĩnh nói chung đó là trực tính, dễ nổi giận. Điều này đâu cũng có nhưng ở đây đậm đặc hơn các vùng khác. Nó đã được chứng minh trong lịch sử, văn hóa rồi.
Vì thế, nếu có chuyện gì xảy ra trong doanh nghiệp mà không đúng là họ sẵn sàng đứng lên nói. Các DN rất không thích chuyện này. Tuy nhiên nếu các DN luôn làm đúng, đảm bảo chế độ cho lao động thì chắc chắn sẽ không có chuyện gì xảy ra”.
“Vùng nào cũng có người này người kia nên việc các DN quy kết và “tẩy chay” lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh đó là "vơ đũa cả nắm", thể hiện sự quản lý yếu kém của chính DN. Người quản lý giỏi là người phải tính toán sao cho có lợi nhất, sử dụng lao động thích hợp nhất. Hiện nay DN đang thiếu lao động, người lao động đang thiếu việc làm mà xảy ra tình trạng này thì sẽ gây thiệt hại cho tất cả mọi người”.
“Bản thân tôi trong quá trình làm việc cũng đã gặp chút cản trở vì là người Nghệ An. Ngày tôi về nhận công tác tại một bộ phận bên Bộ Giáo dục và Đào tạo, người ta tặc lưỡi: lại một ông Nghệ An. Tôi cũng nghe họ chuyện trò là không biết tôi về làm theo “dây” của ai, của ông đồng hương nào. Đó không phải là cản trở lớn nhưng là một biểu hiện rất rõ của định kiến về vùng miền”.
Bàn về cách giải quyết vấn đề kỳ thị vùng miền, TS. Hồ Bất Khuất cho rằng: “Vấn đề này không thể giải quyết được bằng biện pháp hành chính mà chỉ có thể thay đổi bằng sự vận động, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của cả DN và người lao động”.
“Chúng ta trách DN nhưng cũng cần phải thừa nhận rằng có một bộ phận nhỏ lao động của Nghệ An đi vào các khu công nghiệp nhưng lười lao động mà lại rất hay gây rối. Họ cần hiểu rằng họ đang đi làm để kiếm tiền nên phải có những nguyên tắc nhất định.
Do vậy, trước hết địa phương nên đứng ra tập hợp lao động lại để giáo dục và liên hệ, cam đoan với các DN. Nếu làm được vậy thì câu chuyện này sẽ chuyển biến tốt hơn”, TS. Hồ Bất Khuất đề nghị.
Vũ Chương
[links()]