- “Xây bảo tàng là để lưu giữ lại những hiện vật của lịch sử. Thế nhưng nên xây dựng như thế nào, vào thời điểm nào lại là chuyện khác. Cần hiểu rằng lịch sử là do nhân dân viết ra, ở trong lòng nhân dân, đó mới là bảo tàng vĩnh cửu, chứ không phải đổ cả núi tiền ra để xây bảo tàng cho oách” - TS Vũ Thế Long (nguyên cán bộ viện Khảo cổ học Việt Nam).
Không đúng thời điểm
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có tờ trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, tổng mức đầu tư của dự án (chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện) vào khoảng 11.277 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm, từ tháng 11/2012 đến 5/2016.
|
Theo dự kiến, Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ có tổng số vốn đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng. |
Tuy nhiên, đã có ý kiến trái chiều về triển khai dự án trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
TS Vũ Thế Long cho rằng: “Tôi thấy việc triển khai dự án xây dựng bảo tàng Lịch sử Quốc gia lúc này là bất hợp lý. Xây bảo tàng là để lưu giữ lại những hiện vật của lịch sử. Thế nhưng nên xây dựng như thế nào, vào thời điểm nào lại là chuyện khác. Giữa lúc kinh tế đang khó khăn như hiện nay mà lại triển khai dự án xây dựng bảo tàng theo tôi là không nên, còn nhiều việc khác cần làm hơn”.
TS. Vũ Thế Long phân tích: “Cần hiểu rằng lịch sử là do nhân dân viết ra, ở trong lòng nhân dân, đó mới là bảo tàng vĩnh cửu, chứ không phải cứ đổ cả núi tiền ra để xây bảo tàng cho... oách. Hãy nhìn lại trong lịch sử, ai đã lưu giữ lại lịch sử của cha ông chúng ta hàng ngàn năm nay nếu không phải là nhân dân?
Hàng nghìn năm bị giặc phương Bắc đô hộ, hay như thời giặc Minh xâm lược, với chính sách “đồng hóa” thâm độc của kẻ thù, bao nhiêu tài liệu sử sách quý của ta bị giặc cướp về hoặc xé đốt hết, bao công trình văn hóa, kiến trúc bị tàn phá... thế nhưng lịch sử của chúng ta có bị mất đi đâu, vẫn còn đấy.
Lúc đó chẳng có bảo tàng nào tốt hơn, vĩ đại hơn là bảo tàng nhân dân cả. Người dân còn nhớ đến lịch sử dân tộc mình, đất nước mình thì dân tộc, đất nước đó vẫn trường tồn cùng thời gian”.
Đã quá nhiều bảo tàng
Về ý kiến cho rằng cần thiết phải xây dựng bảo tàng để lưu giữ hiện vật lịch sử, TS. Vũ Thế Long cho biết: “Xây dựng bảo tàng để lưu giữ hiện vật lịch sử là cần thiết, là người trong ngành tôi cũng muốn điều ấy chứ. Tuy nhiên khách quan mà nói thì hiện nay các bảo tàng của chúng ta xây dựng lên đã quá nhiều rồi, chúng ta không hề thiếu bảo tàng. Có những bảo tàng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như Bảo tàng Hà Nội chẳng hạn, nhưng xây dựng xong rồi bỏ không, chẳng có hiện vật để mà trưng bày. Đó là sự tốn kém và rất lãng phí”.
Ngoài ra, cũng theo TS. Vũ Thế Long thì việc xây dựng bảo tàng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu là lưu giữ hiện vật lịch sử mà còn cần phải đảm bảo được yếu tố văn hóa và kiến trúc, mà hiện nay hầu như chúng ta chưa đáp ứng được điều đó.
Nếu nhìn lại lịch sử xây dựng các bảo tàng của ta hiện nay thì Bảo tàng lịch sử Việt Nam có thời gian lâu nhất. Đây là bảo tàng do người Pháp thiết kế và xây dựng, với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Louis Finot, mãi đến năm 1958 ta mới tiếp quản lại. Cho đến nay bảo tàng vẫn được đánh giá là có kiến trúc độc đáo trên cơ sở kết hợp kiểu kiến trúc Pháp với kiến trúc của người Việt mà không phải bảo tàng nào cũng có được.
Trong khi đó, nhà sử học Lê Văn Lan cũng bày tỏ: “Tôi nghĩ việc xây dựng bảo tàng để lưu giữ lại những hiện vật lịch sử là tốt, song sẽ tốt hơn nữa khi chúng ta nghĩ ra cách làm thế nào để hàng năm, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp và đại học sẽ không còn cảnh hàng nghìn thí sinh bị điểm “0” môn Lịch sử mà không cần phải tốn kém đến hàng chục nghìn tỷ đồng như dự án xây dựng bảo tàng nói trên”. |
Hoàng Sơn
[links()]