Mở rộng thêm vùng thủ đô: “Phải biết lượng sức mình“

Google News

Dự kiến mở rộng thêm vùng thủ đô vừa được đưa ra song đã gây nhiều tranh cãi.

- Dự kiến mở rộng thêm vùng thủ đô vừa được đưa ra song đã gây nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng, việc mở rộng thêm vùng thủ đô là không cần thiết, thay vì mở rộng nên tập trung đầu tư quy hoạch và phát triển kinh tế Thủ đô theo chiều sâu và quan tâm hơn nữa đến chất lượng dân sinh.
 [links()]
 
Sơ đồ quy hoạch vùng thủ đô.
“Phải biết lượng sức của mình”

KTS.Nguyễn Trực Luyện: "Dự kiến mở rộng thêm vùng thủ đô cần phải thận trọng".
Về vấn đề dự kiến sẽ mở rộng thêm vùng thủ đô ra 3 tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng là không nên bởi nó không thực sự cần thiết.

KTS Nguyễn Trực Luyện bày tỏ lo ngại: “Tôi nghĩ việc mở rộng thêm vùng thủ đô là không cần thiết. Mở rộng nhưng có thực hiện được các mục tiêu quy hoạch, phát triển dự án kinh tế như đã đề ra không? Hay mở rộng rồi lại quy hoạch phát triển “nham nhở” chỗ này một ít, chỗ kia một ít? Quan trọng là chúng ta phải biết lượng sức mình. Nguồn vốn chúng ta không nhiều, cơ sở vật chất hạ tầng về cơ bản cũng chưa đủ mạnh để có thể đáp ứng cho việc mở rộng”.

Cũng theo KTS Nguyễn Trực Luyện, việc quy hoạch vùng kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng, nếu chúng ta thực hiện quy hoạch đúng thì sẽ tạo đà cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế, và ngược lại, nếu quy hoạch vội vàng, không tính toán kỹ thì sẽ là một trở ngại lớn trong phát triển vì xảy ra hiện tượng dàn trải, thiếu đồng bộ và chồng chéo trong quy hoạch.

“Đành rằng muốn phát triển kinh tế thủ đô nói riêng cũng như kinh tế vùng nói chung thì đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn xa, nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học, không thể nôn nóng và làm theo cảm tính. Tôi nghĩ vấn đề dự kiến mở rộng thêm vùng thủ đô cần phải thận trọng”, KTS Nguyễn Trực Luyện cho biết thêm.

Mở rộng thêm, đầu tư sẽ bị “loãng”
 
KTS.Đoàn Đức Thành: "Mở rộng thêm, đầu tư sẽ bị loãng".
Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) lại cho rằng, việc mở rộng vùng thủ đô có thể khiến cho việc đầu tư bị “loãng”, dàn trải, thiếu tập trung và không hiệu quả.

KTS Đoàn Đức Thành cho biết: “Nên cân nhắc kỹ việc mở rộng thêm vùng thủ đô. Năm 2008, chúng ta đã sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần của 2 tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc vào Hà Nội, diện tích thủ đô đã khá rộng. Tuy nhiên, từ đó đến nay dường như chúng ta vẫn đang loay hoay với việc quy hoạch, nhiều dự án đầu tư còn manh mún và dang dở, thiếu tính đồng bộ.

Chỉ tính riêng nội đô thôi, chúng ta vẫn còn chưa đầu tư khai thác hết những tiềm năng kinh tế vốn có. Ngay như việc đầu tư xây dựng cơ sở giao thông nội đô, cho đến nay vẫn nhiều công trình đang dang dở. Nếu bây giờ lại mở rộng thêm vùng thủ đô thì sẽ khiến đầu tư bị dàn trải, không hiệu quả, có khi còn dẫn đến “sa lầy” trong bài toán quy hoạch”. Bởi thế, mở rộng thêm vùng thủ đô hay không phải hết sức thận trọng, không thể vội vàng".

Ngoài ra, theo KTS Đoàn Đức Thành, quy hoạch thủ đô và vùng thủ đô cần phải đi vào chiều sâu và phải mang tính bền vững. Đồng thời, bên cạnh việc quy hoạch cũng phải tính đến vấn đề dân sinh, phải tính toán đến lợi ích chung của người dân trong vùng được quy hoạch.
 
Quyết định số 118/2003 của Thủ tướng thành lập vùng thủ đô bao gồm: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình. Năm 2008, Quốc hội ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô. Tiếp đó, ngày 5/5/2008, Thủ tướng ban hành quyết định 490 về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 27/7/2011, Thủ tướng ký quyết định 1259 phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Hoàng Sơn

Bài đọc nhiều:

 

“Khó“ trong việc sang tên phương tiện giao thông “Khó“ trong việc sang tên phương tiện giao thông Chắc chắn giáo dục của ta lạc hậu! Chắc chắn giáo dục của ta lạc hậu! Cần có cái nhìn cởi mở hơn với giới trẻ Cần có cái nhìn cởi mở hơn với giới trẻ