- "Thành ủy Hà Nội đưa ra dự thảo cấm cán bộ, đảng viên không được tổ chức cưới quá 50 mâm, tương đương 300 khách mời để thảo luận, theo tôi là một quy định cứng nhắc. Nếu muốn cấm sự xa hoa, xa xỉ của họ, làm cho cán bộ gần dân theo tư duy kiểu này thì có nhiều thứ phải cấm lắm, ví như cấm cán bộ không được chơi golf, không được dùng ô tô riêng đi làm... Xin đừng chỉ quá vụn vặt mà lại động đến quyền công dân!", PGS.TS Nguyễn Văn Huy thẳng thắn bày tỏ.
Không thể cào bằng
Thành ủy Hà Nội vừa đưa ra thảo luận dự thảo Chỉ thị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố. Theo đó cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp tổ chức cưới không quá 300 người, tương đương 50 mâm cỗ. Ý kiến của ông thế nào về điều này?
Sao lại có quy định này? Nó rất hình thức, vụn vặt, cụ thể quá và chắc chắn rất khó thực hiện, rồi cũng sẽ như việc cấm đốt vàng mã mà thôi.
Vì sao ông lại có sự liên tưởng như thế?
Chúng ta cần biết rằng, cưới hỏi, tang ma thuộc về phong tục, tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia, thậm chí là mỗi làng, bản. Hệ thống văn hóa ấy rất đa dạng chứ không phải đồng nhất. Đặc biệt, trong xã hội kinh tế thị trường hiện nay có sự phân hóa giai tầng, các tầng lớp xã hội sâu sắc: có thành thị và nông thôn, có người rất giàu - người giàu - người có mức sống trung bình - người nghèo và người rất nghèo.
Vì thế, nhu cầu văn hóa của các nhóm này cũng khác nhau. Nó vận hành theo phong tục, tập quán chung, đồng thời theo nếp sống của xã hội và các quan hệ xã hội chứ đâu phải ai cũng như ai được?
Phải chăng, ý ông là với quy định này, người ta đang cào bằng nhu cầu văn hóa đó?
Đúng thế. Cán bộ, đảng viên thì cũng có nhiều tầng lớp. Có người rất giàu, có người khá giả, lại có người ở mức sống bình dân như thang bậc chung của xã hội. Cho nên khi thực hiện nếp sống thì theo tôi cần chú ý tới các nhóm xã hội, nhu cầu khác nhau của các nhóm này và không thể cào bằng được.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa. |
Quy định như vậy rất tai hại!
Trên thực tế, lâu nay vẫn có chuyện con cái cán bộ, đảng viên tổ chức tiệc cưới linh đình, gây sự hồ nghi, bất bình trong dân về sự xa xỉ, rằng phải chăng để giàu có như thế là do tham nhũng mà ra? Có ý kiến cho rằng, việc Thành ủy Hà Nội đưa ra dự thảo này âu cũng để hạn chế tiêu cực đó?
Quan niệm xa xỉ cũng tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người. Với người này là xa xỉ nhưng với người khác thì bình thường. Nhiều cán bộ, đảng viên được đi nghỉ ở nước ngoài, có ô tô riêng đi làm, nếu đem so sánh với người lao động bình thường thì rõ ràng đó là xa xỉ. Ngay trong một cơ quan cũng có người đi ô tô riêng, có người lại đi xe đạp. Chẳng lẽ vì thế mà cấm "quần chúng" đi ô tô à?
Yêu cầu cán bộ, đảng viên không được cưới ở khách sạn 5 sao, không mời quá 300 khách nhưng nếu như vợ (chồng), thậm chí là con cái họ làm chủ doanh nghiệp, họ giàu có, họ hàng đông thì sao lại bắt họ phải như người khác? Sao lại bắt đại gia chơi với những người bán hàng rong, ông xích lô, ông xe ôm được! Thực ra, ranh giới của khách sạn 4 sao với 5 sao cũng không khác nhau bao nhiêu. Quy định như vậy rất tai hại!
Vì sao ông lại cho rằng nó tai hại?
Bởi nó đang tạo ra sự phân biệt nhân dân với cán bộ, đảng viên. Tôi nhớ là cách đây không lâu, UBND TP Hà Nội đã có quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, ma chay, lễ hội rồi. Quy định đó được áp dụng cho toàn thành phố, không phân biệt cán bộ lãnh đạo, đảng viên hay nhân dân.
Bây giờ, Thành ủy lại đưa ra thêm một Chỉ thị (dự thảo) để áp dụng riêng cho cán bộ, đảng viên. Chẳng lẽ, cán bộ, đảng viên là công dân đặc biệt à? Mà đã là công dân thì đều phải bình đẳng trước pháp luật chứ? Sao lại còn tách họ thành một nhóm xã hội khác - nhóm "không được cưới ở khách sạn 5 sao" với những quy định siết chặt hơn như thế?
Cưới ở nhà cũng hối lộ được
Ông cứ bảo rằng phải tuân theo nhu cầu xã hội trong việc cưới hỏi. Mà nhu cầu thì biết lối nào mà lần, người ta có thể làm cỗ cưới tới hàng trăm mâm với hàng nghìn khách mời, diễn ra nhiều ngày, ở nơi sang trọng thì cũng được ư, trong khi rất nhiều hộ dân còn đang chật vật lo miếng cơm, manh áo?
Việc mời 300 khách trong đám cưới theo tôi cũng là hợp lý nhưng không nên quy định cụ thể, nhất là cho riêng cán bộ, đảng viên. Quy định thế vụn vặt, cứng nhắc lắm! Thêm nữa, nói rằng không làm thế thì cán bộ, đảng viên cách xa dân quá. Đây không phải là bản chất vấn đề. Có nhiều cách để người ta gần dân, lấy được niềm tin của dân chứ đâu phải chỉ có việc tổ chức cưới? Cứ sợ rằng tiền người ta tổ chức đám cưới to là do tham nhũng thì tại sao không để họ thoải mái tổ chức đi, như thế lại càng may đấy chứ?
Cũng có một thực tế là hiện nay, nhiều khi cái phong bì mừng cưới đã bị biến tướng để lo lót, hối lộ. Giả dụ, chỉ thị này được thông qua và thực thi, với số lượng khách mời hạn chế thì ông có cho rằng nó sẽ ngăn chặn được phần nào biến tướng ấy?
Không thể. Nếu người ta đã có ý muốn hối lộ thì dù có cưới ở nhà, có làm chục mâm với chỉ họ hàng đến dự thì cũng vẫn có cách hối lộ được. Tóm lại, không thể hạn chế nhu cầu của người ta bằng những quy định quá chi tiết như thế. Theo tôi, quy định của UBND Thành phố trước đó đã đủ và hợp lý rồi. Xã hội sẽ tự điều chỉnh các nhu cầu và nếp sống ấy.
Chẳng bao giờ thành công được!
Ông nói nhiều đến sự "vụn vặt", "chi tiết" khi đề ra quy định này. Phải chăng, nó phản ánh tầm nhìn của những người đưa ra quy định cấm ấy cũng rất... vụn vặt?
Tôi không dám nói như thế. Nhưng chúng ta giải quyết những vấn đề xã hội thì cần nhìn tổng thể, phải trên cơ sở nhu cầu thực sự của xã hội. Ta đang duy ý chí quá, ta muốn làm theo phong trào, xây dựng những phong trào nhưng thực ra lại không dựa trên cơ sở văn hóa, tâm lý, xã hội để giải quyết vấn đề. Thế thì chẳng bao giờ thành công được!
Nếu không thể cấm cán bộ, đảng viên tổ chức cưới không quá 50 mâm với 300 khách mời thì theo ông, chúng ta cần phải làm gì để cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?
Theo tôi, tuyên truyền, vận động, khuyến khích như quy định của UBND Thành phố về nếp sống văn minh trong việc cưới trước đó là đủ.
Xin cảm ơn ông!
"Ta đã thực thi nền kinh tế thị trường nghĩa là ta chấp nhận xã hội có sự phân tầng giàu nghèo, có người làm công ăn lương, người làm thuê, người làm chủ. Bây giờ, tại sao lại tạo ra hình ảnh giả tạo để làm gì? Quy định như thế rõ ràng là giả tạo đấy chứ? Cán bộ muốn gần dân, đồng cảm với dân thì có nhiều cách kia mà. Đừng cứ nhìn vào cái việc quá nhỏ là tổ chức đám cưới như thế! Phải đi vào bản chất, gốc rễ của vấn đề. Trong xã hội bây giờ dứt khoát không thể bình quân và mệnh lệnh như thời xưa được".
PGS.TS Nguyễn Văn Huy |
Vũ Thủy (thực hiện)