Hoa hậu Việt Nam 2020 - Đỗ Thị Hà
Đỗ Thị Hà từ TP HCM trở về Thanh Hóa trưa 1/12, sau 10 ngày đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020. Bạn bè, người thân có mặt từ sớm tại sân bay Thọ Xuân để đón cô. Là người đẹp Thanh Hóa đầu tiên giành vương miện ở cuộc thi nhan sắc uy tín nhất quốc gia, Đỗ Thị Hà được người dân quê nhà chào đón.
Xuống máy bay, Đỗ Thị Hà lấy hành lý, thay trang phục rồi mới bước ra. Khoảng 200 người Thanh Hóa đến đón Đỗ Thị Hà tại sân bay, mang theo hoa, khẩu hiệu, băng rôn hò reo, mừng cô trở về như người hùng. Ông Đỗ Văn Tào - bố hoa hậu - phải rất khó khăn mới có thể dắt cô khỏi vòng vây fan, lên xe trở về nhà.
Người dân vây quanh ủy ban xã, tận mắt ngắm nhìn tân hoa hậu.
Đỗ Thị Hà trong vòng vây fan.
Sau khi rời sân bay, Đỗ Thị Hà cùng gia đình và ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam di chuyển tới Ủy ban Nhân dân xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa để tham gia lễ chào mừng, giao lưu cùng bà con. Biết tin hoa hậu về, từ sáng sớm, phụ nữ ở quê Đỗ Thị Hà đã xúng xính mặc áo dài, trang điểm, mang theo nhiều hoa, khẩu hiệu để tận mắt chứng kiến người đẹp 19 tuổi trở về quê hương.
Về đến nhà lúc 14h30 do chuyến bay bị trễ vài tiếng so với lịch dự kiến, Đỗ Thị Hà xúc động khi có hàng nghìn người dân địa phương bỏ cơm trưa, đợi sẵn ở ủy ban xã để chào đón mình. Khi cô bước xuống từ ôtô, họ vẫy tay, giơ hoa được kết sẵn để chào đón. Hội trường ủy ban xã có sức chứa khoảng 300 người chật cứng, không còn chỗ trống.
Bên ngoài, hàng trăm người nán lại để chiêm ngưỡng nhan sắc, xin chụp ảnh cùng tân hoa hậu. Di chuyển đường dài khá mệt mỏi nhưng Đỗ Thị Hà luôn nở nụ cười vì cảm nhận được tình cảm của người dân địa phương dành cho mình.
Lãnh đạo xã Cầu Lộc cho biết, không khí quê nhà rộn ràng như hội từ ngày Đỗ Thị Hà đăng quang. Ngày người đẹp trở về, đường làng ngõ xóm được người dân dọn dẹp sạch sẽ. Các trục đường chính dẫn về ủy ban xã được giăng đầy cơ hoa, biểu ngữ.
Tại buổi gặp gỡ chính quyền địa phương, Đỗ Thị Hà cảm ơn người dân quê nhà luôn theo dõi, cổ vũ, động viên mình trong quá trình thi. Cô muốn truyền cảm hứng đến các bạn trẻ ở quê nhà rằng hãy luôn tin tưởng vào cuộc sống, dù mỗi người có xuất phát điểm khác nhau. Bởi chỉ khi tự tin, mạnh mẽ, thành công mới đến với mình.
Tối cùng ngày, gia đình Đỗ Thị Hà làm vài mâm cỗ, mời bà con, họ hàng, làng xóm. Cô ở lại quê nhà trong hai ngày, sau đó tiếp tục quay trở lại TP HCM, tiếp tục lịch trình cùng ban tổ chức.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 - H'Hen Niê
Tháng 2/2018, H'Hen Niê trở về nhà sau một tháng đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Nhiều người thân, bạn bè mặc đồ truyền thống của dân tộc Ê Đê cùng lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, ra sân bay Buôn Ma Thuột đón H'Hen Niê. Cảm động trước tình cảm người dân dành tặng mình, H'Hen Niê liên tục bật khóc. Trên xe của ban tổ chức, cô nhoài người, ôm lấy người thân khi chiếc xe chuẩn bị lăn bánh.
Tại quê nhà ở buôn Sứt M’Đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, nhiều người dân mặc sẵn trang phục truyền thống của người Ê Đê, mang theo nhiều băng rôn, ảnh, và hoa để tặng ân hoa hậu.
Cô được người dân đón bằng công nông - phương tiện đi lại ở địa phương. Đứng trên máy cày, H'Hen Niê tự hào, liên tục vẫy chào người dân. Cảm động trước tình cảm của bà con buôn làng, cô rơi nước mắt liên tục.
Người dân địa phương xếp hàng chờ H'Hen Niê.
Cô được người dân địa phương đón bằng máy cày.
Cuối 2018, sau thành tích top 5 Miss Universe, H'Hen Niê tiếp tục được bà con buôn làng chào đón trở về như một người hùng. Người dân trong buôn kéo đầy hai bên đường, đón H'Hen Niê. Nhiều người cầm khẩu hiệu "Miss Bánh Mì" - tên thân mật của cô - khi nhìn thấy người đẹp 28 tuổi.
Tại buổi gặp gỡ người dân địa phương, H'Hen Niê đã dùng hơn 1,1 tỷ đồng do các mạnh thường quân thưởng nóng để phát triển buôn làng. Cô luôn muốn buôn làng mình có một chiếc cổng to đẹp, khang trang hơn.
Chuyện H'Hen Niê muốn làm đường, thắp điện sáng cho buôn làng được đồng tình. Người dân thậm chí còn muốn đổi tên cổng chào và đường mang tên H'Hen Niê. Tuy nhiên, cô từ chối.
Bên cạnh cổng buôn, cô còn xây một nhà cộng đồng làm bằng chất liệu cổ để lưu giữ văn hóa, chữ viết của người Ê Đê, để trẻ em có thể vào chơi và học hỏi. Cô muốn giúp buôn có nguồn nước sạch, điện sáng và phát triển buôn làng qua các hoạt động giáo dục.
Người dân ở buôn làng tự hào khi H'Hen Niê làm nhiều việc thiện. Với tư cách đại sứ toàn cầu quỹ Room to Read, cô quyên được hơn 24.000 USD (hơn 556 triệu đồng) để xây dựng một thư viện tại tỉnh Lâm Đồng và tài trợ cho 50 nữ sinh ở châu Á và châu Phi, hoàn thành bậc trung học phổ thông, giúp các em phát triển kỹ năng sống thông qua chương trình Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh.
Là hoa hậu, cô không ngại tham gia các hoạt động truyền thống cùng bà con địa phương những năm qua như hội thao, lửa trại, tái hiện văn hóa cồng chiêng. Người đẹp không ít lần về quê làm ruộng, tham gia sàng gạo, giã gạo cùng bà con.
Theo IOne