Thanh long ruột đỏ là một trong những loại nông sản đươc “giải cứu” trong mùa dịch Covid-19. Khi thanh long xuất hiện nhiều trên thị trường nội địa với giá thành tương đối rẻ, nhiều người đã nhanh chóng coi đây là cơ hội cho những sáng tao mới về ẩm thực.
Chị Bích Ngọc (TP.HCM) là một người kinh doanh ẩm thực online, khi mua được thanh long giá rẻ, chất lượng tốt, chị Ngọc đã tìm hiểu và biến tấu các món ăn truyền thống trở nên độc đáo hơn khi kết hợp món ăn cùng thanh long đỏ.
Cùng với bánh mì, bánh cuốn, pizza… hoành thánh thanh long đỏ trở thành một món ăn hấp dẫn mới.
Hoành thánh được giữ nguyên vị và công thức làm truyền thống nhưng kết hợp với màu hồng tươi tự nhiên của thanh long đỏ giúp món ăn trông hấp dẫn hơn.
Ban đầu, cô gái 9x chỉ làm để gia đình và bạn bè ăn thử. Về sau, món ăn được mọi người khen ngon, phù hợp với xu hướng thực phẩm giữa mùa dịch, Ngọc quyết định mở bán những đơn đầu tiên trong nội thành.
Thực đơn gồm bánh mì thường và hoành thánh thanh long đỏ. Khi các đơn online đắt hàng hơn, để đáp ứng nhu cầu của khách, Ngọc sáng tạo thêm các món mới cũng kết hợp với thanh long đỏ như: Bánh mì gối; mỳ gạo; thậm chí cả hamburger.
Cách làm bánh mì thanh long không có nhiều khác biệt so với bánh mì truyền thống nhưng lại tạo ra chiếc bánh đẹp mắt và thơm ngon hơn.
Ngoài ra còn có bánh mì gối và hamburger lạ mắt.
Những món ăn truyền thống khi được kết hợp với thanh long đỏ tạo thành tổng thể hài hòa từ hương vị đến màu sắc. Theo chị Ngọc, đây chính là điểm thu hút khách thử nghiệm những món ăn mới này.
Tuy phải chi thêm tiền mua nguyên liệu mới là thanh long đỏ nhưng giá thành sản phẩm không thay đổi nhiều so với các món nguyên bản. Theo đó: Hoành thánh thanh long từ 25.000đ – 35.000đ/ bát; bánh mì thường 6.000đ/chiếc; hamburger 20.000đ – 30.000đ/chiếc tùy loại…
Sợi mì gạo được tạo màu tự nhiên từ thanh long đỏ.
Trung bình mỗi ngày chị Ngọc bán được từ 10 – 15 bát hoành thánh và mì gạo, khoảng 50 chiếc bánh mì thanh long thường và 10 chiếc hamburger. Chị Ngọc chia sẻ, số đơn đặt online những ngày này cao hơn khoảng 20% so với trước kia, tuy nhiên vì chỉ là cửa hàng cá nhân nên đôi khi Ngọc phải từ chối một số đơn ở xa vì quá tải.
So với trước kia chỉ bán bánh ngọt và các món ăn “handmade” truyền thống, doanh thu những ngày này tăng cao hơn hẳn, giúp chị Ngọc có động lực để duy trì các món ăn kết hợp cùng thanh long hoặc có thể sáng tạo thêm nhiều món ăn mới.
Bát hoành thánh đầy đặn được bán với giá khoảng 35.000đ/bát. Có thể bán nguyên bát hoàn thiện hoặc bán lẻ hoành thánh để mọi người tự chế biến.
Không chỉ riêng chị Ngọc, rất nhiều các doanh nghiệp lớn, các cửa hàng lâu năm cũng áp dụng sáng tạo việc đưa nông sản giải cứu kết hợp với món ăn truyền thống tạo ra trào lưu ẩm thực mới trên thị trường. Không chỉ giúp đỡ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm mà còn mang lại doanh thu cho doanh nghiệp và các tiểu thương.
Mô hình kinh doanh của chị Ngọc là một gợi ý lý tưởng cho nhiều cửa hàng ẩm thực online có thể áp dụng nhằm tăng thêm thu nhập từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu “giải cứu” thành cơ hội tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu.
Theo Thanh Thúy/Dân Việt