9x mồ côi mở tiệm bánh mì 0 đồng báo hiếu cha mẹ

Google News

Tâm sự về tiệm bánh mì 0 đồng của mình, anh Vĩnh cho rằng đây chính là cách để anh báo hiếu đối với đối sinh thành đã khuất của mình.

Thời gian qua, những người lao động, những người bán vé số, xe ôm, lượm ve chai... ở Đà Nẵng đều truyền tai nhau về một tiệm bánh mì 0 đồng đặc biệt ở giữa trung tâm thành phố của một nhóm bạn trẻ, nơi mà những chiếc bánh mì đều có giá 0 đồng. Tiệm bánh mì đặc biệt nằm ở một con hẻm nhỏ trên đường Ngô Gia Tự, phương Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
9x mo coi mo tiem banh mi 0 dong bao hieu cha me
 
Chủ quán bánh mì 0 đồng là trẻ mồ côi
Được điều hành bởi một thanh niên trẻ, cùng với những người giúp sức cũng là những người tuổi mới đôi mươi nên tiệm bánh mì chưa bao giờ vơi đi tiếng nói cười. Anh Đào Văn Vĩnh (27 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Nam) chính là chủ nhân của quán bánh có 1-0-2 này.
Chia sẻ về mình, anh cho biết bản thân mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh sinh ra ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng lại lớn lên ở tỉnh Quảng Nam. Thiếu vắng tình yêu thương của mẹ lúc mới lên 9 nên những việc nội trợ anh Vĩnh đều có thể tự làm. Thấu hiểu được nỗi cực nhọc của người cha trong cảnh gà trống nuôi con nên anh Vĩnh luôn cố gắng tự lập và giúp đỡ bố.
Năm anh Vĩnh 18 tuổi, bố anh qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Khi ấy, cả 4 chị em trong nhà chỉ còn biết nương tựa, bảo ban nhau cùng cố gắng vượt lên số phận bất hạnh.
Chàng trai 18 tuổi khi ấy đã cùng với người chị gái quyết tâm tìm đường ra Đà Nẵng để nhập học Trường Cao đẳng Thương mại trong tình trạng không một xu dính túi. Cuối cùng hai chị em đã cùng nhau cố gắng và vượt qua những khó khăn.
Nhắc tới khoảng thời gian vô cùng vất vả khi đó, anh Vĩnh cho hay: “Vừa học, vừa đi làm thêm, tôi làm tất cả những công việc để có tiền trang trải chi phí ở thành phố, cùng chị gái nuôi 2 đứa em nhỏ. Đến lúc nộp học phí, không có tiền, tôi đã nghĩ phải dừng lại việc học. Thế nhưng, ngày đó tôi nhận được sự giúp đỡ từ chú Tuấn Mập – Sài Gòn, thông qua một người hoạt động từ thiện ở quê nhà. Tôi không biết chú Tuấn là ai hết, chỉ nghe cô chú nói chú hoạt động trong lĩnh vực ăn uống. Số tiền 10 triệu đồng đó đã cứu tương lai của 4 chị em".
Nhận được sự giúp đỡ của nhà hảo tâm nên anh Vĩnh luôn tâm niệm mình cũng phải cố gắng để giúp những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Suốt quãng thời gian sinh viên, anh Vĩnh nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện do trường tổ chức, đồng thời cũng ấp ủ những dự định từ thiện của riêng bản thân mình. Ra trường, chàng trai trẻ vẫn tiếp tục cùng với người thân tổ chức các chương trình từ thiện, mang đến cho người nghèo cơm, bánh mì và sữa.
Được biết trước đó anh Vĩnh đã có thời gian cùng người quen mở quán cơm 2.000 đồng phục vụ cho người nghèo, tuy nhiên quán chỉ duy trì được 1 năm rồi phải đóng cửa vì mọi người không thể sắp xếp được thời gian. Cho tới gần đây, cả nhóm lại bàn nhau và quyết định sẽ bán bánh mì cùng sữa 0 đồng cho người nghèo.
Mỗi người tới với cửa hàng đều sẽ được chủ tiệm bánh mì, tuy nhiên chỉ với giá 0 đồng. Giải thích về điều này, anh Vĩnh cho biết cả nhóm đều mong những người nghèo sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi được giúp đỡ, tránh đi mặc cảm về việc họ phải đi xin đồ ăn.
Xuất thân từ một người có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự giúp đỡ của người khác, bởi vậy mà anh Vĩnh cùng nhóm bạn mở tiệm bánh mì như một cách giúp chia sẻ bớt những lo toan, gánh nặng trong cuộc sống với những người khó khăn hơn mình. “Ngày trước, ai cho em một bữa ăn để có sức bước lên giảng đường, em đều nhớ như in cái cảm giác đó… Hạnh phúc, vui vẻ và đặc biệt là yên lòng. Số tiền ăn đó có thể chi tiêu vào việc khác" - anh Vĩnh thật thà chia sẻ về những ngày tháng đã qua của mình.
Làm từ thiện như để báo hiếu đấng sinh thành đã khuất
Một trong những điều được anh Vĩnh coi là may mắn khi mở quán cơm hay tiệm bánh mì từ thiện đó chính là có được sự giúp sức của các bạn tình nguyện viên là sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau. Thông thường, mỗi ngày sẽ có từ 4 - 5 bạn sinh viên tới quán từ khi trời chưa sáng để giúp anh Vĩnh sơ chế thực phẩm và chế biến để đưa những chiếc bánh mì nóng hổi trao tới tận tay những người nghèo.
Mỗi sáng, anh Vĩnh sẽ dậy thật sớm ra chợ mua các thực phẩm cần thiết tươi ngon nhất, sau đó đem về quán để mọi người cùng chế biến. Tiệm bánh mì sẽ mở cửa từ 8h30 hàng ngày, và sẽ phục vụ từ 150 - 200 suất bánh mì kèm sữa cho mọi người.
Là sinh viên năm cuối đang trong thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp, cô bạn N.T.N.H ngày nào cũng sắp xếp việc nhà để đến phụ giúp ở tiệm bánh mì. Với cô bạn 22 tuổi này, việc được cùng mọi người chuẩn bị và đưa tận tay người nghèo những chiếc bánh mì nóng hổi là điều vô cùng hạnh phúc.
Ông L.V.A (69 tuổi) là khách quen của quán bánh mì 0 đồng. Được biết ông A. bị tật ở chân trái, bởi vậy mà cứ trái gió trở trời thì sẽ bị đau đớn không thôi. Hàng ngày, ông kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm. Nhận được chiếc bánh mì nóng hổi cùng với hộp sữa, cụ ông cảm thấy rất hạnh phúc. Khen những chiếc bánh mì của quán ngon, vừa miệng, ông A. cũng không quên cảm ơn nhóm bạn trẻ: “Bữa ăn miễn phí đã giúp người lao động như chúng tôi bớt phần nào những lo toan hằng ngày. Cảm ơn những bạn trẻ…”
Mỗi ngày, quán bánh mì đều phục vụ hơn trăm suất bánh mì kèm với sữa. Nếu như tới 15h cùng ngày mà số bánh vẫn chưa được bán hết, các thành viên sẽ đưa bánh mì vào lò nướng để làm nóng lại, sau đó đem đến phục vụ bữa ăn chiều cho những bệnh nhân hay người nuôi bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Từ khi bắt đầu hoạt động, kinh phí duy trì quán bánh mì đều là do các thành viên trong nhóm tự bỏ ra chứ không vận động. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều nhà hảo tâm sau khi hay tin tìm tới để ủng hộ cho nhóm bạn trẻ. Đặc biệt, anh Vĩnh cùng những người bạn sẽ không nhận tiền, mà chỉ nhận bánh mì, sữa, nước,... và nhanh chóng trao tận tay những người cần.
Tâm sự về việc làm từ thiện của mình, anh Vĩnh cho rằng đây chính là cách để anh báo hiếu đối với đối sinh thành đã khuất của mình. “Khi được chăm lo cho bữa ăn của các cô chú, thấy cô chú vui vẻ thì trong lòng lại nhớ ba mẹ. Nhiều anh chị cũng là người mồ côi cha mẹ, tự thân nỗ lực mưu sinh kiếm sống. May được trời thương, cuộc sống đỡ vất vả nên quay lại giúp người khó khăn bằng "bánh mì 0 đồng", nhất là những người đáng tuổi cha mẹ mình".
Theo YAN