Chị Nguyễn Phượng Thư, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp An Giang. Ảnh: Hòa Hội
Tiếp “doping” cho startup
Kể từ khi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp An Giang (Tỉnh đoàn An Giang) đi vào hoạt động vào năm 2017 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp, các ngành trong tỉnh. Qua đó, có thể xem đây là động lực cho các startup được hiện thực hóa những ý tưởng, dự án của mình. Các bạn trẻ đã có những bước tiến đáng khích lệ, tinh thần đoàn kết cao, có sự sáng tạo và nhạy bén trong các lĩnh vực...Trong đó, phải kể đến chính là tinh thần khởi nghiệp đã được lan tỏa rộng rãi, ý thức khởi nghiệp nâng lên tầm cao mới.
Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018" chính là một minh chứng, tín hiệu xanh trong hoạt động khởi nghiệp, làm tiền đề cho sự tăng tốc bức phá tạo nên làn sóng khởi nghiệp manh mẽ cho thế hệ trẻ An Giang. Qua đó, góp phần động viên, cổ vũ thanh niên thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp, nâng cao nhận thức của xã hội về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Phượng Thư nói chuyện về khởi nghiệp
Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp tỉnh An Giang chính thức đi vào hoạt động tháng 4/2018. Đến nay, Trung tâm đã thẩm định và giải ngân cho 48 dự án vay vốn, với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. “Nguồn vốn hỗ trợ tuy không nhiều nhưng đã hỗ trợ kịp thời cho các bạn thanh niên thực hiện dự án khởi nghiệp của mình”, Thư bộc bạch nói: “Trung tâm mong muốn sẽ hỗ trợ thêm nhiều dự án, đặc biệt là đối tượng thanh niên nông thôn nhằm giải quyết bài toán về việc làm và hạn chế tình trạng bỏ quê đi nơi khác lập nghiệp”.
Trong bối cảnh khởi nghiệp, đặc biệt là các Startup trên cả nước đang đổi mới sáng tạo và trở thành xu hướng tất yếu trên phạm vi toàn cầu nhằm vực dậy nền kinh tế của cả nước, thế nhưng tại Việt Nam vẫn còn loay hoay trong cơ chế, chính sách hỗ trợ, trong hướng dẫn các startup-er, khiến tỉ lệ những người khởi nghiệp thành công không vượt quá 10%. Chính những rào cản, những con số ấy làm nản lòng không ít những người đang ấp ủ những kế hoạch khởi nghiệp. Nhìn nhận như thế để thấy rằng, “bà đỡ” Phượng Thư luôn nhiệt tình, xông xáo, chẳng ngại gian khó để tìm cách hỗ trợ các bạn trẻ quê mình. Cùng với đó là những đề xuất, kiến nghị hay vận động các doanh nghiệp hỗ trợ vốn để giúp các Startup tỉnh nhà, điển hình như sự ra đời của cửa hàng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và nguồn vốn 10 tỷ đồng từ Tập đoàn Lộc Trời đều có “dấu ấn” của Phượng Thư. Nó như một liều 'dopping', tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ tinh thần các bạn trẻ dấn thân, dám nghĩ, dám thực hiện hoài bão của mình.
Phượng Thư (bên phải) cùng 2 bạn Yến Vy – Đức Xuân
“Bà đỡ” cho bạn trẻ
Với nữ phó giám đốc 8X đầy nhiệt huyết này, điều cô trăn trở nhất là làm sao hạn chế tình trạng thanh niên bỏ quê đi nơi khác lập nghiệp. Với sự nỗ lực miệt mài trong thời gian qua, bước đầu đã cho kết quả đầy mong đợi. Đó chính là việc hai bạn trẻ Yến Vi – Đức Xuân từ phố thị quyết định quay về quê lập nghiệp đã khiến cô không khỏi xúc động, mừng thầm trong lòng rằng quê mình như một luồng gió mới thổi vào phong trào khởi nghiệp tỉnh nhà.
Chị Nguyễn Phượng Thư năm nay 33 tuổi, luôn vui vẻ, đảm nhận công việc Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang chưa đầy 4 năm nhưng rất “mát tay” với các bạn trẻ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mới đây, cô được Ban thường vụ Tỉnh đoàn An Giang trao thêm trọng trách Phó Ban phong trào.
Phượng Thư (bìa phải) cùng các bạn trẻ
Sau hôm khai trương cửa hàng trưng bày bán sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp, bạn Đặng Hoài Linh (huyện Thoại Sơn) thủ thỉ: “Ban đầu làm ra còn chân ướt chân ráo, chưa ai biết tới mình. Hơn nữa chưa có chứng nhận hay gì cả thì làm sao đưa sản phẩm vào siêu thị được. Cũng may, nhờ người quen giới thiệu gặp “bà đỡ” Phượng Thư. Nói chuyện xong, chị Thư bảo sẽ hỗ trợ bán sản phẩm cho em. Hôm đó mừng quýnh về báo với vợ, thế là các sản phẩm atiso của Linh đã có mặt tại cửa hàng cho đến nay.
Yến Vi đang thụ phấn dưa
Quay trở lại câu chuyện của bạn Yến Vi và Đức Xuân – cựu sinh viên Đại học Nông lâm trở về quê hương An Giang khởi nghiệp với mô hình "Dưa lưới và rau quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP". Con đường khởi nghiệp của 2 bạn gặp trở ngại ngay từ mùa vụ đầu tiên khi 1000m2 dưa lưới trong nhà màng bị chìm trong nước do năm nay lũ về sớm và nhanh hơn so với cùng kỳ, kết hợp với triều cường dâng cao khiến cho 2 bạn không dự đoán trước được hậu quả.
Hay tin vườn dưa lưới của bạn Vi bị chìm trong nước, mất trắng, sợ rằng 2 bạn trẻ này sẽ không chịu nổi cú sốc và sẽ bỏ cuộc nên Thư rất lo lắng. Đây là trường hợp hiếm hoi thanh niên rời quê rồi quay trở về quê lập nghiệp và Thư nghĩ rằng, sự li hương dần được cải thiện, đó là tín hiệu đáng mừng khi thanh niên đã nhìn ra được tiềm năng của địa phương và đem tri thức học được về phát triển quê hương.
Yến Vi tốt nghiệp đại học ngành Nông học trường Đại học Nông Lâm TPHCM vào năm 2015. Cô cho biết, ban đầu dự định sẽ thuê đất ở Củ Chi, TPHCM để làm nông nghiệp cao. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến cô gái 9X này trở về quê khởi nghiệp là có sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền, điển hình như Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang do Thư trực tiếp phụ trách. Vi chia sẻ, từ khi về bắt đầu thuê đất làm thì được hỗ trợ nhiều không những về pháp lý, tập huấn kỹ năng, mối quan hệ… Đặc biệt Thư còn trực tiếp xuống trang trại để xem có vấn đề cần giúp đỡ thì sẵn sàng làm ngay.
Sổ tay do Nguyễn Vũ Linh khắc
Không riêng gì Vi mà "bà đỡ" 8X này còn đồng hành và theo dõi sát quá trình khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ khác, điển hình như Nguyễn Vũ Linh ở huyện Châu Phú khởi nghiệp với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Vũ Linh nhận xét:"Chị Thư luôn quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ các bạn trẻ khởi nghiệp, trong đó có em. Đồng thời, chị còn tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm và tìm đầu ra hỗ trợ rất nhiều, em cũng đã học thêm được rất nhiều kiến thức qua các buổi tập huấn khởi nghiệp do chị đứng lớp".
Theo Tienphong