Đối với bác sĩ Quách Trương Phương, người hiện đang công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh, giải Tiền Phong Marathon có ý nghĩa quan trọng trong “sự nghiệp” chạy bộ của mình.
Giải chạy đầu đời của vị bác sĩ thế hệ 8X là giải Tiền Phong Marathon được tổ chức tại Lý Sơn năm 2020. Đây cũng là cuộc chạy marathon chính thức đầu tiên trong đời của runner này.
“Tôi bắt đầu tập chạy trước giải ở Lý Sơn khoảng 1 năm do được nhóm bạn hay đi trekking rủ rê. Tôi thử chạy 5km thì thấy cũng ổn nên sau đó quyết định tập chạy dài hơn”, anh Phương chia sẻ kỷ niệm với PV Tiền Phong. “Hồi đó, tôi chưa từng ra đảo Lý Sơn lần nào, vả lại cự ly full marathon có nhiều thách thức hấp dẫn nên tôi cũng muốn thử 'liều một phen'. Do có sẵn nền tảng từ sở thích đi trekking nên tôi đã chinh phục cuộc đua marathon đầu tiên với thời gian hơn 5 giờ đồng hồ”.
Bỗng dưng nổi tiếng nhờ… giấu mặt
Kể từ giải chạy ở Lý Sơn đến nay, bác sĩ Phương tham gia khoảng 10 giải chạy mỗi năm, nhưng hầu như rất ít người biết mặt. Không phải vì anh khó gần mà bởi anh luôn mang chiếc mặt nạ khi chạy giải.
|
Bác sĩ Phương luôn mang chiếc mặt nạ khi chạy giải.
|
“Ý tưởng chạy bộ mặc cosplay (mặc đồ giống một nhân vật nào đó) nảy sinh ở một giải chạy đêm tại TP.HCM. Tôi muốn buổi chạy diễn ra vui vẻ nên tận dụng bộ đồ hóa trang mình đang có”, anh Phương nhớ lại. “Vô Diện là nhân vật có bản chất hướng thiện, từ dữ dằn chuyển sang thiện lành. Trong thời gian dịch COVID-19, tôi phải mặc đồ bảo hộ suốt, có khi hơn 12 tiếng đồng hồ. Do vậy, tôi áp dụng kinh nghiệm mặc mớ đồ lùng bùng, bí bách ấy để chạy với bộ trang phục cosplay. Sau khi chạy, nhiều người ủng hộ khiến tôi cũng thấy vui và tiếp tục chạy với bộ đồ này ở các giải chạy sau”.
Chiếc mặt nạ Vô Diện giúp anh Phương che giấu đi cảm xúc buồn vui cá nhân, sự mệt mỏi của bản thân để động viên và truyền năng lượng tích cực đến mọi người trên đường chạy. Trụ vững được giữa tiết trời nóng để chạm vạch đích là thử thách vô cùng gian nan.
“Trong quá trình chạy, tôi chỉ uống nước và hạn chế ăn để giấu thân phận mình, đảm bảo không bị lộ mặt từ đầu đến cuối buổi chạy. Việc thở hơi khó khăn vì mặt nạ kín 100% (trừ mắt). Do đeo mặt nạ suốt thời gian chạy bộ nên rất ít người biết đến gương mặt thật của runner Vô Diện”, anh kể.
Đến nay, cộng đồng chạy bộ đã quen với hình ảnh Vô Diện và luôn ngóng chờ sự xuất hiện của bác sĩ Phương - runner áo đen trùm kín mít ở các giải chạy.
Không mặc đồ cosplay Vô Diện ở các giải Tiền Phong Marathon vì lý do đặc biệt
Tuy vậy, bác sĩ Phương chưa bao giờ mặc trang phục cosplay nổi tiếng Vô Diện ở ba mùa giải Tiền Phong Marathon gần nhất. Anh muốn được chạy với tâm thế là một người Việt Nam bình thường, không mặc đồ cosplay, sải bước trên các cung đường thân yêu của Tổ quốc, từ đảo tiền tiêu Lý Sơn đến “những nẻo đường biên cương” Lai Châu sắp tới.
“Tôi rất thích các giải chạy của Tiền Phong Marathon bởi vì mỗi năm, giải tổ chức ở một nơi khác nhau. Đường chạy Tiền Phong Marathon rất đặc trưng bởi hàng cờ Tổ quốc. Ý nghĩa thiêng liêng lớn lắm nên tôi dành sự tôn trọng, sự trang nghiêm, niềm tự hào khi chạy qua hàng cờ đỏ sao vàng bay phấp phới ấy. Đây còn là giải chạy việt dã có truyền thống lâu đời và danh giá, quy tụ nhiều chân chạy xuất sắc trong cộng đồng chạy bộ”, bác sĩ Phương lý giải.
Để chuẩn bị chinh phục 42km ở Lai Châu vào 26/3 tới, bác sĩ Phương tập leo lên đỉnh núi Bà Đen ở gần nhà. Anh thường dậy từ 3 rưỡi sáng để tập chạy lúc… 4 giờ. Đến 6 giờ sáng, anh đã có thể chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày mới.
Tiền Phong Marathon lần đầu tiên được tổ chức ở Lai Châu cũng là cơ hội để bác sĩ 8X thỏa mãn đam mê xê dịch. Anh đã từng leo ba đỉnh trong tổng số 15 đỉnh núi cao nhất phía Bắc, trong đó có Ngũ Chỉ Sơn và Tả Liên Sơn.
“Kế hoạch của tôi là sẽ ra Điện Biên sớm, tranh thủ khám phá A Pa Chải - cực Tây của Tổ quốc sau đó quay về Lai Châu để chạy marathon. Tôi chỉ dám kỳ vọng về đích trước 4 giờ 30 phút vì nghe nói đường chạy Lai Châu nhiều dốc cao”, anh bộc bạch. “Người đi trekking thường chỉ tham quan được một địa điểm. Nhưng chạy marathon giúp tôi và các bạn có thể khám phá cả một vùng đất mới rộng lớn dài đến 42km”.
“Lý Sơn có gió, Gia Lai lại có dốc còn Côn Đảo thì nắng chói chang. Lai Châu chắc chắn sẽ lại là một ẩn số đầy hấp dẫn để mọi người trải nghiệm. Theo tôi, các runner phong trào đừng đặt nặng thành tích quá. Mỗi người tự đánh giá sức mình như thế nào, không so bì với người khác vì mỗi người có một cơ địa, hoàn cảnh tập luyện khác nhau. Hãy là chính mình, hoàn thiện bản thân ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua”, runner có 12 năm theo đuổi nghề y nhắn nhủ.
Theo Đạt Nguyễn/Tiền Phong