Mọi người tới xem, chụp hình và thậm chí dâng “lễ vật” cho cái lỗ có hình dạng giống con chuột trên lề đường ở Chicago. Ảnh: New York Times.
Một cái lỗ đã xuất hiện từ hàng chục năm trước bên lề đường gần đây bất ngờ nhận được sự quan tâm bùng nổ trên mạng xã hội và thu hút hàng loạt cư dân ở Chicago (Mỹ) đến tận nơi để quan sát, chụp hình và thậm chí còn dâng “lễ vật”.
Không ai biết cái lỗ bí ẩn từ đâu ra.
Gây sốt trên cả thế giới ảo và thực
Winslow Dumaine đang đi đến một cửa hàng ở North Side, Chicago, thì nhìn thấy nó: Một cái lỗ trên vỉa hè ở Phố Roscoe có hình dáng giống một con chuột tới kỳ lạ.
Người đàn ông vốn là một họa sĩ và diễn viên hài này cho biết cái lỗ hội tụ cả hai chủ đề thường xuất hiện trong tác phẩm của ông: Bệnh tật và sự kỳ quái.
“Phải hành hương đến Lỗ Chuột Chicago (Chicago Rat Hole)”, Dumaine viết trong một bài đăng trên mạng xã hội trong tháng 1, kèm theo bức ảnh cận cảnh chiếc lỗ.
Đăng tải này thu hút hơn 5 triệu lượt xem, và khiến vô số người dân Chicago đổ tới khu dân cư yên tĩnh của Roscoe Village, một khu phố nổi tiếng với những quán rượu ấm cúng, cửa hàng thời trang và tiệm bánh kiểu cổ.
Mọi người bắt đầu dâng “lễ vật” cho chiếc lỗ bí ẩn, có kích thước bằng con chuột cống, bao gồm: Nến, đồng xu, hoa, một ngôi mộ nhỏ có ảnh một con chuột và một túi cinnamon roll (bánh mì cuộn nho quế) từ Ann Sather, chuỗi nhà hàng được yêu thích ở Chicago.
Những đồ vật được đặt vào lỗ chuột gồm có: Nến, đồng xu, hoa, một chiếc mộ nhỏ với bức ảnh một con chuột, và một túi cinnamon roll (bánh mì cuộn nho quế). Ảnh: New York Times.
Trên cả thế giới ảo và thực, “Chicago Rat Hole” trở thành một chuyện đùa được chia sẻ rộng rãi ở thành phố vốn luôn tự hào về khiếu hài hước của mình; những người qua đường cười khúc khích trước đài tưởng niệm thu nhỏ, dừng lại để nói chuyện với những du khách khác và cùng chụp ảnh tại lỗ chuột.
"Điểm nóng" du lịch
Chicago gần đây được ghi nhận là thành phố “có nhiều chuột nhất” ở Mỹ. Công ty kiểm soát dịch hại Orkin gọi thành phố này là nơi có nạn chuột phá hoại tồi tệ nhất trong năm thứ chín liên tiếp. Và sự xuất hiện của cái gọi là “lỗ chuột bí ẩn” khiến cư dân quay cuồng.
Ngay cả một chính trị gia địa phương, nghị sĩ Hạ viện Ann Williams, cũng tham gia vào trò đùa.
Trong một video đăng lên mạng xã hội hôm 10/1, Williams đã giới thiệu các điểm tham quan của quận mà cô đại diện, bao gồm nhiều quán bar và nhà hàng, sân vận động Wrigley Field, “và tất nhiên, cả lỗ chuột Chicago”, nữ Hạ nghị sĩ nói khi máy quay lia xuống tới vỉa hè.
Teddy Wu ghé qua cái lỗ có hình dạng giống chuột và rót một ít nước vào đó. Ảnh: New York Times.
Tại “điểm nóng” du lịch ở Chicago này, hôm 11/1, một đứa trẻ mới biết đi mặc áo khoác lông cừu màu hồng vui vẻ chỉ trỏ vào con chuột đồ chơi nhỏ được đặt ở giữa cái lỗ - “lễ vật” mới nhất tại đây.
Khi ông Dumaine chỉ vào những vết móng vuốt nhỏ trên bê tông, Jenny Morales và con gái bà, Janelle, tiến đến và cười lớn.
Jenny Morales nói: “Không phải ngày nào bạn cũng nhìn thấy lỗ chuột. Hôm nay là một ngày mùa đông lạnh giá nên tôi nghĩ chúng tôi sẽ đến xem thứ gì đó”.
“Chỉ cần nhìn thấy cái lỗ chuột!”, Lora Bothwell, chủ một nhà trẻ gần đó, nói xen vào. “Ngày nào tôi cũng dắt bọn trẻ đi ngang qua đây và chúng tôi luôn nói về việc 'Có phải chuột không? Đó có phải là một con sóc không?”.
Bản thân bà Bothwell cho rằng đó là một con sóc: “Tôi không nghĩ một con chuột lại nhảy lên và bắn tung tóe như vậy” bà nói.
Đồng tình với bà Bothwell, ông Dumaine cho rằng trên thực tế, hình dạng của dấu vết trên vỉa hè không giống chuột đến vậy.
“Nó có phần hông lớn của một con sóc”, ông nói, “nhưng ‘Chicago Rat Hole’ hẳn là cái tên hay cho một ban nhạc”.
Chiếc lỗ chuột từ đâu ra? Nó đã ở đó bao lâu? Không ai biết đích xác. Ảnh phải - Ryan O’Keefe ghé qua chụp ảnh để đăng bài trên mạng xã hội cho nhà sản xuất xúc xích Vienna Beef, một trong những khách hàng của anh. Ảnh: New York Times.Ảnh: New York Times.
Nguồn gốc của cái lỗ vẫn chưa được xác định nhưng đang châm ngòi cho một cuộc tranh luận lớn trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông địa phương và ngay tại địa điểm này.
Bà Bothwell, người đã sống gần nơi này 27 năm, cho biết dù chuyện này là gì đi chăng nữa thì bất kể loài động vật nào có liên quan cũng ít nhất 20 tuổi rồi. Bà kể rằng các khách hàng cũ đã nhắn tin cho bà một cách vui mừng trước sự xuất hiện của cái lỗ trên mạng xã hội và truyền thông địa phương.
Kể từ khi chuyển đến Chicago từ quê hương Omaha vào năm 2017, ông Dumaine thường đăng hình ảnh các biển báo và biểu tượng khác của khu đô thị mà ông thấy thú vị hoặc buồn cười, nhưng bài đăng lỗ chuột đã khiến tất cả dạt sang một bên.
Người nghệ sĩ chia sẻ rằng bài đăng được xem rộng rãi đã mang lại một cú hích đáng kể cho nghệ thuật của ông - bao gồm các bộ bài tarot vẽ tay, áo thun và túi trang điểm phá cách.
Truyền thông địa phương nhanh chóng gắn biệt danh “rat hole guy” (chàng lỗ chuột cho Dumaine) nhưng ông cho biết đã từ chối những lời đề nghị phát triển hàng hóa ăn theo và thu lợi nhuận trực tiếp từ nó.
“Tôi từ chối nắm giữ bất kỳ quyền hạn nào đối với cái lỗ chuột. Tôi muốn điều này dành cho tất cả, tôi không chiếm đóng một cái lỗ chuột”, ông nhấn mạnh.
Du khách đến thăm “Chicago Rat Hole” thường để lại “lễ vật” cho cuộc triển lãm thu nhỏ. Ảnh: New York Times.
Theo quan điểm của ông Dumaine, lỗ chuột là một địa điểm công cộng, và đây chỉ là một ví dụ khác về việc động vật để lại dấu ấn trong nền văn minh nhân loại, giống như dấu chân mèo được tìm thấy trên mái ngói La Mã 2.000 năm tuổi, hay dấu chân đen như mực được tìm thấy trên một bản thảo thế kỷ XV.
Trong tác phẩm hội họa và hài kịch của mình, ông Dumaine cố gắng thể hiện chủ nghĩa thời đại và tạo ra điều gì đó hài hước hơn hoặc cực đoan hơn. Tuy nhiên, ông nói, không thể làm điều đó với lỗ chuột.
“Tôi không thể mạ vàng bông hoa huệ”, ông nói. “Tôi không thể làm cho cái lỗ chuột hài hước hơn chính nó được”.
Theo Hồng Đình/Znews.vn