Suốt 2 năm qua, vì bận việc học, Trung Kiên (21 tuổi) - du học sinh năm 2 Đại học Công Nghệ Liên bang Nga - không có cơ hội về thăm nhà. Năm nay, cậu quyết tâm lên kế hoạch về Việt Nam đón Tết.
Song, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến mọi dự định gần như hoãn lại. "Năm nay là lần thứ 3 mình đón Tết ở Nga. Đây chắc là cái Tết đáng nhớ nhất bởi mình đã chuẩn bị mọi thứ để về Việt Nam nhưng mọi chuyến bay đều bị hủy”, Kiên chia sẻ với Zing.
Từ lâu, Tết Nguyên đán vốn là dịp để những người đang học tập, sinh sống xa nhà có cơ hội trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không phải ai cũng có cơ hội về Việt Nam ăn Tết.
Nỗi nhớ nhà da diết
Tuy đã học tập và sinh sống ở Nga được 3 năm, Kiên vẫn chưa quen với việc ăn Tết xa nhà. Ở đây, người dân chỉ được nghỉ một ngày đón tết Dương lịch. Vì vậy, cậu cảm thấy nhớ không khí Tết nhộn nhịp ở Việt Nam.
|
Trung Kiên (đứng thứ 2 từ bên trái) đón Tết xa nhà cùng bạn bè. |
Tết càng cận kề, tâm trí của những người con xa quê càng chùng xuống. Trung Kiên nhớ những ngày trước Tết, cậu thường phụ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa. Đêm 30, mọi người cùng nhau sum vầy bên mâm cơm gia đình để tạm biệt năm cũ. Tết cũng là dịp cậu được gặp lại những người bạn thân thiết của mình.
Niềm hạnh phúc khi Tết đến xuân về giờ chỉ còn trong ký ức. May mắn thay, Trung Kiên vẫn còn những người bạn trong cộng đồng người Việt tại Nga.
“Vào đúng mùng 1 Tết âm lịch, mọi người sẽ cùng nhau tụ họp để tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ. Các bạn ở đây ai cũng nhớ nhà, vì vậy đây cũng là dịp để mọi người cùng nhau chia sẻ tâm sự, vượt qua khó khăn”, Kiên nói.
Cùng tâm trạng, Đông Khang (21 tuổi), nữ du học sinh tại Nhật Bản, chia sẻ: "Mọi thứ đều ổn, trừ việc mình thấy nhớ nhà. Có lúc, mình tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.
Mình không thể nào quên khoảnh khắc cả nhà ngồi đợi xem pháo hoa vào đêm 30 Tết. Bố thường sẽ sơn lại tường nhà còn mẹ dọn mâm cơm cúng tổ tiên. Mình và chị hai còn tranh nhau ôm bà nội. Không biết đến bao giờ mình mới được trải qua khoảnh khắc ấy một lần nữa".
Tuy nhiên, cô thừa nhận bản thân là người luôn có những suy nghĩ tích cực. Vì không thể ăn Tết bên gia đình, Đông Khang tự lên kế hoạch cho những chuyến đi để trải nghiệm hết văn hóa của đất nước mặt trời mọc cùng những người bạn.
|
Đông Khang (giữa) luôn mang khẩu trang để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh khi tham gia hội xuân tại Nhật Bản. |
“Ở Nhật Bản, dù không có gia đình ở bên, bù lại mình có những người bạn đáng quý. Mình được mời về nhà bạn đón giao thừa, đi chùa cầu nguyện và trải nghiệm những hoạt động đón Tết của người Nhật nữa. Bản thân Khang luôn biết ơn và cảm thấy may mắn vì gặp được những điều đẹp đẽ khi học tập và sinh sống tại đất nước này”, cô chia sẻ thêm.
Hẹn Tết sau con sẽ về
“Mình muốn được về nhà ăn Tết, nhưng Tết chỉ thật sự ý nghĩa khi nó mang lại an toàn cho mọi người”, Thụy Đinh (21 tuổi), du học sinh Mỹ, trải lòng.
Cô thừa nhận mình may mắn hơn nhiều du học sinh khác khi có cơ hội sống cùng chị gái nơi đất khách quê người.
Thời gian đầu, Thụy Đinh bị sốc vì mọi thứ khác hoàn toàn với Việt Nam từ văn hóa, giao tiếp đến thời tiết… Sau hơn nửa năm, Thụy Đinh đã dần bắt nhịp được với cuộc sống nơi đây. Cô có những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới và sẵn sàng lắng nghe cô tâm sự.
|
Thụy Đinh từng có quãng thời gian khó khăn vì dương tính với Covid-19. |
Năm nay, Thụy Đinh không thể trở về nước vì tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Tuy nhiên, cô không quá buồn vì điều đó.
“Tháng trước, mình vừa nhận kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 với những dấu hiệu cảm cúm thông thường và mất vị giác nhẹ. May mắn sau một thời gian điều trị, hiện tại mình đã hoàn toàn khỏe mạnh”, cô chia sẻ.
Mặc dù không sống gần với cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ nhưng Thụy Đinh vẫn có thể cảm nhận không khí tết xung quanh đã đến. Chợ và nhiều cửa tiệm bắt đầu trang trí hoa mai, hoa đào và cờ tổ quốc.
Cô nhớ cảnh cả nhà quây quần bên nhau gói bánh chưng, đặc biệt là cái ôm của bố mẹ. Sang đất khách quê người rồi mới biết, không đâu tốt bằng gia đình, nơi luôn chờ đợi mình trở về.
Về dự định Tết năm nay, Thụy Đinh chia sẻ: “Như mọi năm, mình sẽ cùng chị gái chuẩn bị một bữa cơm nhỏ vào mùng 1 Tết. Tụi mình sẽ cố gắng làm đủ các món truyền thống như thịt kho, canh khổ qua, bánh chưng… để tận hưởng hương vị Tết Việt Nam. Nếu còn thời gian, mình sẽ đến thăm gia đình một người họ hàng”.
“Nếu có một điều ước, mình mong có được cánh cửa thần kỳ của Doraemon. Chỉ cần bước qua cánh cửa, mình đã có thể ăn tết cùng gia đình mà không cần phải bay 20 tiếng đồng hồ nữa”, cô nói.
|
Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại nước ngoài tổ chức tiệc đón năm mới cùng nhau. |
Quốc Toàn (21 tuổi), du học sinh tại liên bang Nga, cũng mong muốn có một cái Tết trọn vẹn bên người thân và gia đình nhưng không thành. Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, vì thế năm nay là năm thứ 2 cậu không thể về nhà.
“Mình cùng các bạn du học sinh bên này vẫn đang an toàn. Chúng mình sẽ cùng nhau đón Tết nên mọi người ở nhà đừng quá lo lắng. Ngay khi tình hình dịch bệnh ổn hơn, mình sẽ mua vé máy bay trở về”, Quốc Toàn chia sẻ.
Với những du học sinh, việc đón một cái Tết đoàn viên cùng gia đình trở nên vô cùng xa xỉ. Trong tình thế khó khăn hiện tại họ chỉ có thể tri ân cha mẹ bằng sự an toàn của mình nơi đất khách quê người, cầu mong gia đình đón Tết bình an, hạnh phúc.
Theo Phú Quí/ Zing